Hoạt động bán hàng đa cấp đã dần đi vào nề nếp (20:44 28/12/2016)


HNP - Sáng 28/12, Sở Công thương Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) trên địa bàn Hà Nội năm 2016.

Theo báo cáo của Sở Công thương, sau khi rút giấy phép của 21 doanh nghiệp vi phạm, Hà Nội còn 36 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh BHĐC được cấp phép. Các doanh nghiệp này chủ yếu kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng… Trong đó, thực phẩm chức năng có lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh đa cấp nhiều nhất với hơn 80% số doanh nghiệp đăng ký. Hoạt động bán hàng đa cấp là phương thức kinh doanh tuy không mới ở Việt Nam, song luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định môi trường kinh doanh, cũng như thiệt hại nặng về kinh tế cho người tham gia. Trong quá trình đăng ký hoạt động và tổ chức bán hàng đa cấp, bên cạnh những doanh nghiệp chân chính vẫn còn không ít đơn vị lợi dụng kẽ hở, chưa đồng bộ của pháp luật trong quản lý để thực hiện các hoạt động kinh doanh trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia. 
 
Từ đầu năm đến ngày 28/12, Sở Công thương đã thanh tra 6 doanh nghiệp; phối hợp cùng các sở, ngành, quận, huyện kiểm tra 45 doanh nghiệp, 5 cơ sở kinh doanh là địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, kiểm tra việc tổ chức hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp tại địa bàn. Qua kiểm tra, Sở Công thương đã kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC của 2 doanh nghiệp; phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 19 doanh nghiệp và 5 cơ sở kinh doanh là địa điểm hoạt động BHĐC của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, với tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 1,4 tỷ đồng; xử lý vi phạm 1 người tham gia BHĐC của Công ty TNHH Herbalife Việt Nam…
 
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, năm 2016, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp BHĐC vi phạm đã góp phần đưa hoạt động BHĐC bước đầu đi vào nề nếp. Số doanh nghiệp còn hoạt động BHĐC trên địa bàn Hà Nội tính đến tháng 12 đã giảm 36,8% so với đầu năm 2016. Người dân đã nhận thức nhiều hơn về hoạt động BHĐC nên số lượng người tham gia đã giảm từ hơn 200 nghìn người xuống còn hơn 100 nghìn người. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng như người dân cần chú ý trước những biến tướng của BHĐC dưới hình thức huy động vốn, tiền ảo, góp vốn vào dự án, huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu nội bộ, sân chơi tài chính, thương mại điện tử…

Vũ Phong


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t