Hà Nội đạt kết quả toàn diện trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (14:01 12/01/2023)


HNP - Năm 2022, Thành ủy và các cấp ủy tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát từ Thành phố tới cơ sở, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố và địa phương, đơn vị.

Quang cảnh hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII


Báo cáo công tác xây dựng Đảng tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, diễn ra ngày 11/1 cho thấy, năm 2022, Đảng bộ thành phố Hà Nội triển khai nhiều nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức hơn so với dự báo. Song với quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên và đột xuất, đồng thời triển khai các nhiệm vụ chiến lược, lâu dài; đạt kết quả quan trọng, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, kiểm soát tốt dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
 
Nổi bật là, Thành phố đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch: Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,89%, kế hoạch là 7-7,5%; thu ngân sách nhà nước đạt 332.089 tỷ đồng, bằng 106,8% dự toán, trong đó, thu nội địa đạt 303.000 tỷ đồng; GRDP/người đạt 142,3 triệu đồng/người/năm - kế hoạch là 139-141 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện đạt 13,8%, kế hoạch là 10,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 11,9%, kế hoạch là 5%; giảm số hộ nghèo so với năm trước đạt 38,8%, kế hoạch là 20%.
 
Thành phố cũng hoàn thành Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, bảo đảm chất lượng, tiến độ và báo cáo Bộ Chính trị thông qua đề án tổng kết; tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sớm ban hành kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Thành ủy…
 
Toàn Đảng bộ đã tiếp tục triển khai thực hiện tốt 10 chương trình công tác toàn khóa, xây dựng nhiều đề án, kế hoạch để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương. Ban hành Quy chế làm việc (sửa đổi) của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy. Tích cực, chủ động làm việc với cơ quan Trung ương, các quận, huyện, thị xã để triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách…
 
Thành ủy, HĐND, UBND và toàn hệ thống chính trị Thành phố đã tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Toàn Thành phố cũng tập trung cụ thể hóa, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về xây dựng Đảng, công tác cán bộ; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, những nhiệm vụ có tính chất chiến lược liên quan đến sự phát triển của Thủ đô.
 
Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy đổi mới, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát từ thành phố tới cơ sở, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố và địa phương, đơn vị. Các nội dung thường xuyên, trọng tâm công tác tuyên giáo, tổ chức xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, văn phòng cấp ủy tiếp tục được triển khai đồng bộ, đạt kết quả toàn diện. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được phát huy, hoạt động thiết thực, gắn với cơ sở… bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô.
 
Năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đồng thời là năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Thành ủy Hà Nội sẽ triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm.
 
Cùng với việc tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII) và các nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy đã đề ra và tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu lần thứ XVII và Đại hội Đảng bộ các cấp… Trong đó tập trung những nhiệm vụ, chỉ tiêu có khả năng không đạt để có giải pháp quyết liệt tháo gỡ những khâu yếu, việc khó.
 
Thành phố cũng sẽ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… Thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
 
Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, về công tác tuyên giáo, sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, tiếp tục nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Chủ động nắm bắt, định hướng, dự báo kịp thời diễn biến những vấn đề lớn, phức tạp tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
 
Về công tác tổ chức, cán bộ, Thành phố sẽ nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, nhất là cấp cơ sở; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… Trong công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương; khẩn trương chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm và định hướng chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương...

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t