Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp về cải cách tư pháp (09:29 26/12/2018)


HNP - Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 66-TB/TU, truyền đạt kết luận của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo năm 2018.

Theo đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đề án 06-ĐA/TU của Thành ủy, ngoài các nhiệm vụ đã được nêu trong báo cáo, các cấp, các ngành thành phố tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ các văn bản pháp luật liên quan đến công tác tư pháp (luật mới có hiệu lực). Tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; 

Tiếp tục phấn đấu nâng tỷ lệ xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tỷ lệ khám phá tội phạm chung, khám phá trọng án đảm bảo hoàn thành và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội giao. Thực hiện tốt việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử các loại án đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu công tác năm 2019; thực hiện tốt việc tranh tụng trong xét xử theo quy định pháp luật, không kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; hạn chế thấp nhất tình trạng án bị hủy, sửa, các vụ án tuyên không rõ ràng. 

Công an thành phố, Tòa án Nhân dân thành phố phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố kiểm tra, rà soát quản lý chặt chẽ các vụ án tạm đình chỉ, vụ án có quyết định tách vụ án; có giải pháp nâng cao hiệu quả điều tra, xác minh để hạn chế việc phải tạm đình chỉ, tách vụ án. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các vụ án đặc biệt là các vụ án tạm đình chỉ, vụ án có quyết định tách vụ án; đối với án tạm đình chỉ do chưa rõ bị can cần chuyển lập án trinh sát để tích cực xác minh, điều tra; đối với án tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn cần đẩy mạnh và nầng cao hiệu quả công tác truy nã.

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân hai cấp trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Đây là hoạt động mới cần chỉ đạo quyết liệt do đó yêu cầu Tòa án Nhân dân thành phố hằng tháng báo cáo kết quả hòa giải, đối thoại tại 16 trung tâm hòa giải, đối thoại, những khó khăn, vướng mắc với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy, cấp ủy các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp các cơ quan dân cử (HĐND, MTTQ các cấp) tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, triệt để, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn những sai phạm trong hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Triển khai thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đề nghị UBND các cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động các cơ quan tư pháp; đầu tư xây dựng trụ sở khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, giao đất đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.


Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t