Sớm hoàn thiện dự thảo Luật hành chính công (15:33 10/05/2017)


HNP - Sáng 10/5, Đoàn khảo sát soạn thảo Luật hành chính công (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã làm việc với thành phố Hà Nội nhằm đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hành chính công trên địa bàn Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì làm việc với Đoàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị


Trong thời gian qua, thành phố đã ban hành quy định phân cấp nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế xã hội trên địa bàn. Theo đó nhiều lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền cho sở, ngành, quận, huyện thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố. Thành phố đã hoàn thành đề án xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính và được Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục vị trí việc làm. Các cơ quan, đơn vị cơ bản hoàn thành việc xây dựng khung năng lực vị trí việc làm theo danh mục vị trí việc làm được Bộ Nội vụ phê duyệt.
 
Bên cạnh đó, nhằm hướng tới chủ trương xây dựng chính quyền điện tử, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin; Xây dựng khung kiến thức, chiến lược, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2030. Hiện đang xúc tiến hợp tác với tổ chức công nghệ lớn để đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh trên địa bàn thành phố.
 
Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành việc rà soát, thực hiện đơn giản hoá trên 200 TTHC với số chi phí tiết giảm thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân khoảng trên 150 tỷ đồng/năm. Việc giải quyết TTHC đảm bảo theo quy định, nhiều TTHC được trả trước hạn, công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết TTHC được tăng cường.
 

Đoàn khảo sát trao đổi tại Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội

Tại buổi làm việc, các sở, ngành của thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung của dự thảo gắn với lĩnh vực, ngành mình quản lý. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, MTTQ TP Hà Nội cho rằng đây là tiền đề để xây dựng Chính phủ điện tử, nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ, minh bạch, hiệu quả; điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính với nhau.
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông muốn có Chính phủ điện tử còn phải có công dân điện tử. Thực tế, thời gian qua, trong một số lĩnh vực người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến mà vẫn trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp TTHC. Thành phố vừa đưa vào hoạt động ứng dụng về thí điểm đỗ xe iParking, lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cho người dân…cấp phiếu lý lịch tư pháp, giấy phép lái xe qua mạng nhưng tỷ lệ người dùng vẫn chưa cao.. 
 
Theo đại diện Sở Tư pháp, về thể chế, hiện đang thiếu cơ chế thống nhất trong việc thực thi chính sách thuộc thẩm quyền quy định của chính quyền địa phương giáp ranh ở phạm vi cấp tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa quy định cung cấp dịch vụ công theo mô hình nào trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp công lập không đồng nhất về cơ chế tự chủ, cơ chế chính sách không giống các cơ quan hành chính nhà nước, dễ dẫn đến tuỳ nghi trong thực hiện. Việc kết nối đến cổng dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công mức 3, 4 chưa có hướng dẫn cụ thể.  
 
Nhiều dịch vụ công các bộ ngành triển khai xuống địa phương trùng lắp. Điển hình là dịch vụ cấp phép lao động nước ngoài vừa nằm trong nhiệm vụ của Bộ LĐTB&XH, vừa nằm trong nhiệm vụ của địa phương triển khai. Chưa kể, trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân lãnh đạo trong quản lý nhà nước chưa phân định rõ đã ảnh hưởng đến sự quyết đoán, tính tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu...
 
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các sở ngành của thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch, hoàn thiện các văn bản đóng góp cho các nội dung của dự thảo luật, đồng thời, đánh giá mức độ cần thiết xây dựng Luật hành chính công…

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t