Nông dân Sóc Sơn thành công với mô hình nông nghiệp an toàn (13:48 14/12/2018)


HNP - Trước đây, Sóc Sơn nằm trong những huyện nghèo, đời sống của người dân vô vàn khó khăn. Nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi hướng sản xuất, nhiều mô hình nông nghiệp an toàn đã phát triển hiệu quả trên vùng đất này. Và đây cũng chính là cơ sở để người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Trồng trọt hữu cơ đang là hướng đi đúng cho Sóc Sơn


Từ thực tế sản xuất cho thấy, người nông dân huyện Sóc Sơn đã có được những quả ngọt đầu tiên của quá trình ấy. Đó là việc hình thành được những vùng chuyên canh cây hữu cơ, trồng theo hướng hàng hóa, những vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, hiệu quả cao...
 
Bao nhiêu năm làm ruộng, những người nông dân như bà Cao Thị Liên, chẳng dám mơ đủ ăn, chứ đừng nói đến chuyện làm giàu. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào nhóm sản xuất rau hữu cơ, chỉ với vài ba sào ruộng, tháng nào họ cũng có thu nhập ổn định như một người công nhân. Theo bà Cao Thị Liên, Thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn: “Trước đây, gia đình chỉ trồng có 1, 2 chủng loại rau nhưng khi là hội viên nông dân (xã Thanh Xuân) gia đình đã ký hợp đồng với công ty và sản xuất tới 15-20 chủng loại rau. Nhờ sản xuất rau hữu cơ nên thu nhập trung bình đã tăng lên 5 đến 6 triệu đồng/tháng, thu nhập ổn định, rau sản xuất đến đâu được thu mua đến đấy”.
 
Mỗi ngày, vùng sản xuất rau hữu cơ rộng 33,5 hecta của người dân xã Thanh Xuân cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau các loại. Toàn bộ sản phẩm đã được doanh nghiệp bao tiêu nên người dân từ chỗ e ngại khi áp dụng quy trình canh tác hữu cơ thì nay đã phấn khởi và mong muốn được tham gia mô hình.
 
Theo bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), hiện nay, tất cả các thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ đều có thu nhập ổn định và thu nhập có hướng tăng theo thời gian. So với trồng rau truyền thống thì trồng rau hữu cơ cho thu nhập gấp 4 lần và gấp 6 lần so với trồng lúa.
 
Không chỉ sản phẩm rau, sản phẩm gà đồi Sóc Sơn cũng có tiếng từ xưa. Nhưng để có giá ổn định và không chịu cảnh phụ thuộc thương lái như hiện nay thì phải kể đến quyết tâm của những người chăn nuôi, kiên trì phát triển theo chuỗi liên kết.
 
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cho biết, việc chăn nuôi khép kín đã tạo ra chuỗi khép kín từ khâu đầu vào đến tổ chức chăn nuôi, sơ chế giết mổ đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Tại tất cả các mắt xích của chuỗi đều tạo ra giá trị riêng, tạo ra lợi ích tập thể cho các thành viên tham gia chuỗi có như vậy chuỗi mới hiệu quả và bền vững hơn.
 
Như vậy, nhờ tập trung phát triển nông nghiệp nên, đến nay, giá trị sản xuất trên 1 hécta canh tác của Sóc Sơn đạt trên 161 triệu đồng, nhiều vùng còn cho giá trị từ 350 triệu đồng tới 1 tỷ đồng/ha. Toàn huyện cũng đã xây dựng và đang phát triển ổn định 1.230 trang trại, gia trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. 7 mô hình nông nghiệp công nghệ cao và 9 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đồng thời, duy trì và phát triển 8 thương hiệu nông sản. Nhờ đa dạng hóa các loại hình sản xuất, thu nhập bình quân của người nông dân trên địa bàn huyện đến nay đã đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2,7%.
 
Đánh giá về chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, trước khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong 25 xã của huyện có 7 xã đạt 5 - 10 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đặc biệt có 3 xã chưa đạt tiêu chí nào. Qua 5 năm triển khai, đến nay, toàn huyện có 15/25 xã đạt chuẩn NTM, 10/25 xã còn lại đạt từ 14-17 tiêu chí. 
 
Đặc biệt, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa,… điều kiện nhà ở, điện nước sinh hoạt của nhân dân được đảm bảo, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,8 triệu đồng/năm (tăng 11,8 triệu so với năm 2015).
 
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, huyện sẽ xây dựng nhiều vùng sản xuất tập trung trọng điểm. Đẩy mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại phát triển, chú trọng việc hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tiếp tục củng cố, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về cơ chế, chính sách từ đó thúc đẩy hỗ trợ nông nghiệp phát triển.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t