Nâng cao chất lượng tiếp xúc, đối thoại để tạo đồng thuận (20:14 22/12/2017)


HNP - Chiều 22/12, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã chủ trì hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở Thành phố để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị


Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, năm 2017, công tác xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở có nhiều nét mới. Nổi bật là, các cấp, các ngành đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25/5/2017 của Thành ủy về “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Ở cấp Thành phố, định kỳ, Thường trực Thành ủy chủ trì gặp gỡ, tiếp xúc với các thành phần như nhân sỹ, trí thức, các nhà khoa học, chức sắc tôn giáo, văn nghệ sỹ, các nghệ nhân… để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất, từ đó, chỉ đạo các cơ quan của Thành phố giải quyết. 
 
Ở các quận, huyện, có 26/30 đơn vị tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp theo Quyết định số 2200-QĐ/TU, một số đơn vị triển khai thành nền nếp như huyện Phúc Thọ, Thạch Thất. Đối với cấp xã, có 468 đơn vị tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, cho thấy sức lan tỏa, sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của các cấp, các ngành. Trên thực tế, việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp đã tạo sự đồng thuận cao, nhất là các địa bàn triển khai GPMB phục vụ các dự án.
 
Bên cạnh đó, việc thực hiện Quyết định 6525-QĐ/TU ngày 25/9/2015 của Thành ủy về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã có những chuyển biến rõ nét. MTTQ Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò giám sát, phản biện, góp ý kiến chất lượng vào những chủ trương, quyết sách của Thành phố. Hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các địa phương tiếp tục đạt kết quả tích cực. Trong năm 2017, các ban đã tham gia giám sát 6.885 vụ, phát hiện 2.193 vụ vi phạm; Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát 3.462 công trình, dự án, phát hiện 267 công trình vi phạm, kiến nghị thu hồi trên 11 nghìn m2 đất và 20 triệu đồng…
 
Năm 2018, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở Thành phố tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chỉ thị 04-CT/TU ngày 14/1/2016 của Thành ủy “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”.
 
Tập trung chuẩn bị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; gắn với 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và 10 năm xây dựng, thực hiện các quy ước, hương ước ở cơ sở, trong đó, cần nêu bật được sản phẩm cụ thể, những hiệu quả thực tiễn của việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, nhất là chủ đề công tác năm 2018 về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” và Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Song song với đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 217, 218 về giám sát và phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU có hiệu quả, đi vào chiều sâu để tạo sự đồng thuận xã hội. Cùng với đó, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra việc xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở; đẩy mạnh hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng…

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t