Chủ động phòng chống bệnh dại trên đàn chó nuôi (18:58 13/09/2017)


HNP - Trong thời gian qua, để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại cho vật nuôi, đặc biệt tập trung quản lý chặt chẽ đàn chó, ngành thú y của thành phố đã tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại, hạn chế tối đa lây truyền bệnh dại cho người, giảm thiểu số người bị chó cắn và số người tử vong do bệnh dại.

Tiêm phòng dại cho chó tại huyện Sóc Sơn


Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 423.000 con chó nuôi tại 30 quận, huyện trong toàn thành phố. Theo báo cáo của Chi cục Thú y Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều trường hợp chó mắc dại, nghi mắc dại, chó thả rông, chó lạ cắn người tại một số huyện ngoại thành gây tâm lý hoang mang trong xã hội. 
 
Trước tình hình đó, Chi cục Thú y Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn, ban, ngành liên quan thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả sự phát sinh và lây lan bệnh dại, giảm thiểu người bị chó cắn và tử vong. Theo đó, đi đôi với việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống bệnh dại, các địa phương đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó nghi mắc bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả. 
 
Như tại huyện Sóc Sơn hiện có đàn khoảng trên 80.000 con chiếm gần 20% tổng đàn chó, mèo toàn thành phố. Do địa hình trung du, bán sơn địa, đất đai rộng nên tập quán của nhân dân chủ yếu nuôi chó để giữ nhà, hầu hết là nuôi thả rông gây khó khăn cho công tác quản lý đàn chó nuôi và tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó. Năm 2013, huyện Sóc Sơn đã bùng phát dịch bệnh dại tại 4 xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Việt Long, Minh Phú. 
 
Ông Vương Xuân Thạch, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sóc Sơn cho biết, trong thời gian qua, huyện có 134 người bị chó nghi mắc bệnh dại cắn phải đi tiêm phòng, trong đó, riêng xã Bắc Sơn là 88 người. Nguyên nhân của đợt dịch bệnh chó dại là do lây lan từ huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nơi đã có dịch bệnh dại bùng phát. 
 
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, chỉ trong 45 ngày tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn đã chấm dứt và không có người nào bị tử vong. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch, Trạm thú y huyện Sóc Sơn đã phối hợp với các xã, thị trấn quản lý tốt đàn chó nuôi, tổ chức tiêm phòng dại hàng năm cho đàn chó mèo đạt tỷ lệ cao và tiêm phòng bổ sung đều đặn nên dịch bệnh dại trên địa bàn liên tục ổn định cho đến nay. 
 
Theo đánh giá của Chi cục Thú y, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên đàn chó mèo trên địa bàn Hà Nội được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, tỷ lệ người tử vong do bệnh trên chó, mèo, mà chủ yếu là bệnh dại vẫn còn. Thống kê từ năm 2011 đến nay, số người chết do bệnh dại trên chó, mèo là 17 người. Xa hơn, trong giai đoạn từ 2006 đến nay, tổng số người tử vong do bệnh dại trên chó, mèo lên tới 56 trường hợp. Hàng năm, khoảng 8.000 người phải đi tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế. 
 
Để chủ động phòng ngừa bệnh dại trên đàn chó mèo, trong thời gian tới, Chi cục Thú y Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện tuyên truyền nhân dân giám sát, phát hiện và báo cáo cho chính quyền, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo, động vật khác nghi mắc bệnh dại để xử lý. Đồng thời, yêu cầu chủ vật nuôi phải tổ chức quản lý chó, không nuôi thả rông. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải có xích, đeo rọ mõm và có người dắt. Tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo. Bên cạnh đó sẽ hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xử lý vết thương và tiêm phòng bệnh dại cho người, ngăn ngừa tử vong do chó dại cắn. 
 
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho hay, trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý cho nuôi các đơn vị trong ngành sẽ quản lý chặt chẽ và nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán chó trong vùng dịch; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống bệnh dại tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn và kết quả tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Chú trọng công tác phòng bằng việc tổ chức các đợt tiêm phòng bổ sung nhằm bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn; tăng cường giám sát để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật, ngăn chặn triệt để và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
 
Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm đối với tất cả mọi người. Đây là một bệnh truyền nhiễm từ động vật mắc bệnh lây sang cho con người bằng các vết cắn, vết xước… và một thời gian ngắn sau con người sẽ lâm vào trạng thái mắc bệnh, lên cơn dại, rất nguy hiểm có thể tử vong 100% nếu không chữa trị kịp thời. Thời gian phát bệnh đến lúc tử vong khoảng từ 4 đến 10 ngày.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t