Gần 26 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp (09:57 13/12/2017)


HNP - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 8450/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020”.

Theo quyết định, UBND thành phố đặt mục tiêu năm 2018: Có 100% số HTX nông nghiệp tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; 60% HTX hoạt động khá trở lên, HTX yếu kém còn dưới 10%; không còn HTX không hoạt động; xây dựng 3 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng 2 mô hình HTX liên kêt chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, 100% cán bộ chủ chốt được bồi dưỡng, bổ sung các kiến thức về HTX và pháp luật liên quan. Cùng với đó, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp từ thành phố đến các huyện, thị xã và các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm được củng cố, kiện toàn.

Năm 2019, thành phố phấn đấu có trên 70% HTX hoạt động từ khá trở lên; các HTX yếu kém còn dưới 5%; xây dựng 3 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm và 2 mô hình HTX liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, không còn HTX yếu kém, có từ 80% đến 90% HTX hoạt động từ khá trở lên; 100% thành viên sử dụng dịch vụ của HTX; xây dựng 3 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm và 2 mô hình HTX liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Đào tạo 80% cán bộ chủ chốt HTX, trong đó, 60% đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên. Tốc độ tăng trưởng bình quân của HTX nông nghiệp từ 2% - 3%/năm.

Mục tiêu của thành phố là tập trung đổi mới tổ chức, quản lý, các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết trong các HTX nông nghiệp; coi trọng mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ; mở rộng liên kết, hợp tác; phát triển đa ngành, đa nghề các HTX dịch vụ nông nghiệp; phát triển các HTX chuyên về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến tiêu thụ nông sản...; hình thành được một số mô hình HTX điển hình trong từng lĩnh vực vùng và chuỗi ngành hàng chủ lực như: Rau xanh, hoa quả, sữa tươi, các sản phẩm thịt cá...

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư theo hình thức xã hội hóa để hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tăng năng suất, chất lượng nông sản; liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định và phát triển bền vững, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp lớn hơn vào phát triên kinh tế, xã hội của thành phố.

Kinh phí thực hiện Đề án gần 26 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương hơn 3,4 tỷ đồng; thành phố gần 15,8 tỷ đồng; kinh phí đối ứng của các hợp tác xã hơn 6,7 tỷ đồng.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t