Công tác dân vận phải nắm chắc tình hình nhân dân để kịp thời tham mưu, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc (13:59 02/10/2020)


HNP - Sáng 2/10, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị Gặp mặt các thế hệ cán bộ làm công tác dân vận của Thủ đô nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác Dân vận 5 năm (2015 - 2020) và trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020; trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” của Đảng và trao giải Cuộc thi viết về điển hình “Dân vận khéo” năm 2020.

Lãnh đạo Thành phố tặng hoa chúc mừng 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng


Dự hội nghị, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang. Lãnh đạo thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà.

Công tác dân vận luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc

Diễn văn do Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày tại hội nghị nêu rõ: Truyền thống công tác Dân vận của Đảng được gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, họp từ ngày 14-31/10/1930 (tại Hồng Kông - Trung Quốc), Đảng ta đã chỉ rõ trong các Đảng bộ phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về giới vận động.

Từ quyết định này, các tổ chức công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, mặt trận phản đế được ra đời; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng là tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng, giáo dục, vận động quần chúng, coi đây là một nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày diễn văn tại hội nghị


Trải qua từng thời kỳ cách mạng, Ban Dân vận đã có những tên gọi khác nhau, nhưng đều có chức năng, nhiệm vụ chung là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác dân vận. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số ra ngày 15/10/1949.

Bài báo “Dân vận” của Bác tuy rất ngắn gọn, với dung lượng hơn 600 chữ, được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng nhưng có giá trị lý luận và thực tiễn và tính hiệu triệu sâu sắc, là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận trong mọi giai đoạn cách mạng.

Trong bài báo, Bác đã nêu rõ về bản chất, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, phương pháp, quy trình dân vận, tác phong người cán bộ dân vận... Tác phẩm cũng đã thể hiện sâu sắc tư tưởng trọng dân, tin dân, luôn gần gũi với nhân dân để thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước ta đề ra các chủ trương, chính sách về công tác dân vận nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung.

Chính vì vậy, vào tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận.

Lãnh đạo Thành phố tặng hoa chúc mừng Ban Dân vận Trung ương nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống


Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tập hợp, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân thành một lực lượng to lớn, đông đảo, đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam. Tham gia các phong trào thi đua hành động cách mạng vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, công tác dân vận của Đảng đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, huy động sức mạnh của các giai tầng và toàn dân tộc, làm nên những chiến thắng vẻ vang, những chiến công hiển hách, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cùng với truyền thống của công tác dân vận cả nước, công tác dân vận của Đảng bộ Thủ đô luôn phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, luôn là lực lượng tham mưu chủ yếu về công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị và tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Thành phố trong các thời kỳ cách mạng.

Nhất là sau hơn 12 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức, bám sát nhiệm vụ trọng tâm để kịp thời tham mưu, triển khai bằng các việc làm thiết thực, hiệu quả, như xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân... Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp, các ngành tích cực thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ năm 2009 đến nay, toàn Thành phố có 78.494 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, trong đó có 17.114 mô hình được công nhận, biểu dương và khen thưởng...

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp công tác dân vận của Đảng” cho các cá nhân


Với những cống hiến và các thành tích xuất sắc đạt được trong những năm qua, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: “Huân chương Lao động hạng Nhất”, “Huân chương Lao động hạng Ba”... và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Ban Dân vận Trung ương và Thành phố. Kết quả trên là động lực để đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Đảng bộ Thủ đô tiếp tục nỗ lực, cố gắng, đóng góp nhiều hơn vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác dân vận

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trân trọng cảm ơn những cống hiến của các thế hệ cán bộ dân vận Thủ đô; đồng thời, chúc mừng những kết quả công tác dân vận đã đạt được, khẳng định những kết quả đó đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của Đảng bộ Thành phố trong những năm qua.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ: Trong thời gian tới, công cuộc đổi mới và phát triển Thủ đô đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi công tác dân vận của Thành phố cần tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện; nắm chắc tình hình nhân dân, nhất là các vấn đề bức xúc trong các tầng lớp nhân dân để kịp thời tham mưu giải quyết, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và tăng cường sự đồng thuận của xã hội, đồng thời củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị


Muốn vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trước hết phải thấm nhuần sâu sắc lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bao nhiêu lợi ích đều vì Dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của Dân” và nắm chắc bài học “Tin Dân, trọng Dân, gần Dân, hiểu Dân, học Dân, dựa vào Dân, có trách nhiệm với Dân”. Hệ thống dân vận cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy triển khai toàn diện các nhiệm vụ công tác dân vận, nhất là các quy định của Trung ương, Thành phố về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; và “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý yêu cầu phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo thực chất, hướng mạnh về cơ sở. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, thông qua đó, phát huy sức mạnh, tiềm năng trí tuệ, sáng tạo của nhân dân, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong các cộng đồng dân cư…

Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy tặng hoa chúc mừng các đồng chí cán bộ dân vận chuyển công tác hoặc nghỉ hưu


Đồng chí cũng đề nghị phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác dân vận, nhất là tăng cường đối thoại, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của MTTQ, của nhân dân để giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc. Tăng cường hơn nữa công tác dân vận của cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang, gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận từ Thành phố đến cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lòng nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với công tác vận động quần chúng...

Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp công tác dân vận” cho 16 cá nhân. Ban Thường vụ Thành ủy và UBND Thành phố đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận 5 năm (2015-2020) và phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, Ban Dân vận Thành ủy cũng trao 20 giải thưởng cho các tác giả xuất sắc tham gia Cuộc thi viết về điển hình “Dân vận khéo”.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t