Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 01-5/7/2019 (10:34 09/07/2019)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 01-5/7/2019 như sau:

Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2019

Ngày 5/7/2019, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng công tác cuối năm 2019 của UBND Thành phố. Thay mặt Tập thể UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm, trọng tâm sau: quán triệt thực hiện quyết liệt, toàn diện, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HDDND, UBND Thành phố; Chuẩn bị tốt các điều kiện, chương trình, đề án chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp; Đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các thủ tục, lập, quản lý hồ sơ đảm bảo chất lượng, các quy trình GPMB tuyệt đối không để xảy ra sai sót.

Kiên trì, triển khai hiệu quả các giải pháp cấp bách trong công tác phòng chống, dập bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố; Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kiểm tra, rà soát toàn bộ phương án, phương tiện, vật tư dự phòng, bố trí lực lượng thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai; Thực hiện nghiêm các quy định về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tại cơ sở; triển khai đồng bộ các biện pháp, chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các hộ kinh doanh; Đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai tốt các sự kiện văn hóa tại Thành phố; Đôn đốc công tác tuyển sinh trực tuyến đầu cấp; tiến độ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; đẩy mạnh triển khai các đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố…

Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND Thành phố

Thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND Thành phố về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”, UBND Thành phố đã có Báo cáo số 210/BC-UBND ngày 4/7/2019 báo cáo kết quả thực hiện như sau:

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018: đã thực hiện các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn Thành phố (Năm 2016: 41 điểm; Năm 2017: 37 điểm; Năm 2018 còn 33 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông). Vận tải hành khách công cộng ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao, mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện phục vụ đến các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và các khu đô thị mới. Đến hết năm 2018, vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng nhu cầu đi lại là 14,45 % (năm 2017 là 13,78%). Hạ tầng giao thông được từng bước đầu tư có hiệu quả (giai đoạn 2017-2018 hoàn thành 291 công trình giao thông); tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 9,38% (năm 2017 là 9,2%); tổ chức lại giao thông trên 62 nút giao; việc quản lý duy tu duy trì kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện thường xuyên và ứng dụng công nghệ hiện đại (phần mềm GOVONE) đảm bảo ATGT trong mọi tình huống. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí: năm 2018 so với năm 2017: giảm 88 vụ (6,1%), giảm 44 người chết (7,5%), giảm 203 người bị thương (18,1%).

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019

+ Nhiệm vụ “Đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn Thành phố.” Đã có Thông báo kết luận Hội nghị giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội. Bộ Giao thông Vận tải giao Vụ Môi trường chủ trì phối hợp với Cục Đăng kiểm và Tổng cục đường bộ tổ chức nghiên cứu đề xuất, hoàn thành về chủ trương, tiếp tục thực hiện sau khi Chính phủ ban hành Quy định.

+ Nhiệm vụ “Lập quy hoạch phương tiện giao thông đường bộ trước mắt quy hoạch các phương tiện vận tải công cộng xe buýt, taxi…”: đã mở mới 15 tuyến buýt (9 tuyến trợ giá, 4 tuyến không trợ giá, 02 tuyến City tour).

+ Nhiệm vụ “Xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án Thành phố thông minh tập trung vào những nội dung cụ thể: xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông và các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông”: đang sử dụng phần mềm GOVONE phục vụ công tác quản lý bảo trì đường bộ trên địa bàn Thành phố. Đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị phần cứng và thiết bị bàn ghế văn phòng. Đang xây dựng bản đồ số giao thông Hà Nội sử dụng phần mềm mã nguồn mở Open Street Map, tích hợp dữ liệu cho Hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đang chỉ đạo triển khai số hoá kết cấu hạ tầng GTVT.

+ Nhiệm vụ “Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe”: đã thực hiện xong thủ tục lựa chọn và ký hợp đồng với tư vấn, hiện, đang giao Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định đề cương và dự toán chi tiết.

+ Nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đầu cuối đảm bảo việc thực hiện kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân được hiệu quả”: Sở Giao thông Vận tải đang triển khai thực hiện.

+ Các nhiệm vụ chưa đủ cơ sở pháp lý (chưa có Luật) để thực hiện như: “Lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.”; “Đề xuất quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy.”. UBND Thành phố đã báo cáo Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế và làm cơ sở thực hiện Đề án.

+ Nhiệm vụ: “Lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.”. Ngày 16/10/2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 10040/VPCP-KTTH đồng ý cho UBND Thành phố lập Đề án. Ngày 20/5/2019, UBND Thành phố ban hành Văn bản số 2116/UBND-ĐT về việc chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án, đang giao Sở Tài chính thẩm định phê duyệt đề cương dự toán Đề án để triển khai thực hiện.

+ Nhiệm vụ “Rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân”: UBND Thành phố đã có Quyết định số 5316/QĐ-UBND ngày 04/10/2018, phê duyệt dự toán kinh phí xây dựng nhiệm vụ. Đã lựa chọn đơn vị tư vấn, xây dựng Đề án, Sở GTVT đang hoàn thiện Đề án để báo cáo UBND Thành phố trong tháng 6.

+ Nhiệm vụ “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các Quận vào năm 2030.”. Đây là nhiệm vụ là một nhiệm vụ cần thiết, nhưng là một việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân trong và ngoài Thành phố. UBND Thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất báo cáo trong giai đoạn 2019-2010…

6 tháng cuối năm 2019, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Hoàn thành bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe; (2) Nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đầu cuối đảm bảo việc thực hiện kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân được hiệu quả; (3) Lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; (4) Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các Quận vào năm 2030”; (5) Đề án “Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn Thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”; (6) Hoàn thành việc rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân; (7) Hoàn chỉnh hồ sơ ban hành Quyết định điều chỉnh hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội (thay thế Quyết định 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội); (8) Xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị quyết 03/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.

Một cửa, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước

Nhằm đảm bảo việc quản lý xuyên suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; bảo đảm nguyên tắc một cửa, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 5/7/2019 về việc ban hành Quy định phân công, phân cấp từng sở, ngành, quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, phân cấp quản lý cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống giữa cấp Thành phố, cấp huyện dựa theo nguyên tắc cấp nào cấp GCN đăng ký kinh doanh/GCN đăng ký đầu tư về sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì cấp đó quản lý cơ sở (trừ các trường hợp cơ sở theo phân cấp tuyến Trung ương quản lý; HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành công thương quản lý). Về việc quản lý cơ sở sản phẩm thực phẩm hỗn hợp hoặc kinh doanh thực phẩm hỗn hợp hoặc cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh thực phẩm, thực hiện phân công theo Điều 36 Nghị định số 15/2018/CP của Chính phủ. Các cơ quan cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, xác nhận bản cam kết ATTP tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm, xác nhận kiến thức về ATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức, thanh kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, kiểm nghiệm, xử lý vi phạm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm đối với cơ sở thuộc lĩnh vực được phân công, phân cấp quản lý theo quy định.

Không lưu trú qua đêm tại nhà xưởng, nhà kho nhằm tăng cường công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ

Ngày 3/7, UBND Thành phố ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH tại các kho hàng hóa, xưởng sản xuất trong khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chủ tịch UBND Thành phố chỉ thị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện một số giải pháp sau: (1) Tổng kiểm tra liên ngành, rà soát các điều kiện về kinh doanh, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn về PCCC và CNCH trên địa bàn quản lý đối với loại hình cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở nhiều hộ gia đình (chung cư mini), nhất là công trình xây dựng trên đất dự án, nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê, bảo vệ lưới điện, bảo vệ rừng,... (2) Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và có phương di dời các cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC ra khỏi khu dân cư đến các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề tập trung. (3) Quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nắm chắc danh sách người lao động thường trú, tạm trú hoặc nghỉ qua đêm trên địa bàn; tuyệt đối không cho lưu trú qua đêm tại nhà xưởng, nhà kho; trường hợp bố trí người lưu trú qua đêm phải có khu vực riêng, đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn ra ngoài trực tiếp và các điều kiện an toàn về PCCC. (4) Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC và CNCH.

(5) Rà soát, xử lý, giải tỏa công trình, bệ, bục, barie,... không phù hợp, cản trở công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên các tuyến phố, đường nội đô, ngoại đô của Thành phố; đầu tư xây dựng bổ sung các bể nước, bến lấy nước, hố ga thu nước phục vụ công tác chữa cháy, lắp đặt trụ nước chữa cháy gắn với hệ thống cấp nước Thành phố, ưu tiên các khu vực đô thị, đông dân cư, các tuyến phố chính trên địa bàn Thành phố. (6) Kiểm tra các điều kiện an toàn trên hệ thống lưới điện, cáp viễn thông, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn PCCC; thực hiện dự án hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp điện trên các tuyến phố; kiên quyết ngừng cấp điện, cấp nước đối với các cơ sở đã được các cơ quan chức năng ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; nghiên cứu biện pháp quản lý việc sử dụng điện, đảm bảo an toàn về PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình. (7) Xây dựng, củng cố ngay lực lượng dân phòng tại các khu dân cư; lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa,... đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”.

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”

Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”; chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường các giải pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý các cá nhân, ổ nhóm, đường dây tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 3/7/2019 yêu cầu tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg của Chính phủ đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Giao Công an Thành phố áp dụng đồng bộ các biện pháp vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao kết quả điều tra khám phá các loại tội phạm, làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.

Các cơ quan, tổ chức, CB, CC, VC, lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, môi trường mạng, xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, CNTT, không cho đăng tải, xóa các bài viết quảng cáo trái phép có liên quan đến “tín dụng đen”. Phối hợp với các cơ quan rà soát, thu hồi sim rác (sim đăng ký thuê bao không đúng quy định); thực hiện tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc thu hồi về kho số viễn thông đối với các thuê bao thực hiện nhắn tin, đăng tin, rao vặt, quảng cáo liên quan đến "tín dụng đen", vay ngân hàng, vay trực tuyến không đúng theo quy định của pháp luật...

Xử lý dứt điểm các vướng mắc về GPMB khi Nhà nước thu hồi đất tại các dự án khu vực Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn

Ngày 5/7, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 2819/UBND-GPMB về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác GPMB khi Nhà nước thu hồi đất tại các dự án khu vực Khu Liên hiệp xử lý chất thải (LHXLCT) Sóc Sơn. Để giải quyết dứt điểm các nội dung tồn tại, tránh tình trạng các hộ dân tổ chức chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, đồng thời sớm hoàn thành công tác di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m của Khu LHXLCT Sóc Sơn, đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất, UBND Thành chỉ đạo như sau:

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án liên quan đến khu vực bãi rác Sóc Sơn, đối với chính sách bồi thường, hỗ trợ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở: ngoài việc được bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí theo đúng quy định; cho phép UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ khác với tổng mức bồi thường theo quy định và mức hỗ trợ khác không quá 500.000 đồng/m2. Tổng diện tích hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013. Đối với các trường hợp đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở từ 400m2 trở lên: UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Khi tiến hành chi trả tiền, thực hiện trả ngay cho các hộ đối với phần diện tích đất ở trong hạn mức và chính sách bồi thường, hỗ trợ như quy định ở trên. Phần diện tích đất vượt hạn mức, giao Thanh tra Thành phố chủ trì cùng UBND huyện Sóc Sơn tiến hành thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, quy trình cấp GCN trước đây; nếu việc cấp GCN đã thực hiện theo đúng quy định, thì tiến hành chi trả nốt, nếu việc cấp GCN không đúng quy định thì phải xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành. Việc thanh tra, rà soát hoàn thành không quá 30 ngày làm việc.

Đối với giá thu tiền sử dụng đất tại các khu tái định cư: Tại vị trí Khu tái định cư phục vụ bố trí cho các hộ trên địa bàn xã Nam Sơn: Tại cuộc họp sáng ngày 5/7/2019, Liên ngành Thành phố đã thống nhất xác định giá thu tiền sử dụng đất tái định cư theo vị trí 4 đường 35 là 2.700.000 đồng/m2. Giao Sở TN&MT, Sở Tài chính, UBND huyện Sóc Sơn hoàn thiện lại tờ trình, trình UBND Thành phố phê duyệt giá theo đúng quy định đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và quyền lợi của các hộ dân.

Khu tái định cư phục vụ bố trí cho các hộ thuộc xã Hồng Kỳ: Trường hợp các hộ dân không đồng tình với vị trí quy hoạch khu tái định cư, cho phép UBND huyện Sóc Sơn sử dụng Khu tái định cư thôn Thanh Hà xã Nam Sơn (đã hoàn thiện công tác đầu tư xây dựng HTKT) để bổ sung quỹ tái định cư bố trí cho các hộ phải di chuyển chỗ ở. Nếu các hộ dân vẫn có nhu cầu tái định cư trên địa bàn xã, giao UBND huyện Sóc Sơn chủ trì cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, báo cáo UBND TP chấp thuận để bố trí tái định cư cho các hộ.

Trường hợp các hộ có nhu cầu nhận tiền để tự lo tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt mức hỗ trợ 1.957.508 đồng/m2 (như chính sách đã được UBND TP chấp thuận tại văn bản số 842/UBND-GPMB ngày 4/3/2019).

Đối với các trường hợp đông nhân khẩu, nhiều cặp vợ chồng đang cùng ăn ở, sinh sống trên cùng một thửa đất bị thu hồi nhưng chưa làm thủ tục tách hộ theo quy định của pháp luật, thực tế đã ăn ở riêng, trên đất có khuôn viên xây dựng công trình nhà ở riêng: UBND huyện Sóc Sơn lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho từng hộ gia đình; trên cơ sở hạn mức công nhận đất ở của từng hộ để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

UBND Thành phố yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 hoàn thành toàn bộ công tác GPMB của Dự án. Tổ chức tuyên truyền, vận động, thông tin cụ thể đến các hộ dân về kế hoạch phê duyệt phương án bồi thường, kế hoạch chi trả tiền trong thời gian tới để các hộ dân biết và chấp hành; không tiếp tục có các hành vị trái phép chặn xe vận chuyển rác. Trường hợp đã tuyên truyền vận động nhưng các hộ vẫn cố tình vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn có các biện pháp hành chính để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Công an TP để thống nhất phương án và lực lượng hỗ trợ bảo vệ, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện.

Giao Công an Thành phố chỉ đạo Công an huyện Sóc Sơn và phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn bố trí lực lượng hỗ trợ, bảo vệ để thực hiện theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Tổ chức cao điểm xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội 

Trước thực trạng 5 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn Thành phố xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý được 5 vụ, còn tồn đọng 55 vụ, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 2705/UBND-KT ngày 28/6/2019 chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức cao điểm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định các vụ việc vi phạm xảy ra năm 2019, báo cáo kết quả về Sở NN&PTNT trước ngày 25/7/2019 để tập hợp chung; tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý ngay các vụ việc vi phạm mới từ khi phát sinh; chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu để xảy ra những vi phạm mới không bị xử lý đúng quy định của pháp luật. Sở NN&PTNT đôn đốc công tác triển khai thực hiện, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/7/2019.


Văn phòng UBND TP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t