Hà Nội đặt mục tiêu tăng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lên 35% (14:37 22/11/2016)


HNP - Sáng 22/11, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức tọa đàm xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) tại Hà Nội.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã có một số cơ sở ứng dụng CNC vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho năng suất vượt trội như: Sử dụng giống mới năng suất cao, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ; canh tác trồng cây trong nhà màng… Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 25%, trong đó, đối với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả là 17,9%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%. 
 
Định hướng tới năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNC, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn và có sức cạnh tranh cao. Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tập trung vào các lĩnh vực: Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. 
 
Tại buổi tọa đàm, một số đại biểu đã trao đổi sâu thêm về khái niệm nông nghiệp CNC và nêu thực tế hiện nay có rất nhiều sáng chế CNC của nông dân rất hay nhưng không được phát triển đưa vào thực tế. Vì vậy, thành phố cần có quy định chuẩn về sản xuất nông nghiệp CNC và công bố cho người dân được biết.
 
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị tại buổi tọa đàm

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, việc học tập các mô hình ở nước ngoài để áp dụng vào trong nước cần nghiên cứu kỹ và sử dụng những công nghệ phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng trong nước, tránh đầu tư dàn trải và ứng dụng công nghệ thiếu thực tế vào sản xuất trong nước. Đa số đại biểu đều cho rằng cần có chính sách đặc thù hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người dân khi thực hiện sản xuất nông nghệ cao, đặc biệt ở các khâu như: vận chuyển, sơ chế bảo quản và hỗ trợ xúc tiến thương mại xuất khẩu ra nước ngoài.
 
Đối với thành phố Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng nhận định, thành phố cần lựa chọn những sản phẩm, nông sản là đặc sản của thủ đô từ đó ứng dụng CNC, phát huy tiềm năng thế mạng sẵn có, phát triển thành sản phẩm mũi nhọn, giống như sản phẩm hoa, rau an toàn… của Đà Lạt.
 
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt cũng đề xuất thành phố cần có những chính sách để nâng cao vai trò truyền thông, xúc tiến thương mại, nghiên cứu có chính sách dài hơi để có diện tích và quy mô sản xuất nông nghiệp CNC lớn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đề xuất về ưu đãi cho vay tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp; tổ chức các hoạt động về lập sáng kiến, chế tạo thiết bị công nghệ để từ đó sản phẩm công nghệ có thể ứng dụng vào thực tế.
 
Ngoài ra, một số đại biểu đề xuất, trong quá trình triển khai sản xuất theo CNC nhà nước cần đứng ra làm vai trò quản lý và trung gian để liên kết với các nhà khoa học, hội nông dân từ đó cho ra đời các mô hình có hiệu quả từ thực tế, từ đó người dân thấy được hiệu quả, lợi ích và nhân rộng thêm các mô hình khác.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t