Người nghệ nhân hơn 40 năm "sống chết" với nghề ươm tơ, dệt lụa (13:52 21/06/2017)


HNP - Vào những năm 70 của thế kỷ trước, huyện Mỹ Đức được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, ngành dâu tằm Mỹ Đức đã chững lại, nhưng nghệ nhân Phan Thị Thuận, với quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của quê hương, đã từng bước phát triển làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo được người dùng đón nhận và hơn thế sản phẩm lụa tơ tằm Mỹ Đức đang dần đi khắp các nước trên thế giới.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận


Sinh ra và lớn lên trên mảng đất xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, gia đình nghệ nhân Phan Thị Thuận đã có truyền thống ba đời làm trong ngành dâu tằm tơ, “mẹ nuôi tằm, bố dệt vải”. Bản thân bà khi lớn lên đến năm 18 tuổi (năm 1972) bà cũng tham gia làm kế toán thống kê cho xí nghiệp dâu tằm tơ Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ). Khi lập gia đình, bà cũng theo gia đình chồng làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng khác những hộ gia đình khác bà luôn tìm tòi, đánh giá từng vùng đất, xem vùng đất nào cho hiệu quả của lá dâu tốt, sợi tơ đạt chất lượng cao.
 
Đến năm 1985, Xí nghiệp dâu tằm tơ Mỹ Đức có chủ trương bỏ cây dâu và trồng những cây lương thực khác do nhà máy ươm tơ Mỹ Đức thua lỗ. Với quyết tâm gắn bó sống chết với nghề của cha ông, bà kiên quyết bám trụ với nghề, nhiều năm trời ròng rã bà đạp xe hàng chục cây số để mua lá dâu ở nông trường Thanh Hà (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) về nuôi tằm… bà đã đứng ra cùng các chị em trong thôn mang kén về để ươm tơ.
 
Nhiều đêm bà suy nghĩ làm sao phải tạo được sản phẩm là những tấm lụa thành phẩm bán ra thị trường. Theo bà “trồng dâu, làm ra con kén mà không tạo ra tơ thì khó bảo vệ được nghề và bị phụ thuộc” bà đã đi tìm mua 7 máy ươm tơ (từ con kén chuyển sang thành sợi tơ) cho các chị em phụ nữ ở thôn. Từ đó, bà đến các hộ để thu mua kén và tơ cho các hộ dân. Cùng lúc đó, bà đi tìm thị trường để tiêu thụ kén, tơ cho toàn bộ người dân Mỹ Đức. Thị trường trong nước không đủ bà đã đi tìm thị trường ở tận Lào, Campuchia, Trung Quốc để có các thương lái thu mua kén với giá cả ổn định…
 
Thấy nghệ nhân Phan Thị Thuận hăng say tìm kiếm hướng phát triển mới cho nghề tằm tơ, giữ lấy nghề truyền thống quê hương, từ những năm 1990 lãnh đạo huyện Mỹ Đức tạo điều kiện cho bà đi đến nhiều nơi, nhiều vùng để thăm quan học hỏi một số mô hình phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và sau đó, bà về thành lập hội ươm tơ Mỹ Đức và tìm đầu ra cho sản phẩm tơ tằm truyền thống huyện Mỹ Đức.
 
Trải qua nhiều năm trồng dâu nuôi tằm, nghệ nhân Phan Thị Thuận quyết định đứng lên thành lập Hội ươm tơ Mỹ Đức và tìm đầu ra cho tơ. Nhưng sau bà thấy việc bán tơ vẫn bấp bênh, giá cả không ổn định và phụ thuộc vào đầu ra nên bà quyết định dùng các sợi tơ để dệt nên những tấm lụa và các sản phẩm như: khăn quàng, áo thô, khăn thô,… mang ra Vạn Phúc, Hàng Gai để bán. Từ đó, bà gặp được những người khách nước ngoài và họ về tận nơi mua các sản phẩm do bà làm ra.

Đến năm 2000, bà Phan thị Thuận thành lập công ty Phong Nam (tên 2 người con của bà) để mở rộng kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm và xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trên thế giới, như: Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, Anh, Đức, Mỹ, Italya, Thái Lan,… Sản phẩm của bà làm ra đến đâu là tiêu thụ đến đấy, chủ yếu là thông qua các đơn đặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài.
 

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm cơ sở sản xuất lụa tơ tằm của Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức

Năm 2010, nghệ nhân Phan Thị Thuận đổi tên Công ty Phong Nam thành Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức và quyết định chuyển hướng kinh doanh sang tiêu thụ, bán sản phẩm trong nước và làm ra những sản phẩm mà người tiêu dùng trong nước có thể tiếp cận được. Đồng thời, biến con tằm thành những người thợ để dệt nên những tấm mền bông tơ tằm và làm ra nhiều sản phẩm từ tơ tằm. Bà nói “những con tằm thay những những người thợ tạo ra sản phẩm thay người thợ không chỉ tạo ra sản phẩm độc đáo cho khách hàng trong và ngoài nước biết đến tơ tằm Mỹ Đức mà còn không bị làm giả, mất uy tín của tơ tằm Mỹ Đức”
 
Với những thành tích đạt được, đến nay, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận giành được rất nhiều giải thưởng và phần thưởng cao quý của Nhà nước như: Huy chương vàng Quốc tế năm 2005; Giải thưởng sản phẩm công nghiệp tiêu biểu năm 2006 và nhận giấy khen của UBND tỉnh Hà Tây (cũ); Năm 2010, bà là một trong số ít người được nhận giải thưởng sản phẩm nghìn năm Thăng Long với sản phẩm dệt thổ cẩm bằng lụa tơ tằm. Trong năm 2015, bà tham gia giải thưởng nhà nông sáng tạo và nhận được giải nhất Toàn quốc với sản phẩm mền bông do con tằm tự dệt. Ngoài ra, từ năm 1990 đến năm 2000, bà 10 năm liền được phong danh hiệu thợ giỏi, hộ kinh doanh giỏi cùng với nhiều danh hiệu và giải thưởng khác.
 
Về mong muốn trong thời gian tới, bà chỉ mong: nghề dệt lụa truyền thống huyện Mỹ Đức luôn được gìn giữ và phát triển. Cùng với việc thay đổi các thiết kế mẫu mã để tơ tằm Việt Nam được xuất khẩu bền vững ra nước ngoài, có chỗ đứng ở thị trường Thế giới và được thị trường Thế giới chấp nhận. Đồng thời, mong Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức quan tâm, hỗ trợ về vật chất, tài chính và tinh thần. Trước mắt, bà mong muốn xây dựng gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm lụa tơ tằm Mỹ Đức đặt tại trung tâm huyện Mỹ Đức để du khách về với Mỹ Đức là biết đến sản phẩm lụa tơ tằm Mỹ Đức. Trong việc gìn giữ và phát triển nghề, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận luôn tâm niệm phải đào tạo dạy nghề cho thế hệ trẻ những công việc như: mắc sợi, dệt lụa; ươm tơ… Đồng thời, tạo công an việc làm cho những người đã quá tuổi lao động. Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương; Cùng gìn giữ và phát triển nghệ dệt lụa tơ tằm truyền thống quê hương.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t