Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 (14:02 24/09/2018)


HNP - Sáng 24/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Thành phố và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị


Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, năm 2018 tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu được giao. Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.
 
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tốc độ tăng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Mô hình tăng trưởng dịch chuyển dần sang chiều sâu. Chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016-2018 chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%; thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên.
 
Nợ công giảm từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017.
 
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt ở mức cao mục tiêu Quốc hội giao (33-34%) và mục tiêu 5 năm (32-34%). Cơ cấu đầu tư dịch chuyển theo hướng tích cực, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Giải ngân vốn FDI đạt khá. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng…
 
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được nâng lên.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, đề xuất những giải pháp thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản tham luận tại điểm cầu Hà Nội
 
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ. GRDP 9 tháng ước tăng 7,17% so với cùng kỳ; khách du lịch tăng 17,6%, trong đó, khách quốc tế tăng 19,8%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 21,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%; giá trị gia tăng nông nghiệp tăng 3,37%. Dự kiến hết năm 2018, có thêm 30 xã nông thôn mới và 04 huyện nông thôn mới.
 
Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 219,44 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%; đầu tư nước ngoài ước đạt 6,265 tỷ đô, gấp 5,39 lần so với cùng kỳ. Có 18,68 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký đạt 204,53 nghìn tỷ đồng.Thu ngân sách nhà nước ước đạt 166,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69,7% dự toán, tăng 13,7%. 
 
Quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được đẩy mạnh. Các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chi tiết được hoàn thiện, phê duyệt. Duy trì tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng…
 
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được phát triển. Các vận động viên Hà Nội đóng góp 42,1% tổng số huy chương tại Đại hội Thể thao Châu Á 2018. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 29,3%. Thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên, không chuyên và hệ song bằng được tổ chức an toàn, hiệu quả, phân luồng học sinh hợp lý. Chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng cao, dịch bệnh được kiểm soát. Các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí. Công tác đối ngoại được tiếp tục quan tâm, mở rộng.
 
Trên cơ sở những kết quả đạt được 9 tháng đầu năm, UBND Thành phố dự kiến đánh giá thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018: dự kiến GRDP tăng từ 7,35% trở lên; 19/20 chi tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó 04 chỉ tiêu dự kiến vượt là: Kim ngạch xuất khẩu, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. 01 chỉ tiêu khó khăn là tỷ lệ CCN có trạm xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với CCN đã đi vào hoạt động (đạt 58,1%, kế hoạch là 60,5%).
 
Căn cứ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của Thành phố và hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, thành phố Hà Nội xây dựng mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2019 từ 7,5% trở lên.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định năm 2018 là năm có tính chất bản lề có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá, nhìn lại kết quả thực hiện 5 năm. Qua 03 năm thực hiện (2016, 2017, 2018) có thể nhận định đạt kết quả và tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Tình hình kinh tế phát triển kinh tế - xã hội phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô đảm bảo được phát triển ổn định, kiểm soát được lạm phát, đặc biệt, tăng trưởng trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới đã quan tâm rất nhiều tới lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, các đối tượng chính sách… Đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao.
 
Về những giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP.
 
Tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Đồng thời, tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; Chú trọng các giải pháp phát huy nguồn lực tài nguyên gắn với đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t