Tiếp tục tăng cường công tác PCCC trên địa bàn Thành phố (15:18 30/11/2016)


HNP - Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hà Nội vừa đánh giá kết quả công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ tuyên truyền tháng 12. Đây là thời điểm thành phố tập trung nhiều nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2016 đề ra.

Trong tháng 11/2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 65 vụ cháy, trong đó có: 01 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 09 vụ cháy trung bình, 54 vụ cháy nhỏ, 01 vụ cháy rừng (ngoài ra còn có 41 vụ chập điện trên cột, 17 vụ cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan). Thiệt hại về người: 13 người chết, 01 người bị thương; thiệt hại tài sản trị giá khoảng 11 tỷ đồng và 0,5ha rừng. Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã tiếp nhận 03 tin báo CNCH, trực tiếp tham gia CNCH 02 vụ, cứu được 15 người, trong đó: 02 vụ cứu người mắc kẹt trong thang máy; 01 vụ sự cố tai nạn.

Số vụ cháy, nổ tuy giảm nhưng có diễn biến phức tạp nhất là các vụ cháy xảy ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có 01 vụ cháy lớn gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản (vụ cháy quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy khiến 13 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 10 tỷ đồng). Cháy xảy ra do các nguyên nhân về điện vẫn chiếm tỷ lệ cao (38/59 vụ đã làm rõ nguyên nhân, chiếm 64,4%), sơ xuất khi sử dụng lửa (16/59 vụ đã làm rõ nguyên nhân, chiếm tỷ lệ 27,1%).

Để chủ động hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy xảy ra tại các nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (thẩm duyệt về PCCC đối với công trình xây dựng mới, cải tạo, thay đổi quy mô, tính chất hoạt động; nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình, hạng mục công trình vào hoạt động).

Không tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng; Không sử dụng lửa trần, như: đốt nhang, đèn cầy, đèn dầu, hút thuốc lá, đốt vàng mã,... trong cơ sở; Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh; Di dời các cầu dao, cầu chì, bảng điện, ổ cắm,... ra bên ngoài kho. Không tự ý câu mắc các thiết bị điện để chiếu sáng, sinh hoạt, trang trí, quảng cáo... không đảm bảo an toàn về điện hoặc câu mắc quá nhiều để tránh hiện tượng quá tải gây cháy…

Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhân viên, tiểu thương trong thời điểm kinh doanh phải bố trí, sắp xếp hàng hóa trong quầy, sạp đúng phạm vi đã được quy định, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC;  tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống điện (kể cả hệ thống chiếu sáng, hệ thống chữa cháy và chiếu sáng sự cố). Khi phát hiện có dấu hiệu hư hỏng các thiết bị bảo vệ như aptomat, cầu dao, cầu chì,...; dây dẫn điện bị mục, đổi màu, bong tróc, nứt nẻ; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc của công tắc bị ô xy hóa (gỉ sét) phải khẩn trương khắc phục, sửa chữa hoặc thay thế để đảm bảo an toàn PCCC.

Trường hợp bảo dưỡng, sửa chữa có sử dụng hàn, xì thì phải sử dụng thợ hàn có chứng chỉ hành nghề; khi hàn phải có biện pháp che chắn vẩy hàn đảm bảo an toàn PCCC; Trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy của từng cơ sở, công trình (nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, bình chữa cháy…) thường xuyên kiểm tra duy trì hoạt động của các hệ thống để đảm bảo sử dụng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Đối với các đơn vị cho thuê mặt bằng làm nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cần phân định rõ ràng trách nhiệm thực hiện công tác PCCC giữa bên cho thuê và bên thuê, thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tổ chức duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên và định kỳ để chủ động phát hiện và ngăn ngừa những nguy cơ gây mất an toàn có thể dẫn đến cháy, nổ; Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn đồng thời báo ngay cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114. Trong quá trình di chuyển dùng khăn thấm ướt che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói.

Thành lập Ban chỉ huy PCCC, đội PCCC cơ sở đảm bảo quân số, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng này, tổ chức thường trực 24/24 tại cơ sở trước, trong Tết năm 2017.


Dương Đoàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t