Cho phép huy động mọi nguồn lực phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (13:59 25/06/2019)


HNP - Ngày 20/6, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 2026-TB/TU, truyền đạt kết luận của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Theo đó, về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi theo các văn bản chỉ đạo của trung ương, thành phố.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển và buôn bán lợn bệnh, lợn chết. Trong vùng đang xảy ra dịch khuyến cáo nhân dân tuyệt đối không được nhập, tái đàn mới; nghiêm cấm các cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do nhiễm bệnh tái đàn khi chưa công bố hết dịch.

Các quận, huyện, thị xã nói chung và huyện Quốc Oai nói riêng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, khống chế, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh dịch và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo quy định. Tổ chức rà soát kỹ địa điểm chôn lấp, nghiêm cấm vứt lợn tiêu hủy không đúng quy định.

Các cơ quan thông tin truyền thông của thành phố hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn.

Các đồng chí Bí thư huyện, thị ủy, Chủ tịch UBND huyện, thị xã và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiêp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; tuân thủ nguyên tắc “5 không’’ theo đúng quy định của Luật Thú y (Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyên lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt) nhằm hạn chế dịch lây lan.

Các sở, ngành liên quan của thành phố tăng cường phối hơp với huyện, thị xã và cơ quan thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, giám sát tiêu độc, khử trùng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngành Công an tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ các lò mổ, vận chuyển gia súc, các sản phẩm gia súc trên địa bàn để tránh lây lan dịch. Sở Tài nguyên và Môi trường chú trọng kiểm tra, chỉ đạo bảo vệ môi trường, không để ô nhiễm nguồn nước.

Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu, đề xuất cơ chế bồi dưỡng thỏa đáng cho lực lượng tham gia công tác tiêu hủy lợn bệnh. Phải coi khống chế dịch như chống giặc, được phép huy động mọi nguồn lực, có cơ chế công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện, có sự giám sát của nhân dân, không để trục lợi chính sách.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t