Tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát triển toàn diện, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương (20:38 14/04/2019)


HNP - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 1886-TB/TU truyền đạt Kết luận của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tại Tọa đàm “Nữ trí thức Hà Nội tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030”.

Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Thành phố luôn trân trọng, đánh giá cao những đóng góp tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh” trên địa bàn Thủ đô. Nhiều mô hình mới, cách làm hay của chị em phụ nữ được nhân rộng, có tác dụng thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của hội viên phụ nữ nói chung và nữ trí thức Hà Nội nói riêng tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội quan tâm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về vai trò và vị trí quan trọng của phụ nữ đối với sự ổn định, phát triển của gia đình và xã hội. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM, nhằm phổ biến sâu rộng các tiêu chí của NTM để mọi người nhận thức và tự giác thực hiện. Xây dựng chương trình cụ thể, lựa chọn, hướng dẫn hội viên phụ nữ xây dựng một số mô hình điểm về chăn nuôi, trồng trọt có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; tổ chức các hội thi, tuyên truyền, tìm hiểu về xây dựng NTM, tìm hiểu pháp luật,... Chủ trì, phối hợp tổ chức các buổi tập huấn kiến thức, kỹ năng (nuôi dạy, quản lý, giáo dục con em; phòng, chống suy dinh dưỡng và các loại dịch bệnh; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, bạo lực gia đình,... phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, kiến thức vệ sinh ATTP...) gắn với tuyên truyền chủ trương xây dựng NTM, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của chị em phụ nữ, phát huy tác dụng lan tỏa trong cộng đồng.

Chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn vay; tích cực triển khai thực hiện các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, giúp đỡ hội viên giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của chị em. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, nâng cao trình độ dân trí nói chung, trình độ văn hóa và hiểu biết xã hội của người phụ nữ nông thôn nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát triển toàn diện, chủ động tham gia xây dựng NTM, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương, Thủ đô và đất nước.

Tích cực vận động cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu tham gia đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, tu sửa, nâng cấp, làm đẹp thêm hệ thống đường giao thông thôn, xóm, các công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, bảo vệ môi trường, thực hiện các tiêu chí về nhà ở, khu dân cư, ủng hộ, giúp đỡ cho phụ nữ nghèo... Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, xã hội; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các làng nghề truyền thống; thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, tiếp tục duy trì, phát triển các công trình của phụ nữ trong giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, như “tuyến đường nở hoa”, “đoạn đường phụ nữ tự quản”...

Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để các hội thành viên, trong đó có Hội Nữ trí thức Thủ đô hoạt động, phát huy vị trí, vai trò trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước nói chung và trong thực hiện chủ trương xây dựng NTM nói riêng...

Về đề nghị đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn đối với nông dân và chị em phụ nữ nông thôn về các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, để người dân thay đổi tư duy sản xuất, tiêu dùng, tham gia chuỗi sản xuất: Thục hiện khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là “sản xuất giống cây trồng, Vật nuôi có năng suất chất lượng cao” bằng ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản theo chuỗi; xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm giúp người nông dân làm giàu trên chính đồng đất của mình. Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát lại các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn của Thành phố; tham mưu, đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố bố tri kinh phí trong nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hỗ trợ lao động ở khu vực nông thôn, lồng ghép với nội dung bồi dưỡng, tập huấn về các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, chủ động mời các chuyên gia, nhà khoa học Hội Nữ trí thức Hà Nội tham gia trao đổi, truyền đạt.

Về đề xuất thực hiện mô hình tăng trưởng xanh, chuyển giao quá trình sản xuất nông nghiệp theo “Phương pháp hữu cơ sinh học” nhằm bảo vệ môi trường và tầng nước ngầm, cải tạo đất, ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý nguồn chất thải... Giao Sở NN&PTNT thẩm định chuyên môn, đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nữ trí thức Hà Nội nghiên cứu, nhân rộng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội.

Hoan nghênh việc nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và triển khai thực hiện mô hình nông thôn mới Tràng An. Giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố phối hợp với các huyện triển khai thực hiện mô hình. Khuyến khích các huyện đăng ký lựa chọn xã làm điểm. Trước mắt, lựa chọn 01 xã đã đạt chuẩn NTM và 01 xã đang trong quá trình xây dựng NTM để thực hiện; sau đó, rút kinh nghiệm, nhân rộng, tạo thương hiệu NTM với những nét đặc trưng của thủ đô Hà Nội.

Về đề xuất thực hiện mô hình nâng cao năng lực nội sinh “Mỗi xã, một sản phẩm ” (OCOP). Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị liên quan rà soát chương trình OCOP mà Thành phố đang triển khai để tiếp tục tổ chức thực hiện; tham khảo ý kiến các nhà khoa học về phương pháp, cách làm; đề xuất lựa chọn các xã làm điểm, nhân rộng mô hình.

Hoan nghênh các đề tài nghiên cứu ứng dụng thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân. Đề nghị Hội Nữ trí thức Hà Nội nghiên cứu Đề tài về chuỗi liên kết (Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà sản xuất (trong đó có nông dân và các doanh nghiệp), Nhà tiêu dùng, Nhà báo); nghiên cứu, phân công rõ vai trò, nội dung, trách nhiệm, đảm bảo giải quyết hài hòa quyền, lợi ích các “nhà” trong chuỗi, phát triển thành mô hình kiểu mẫu theo hướng chuyên môn hóa, trên cơ sở đó nhân diện rộng. Giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố hướng dẫn Hội Nữ trí thức Hà Nội thực hiện các thủ tục đăng ký đề tài; bố trí kinh phí trong nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Thành phố.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thành phố thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy về kết quả thực hiện các đề xuất, kiến nghị nêu trên tại các hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo hàng quý.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t