Phiên giải trình góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND các cấp (15:39 30/08/2018)


HNP - Đến thời điểm này, HĐND các cấp của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức được 30 phiên giải trình, trong đó, Thường trực HĐND TP tổ chức 3 phiên, Thường trực HĐND các quận, huyện tổ chức 27 phiên giải trình. Qua đánh giá, nhiều kinh nghiệm hay và giải pháp hiệu quả đã được đưa ra trao đổi tại hội nghị giao ban Thường trực HĐND thành phố, quận, huyện, thị xã quý III/2018 và thảo luận chuyên đề “Trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND”, do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, sáng 30/8.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị


Kinh nghiệm từ thực tiễn

Phiên giải trình giữa hai kỳ họp được quy định tại điều 72, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Thực hiện quy định này, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức 3 phiên giải trình về việc thu gom xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành Hà Nội; việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố; và phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội. Cùng với đó, 19 Thường trực HĐND quận, huyện cũng tổ chức phiên giải trình về các nội dung liên quan đến các vấn đề dân sinh bức xúc. Đánh giá qua thực tiễn triển khai, các đại biểu cho rằng, để tổ chức thành công phiên giải trình thì khâu quan trọng trước hết là lựa chọn đúng, trúng chủ đề, từ đó, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, tư liệu, mời thành phần tham dự và điều hành của chủ tọa, kết luận làm căn cứ giám sát sau giải trình… Tất cả khâu này nếu thực hiện tốt, chuẩn bị chu đáo thì chắc chắn phiên giải trình sẽ thành công và đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam,Trưởng ban Pháp chế, để nâng cao chất lượng phiên giải trình, phải lựa chọn được nội dung của phiên giải trình, phải trúng và thiết thực thì mới góp phần giúp cho cơ quan triển khai nhiệm vụ, giúp cho cơ quan giám sát và đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri. Sau đó, từ nội dung chủ đề lựa chọn thì các Ban phải giúp Thường trực HĐND xây dựng kịch bản, thay hình thức báo cáo bằng văn bản bằng báo cáo hình ảnh để phản ánh sinh động, trung thực những khó khăn vướng mắc để yêu cầu giải trình. Yếu tố cũng rất quan trọng là thành phần mời dự phiên giải trình, chủ đề nào thì đối tượng giải trình phải phù hợp. Cùng với đó, Thường trực HĐND điều hành cũng phải chủ động, linh hoạt, làm rõ trách nhiệm của người hỏi, người giải trình, và kết luận phiên giải trình phải được gắn với hoạt động giám sát để tăng tính hiệu lực, hiệu quả.

Còn theo đại biểu Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, phiên giải trình trong lĩnh vực văn hóa - xã hội rất khó, trừu tượng nên quá trình chuẩn bị phải áp dụng nhiều biện pháp, với sự cố gắng nỗ lực của nhiều người để ghi lại những hình ảnh trung thực, phản đúng hiện tượng. Sau khi đã chuẩn bị được nội dung thì Thường trực HĐND TP cũng rà duyệt kỹ bởi đây là những vấn đề nhạy cảm. Thành công của phiên giải trình có được là nhờ lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và các quận huyện, xã phường cũng hết sức hợp tác, xác định rõ trách nhiệm, có lộ trình giải quyết, khắc phục.

Đại biểu Trần Thế Cương cũng cho rằng, sau phiên giải trình thì việc giám sát cũng rất quan trọng. Hiện, Ban Văn hóa xã hội cũng đang giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận của phiên giải trình và bước đầu cho thấy, phiên giải trình đã tạo tiếng vang, tạo dư luận tốt, ý thức trong thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, cũng cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi để nhân dân, cử tri biết hiệu quả từ thực hiện các phiên giải trình của Thường trực HĐND.

Theo ông Phùng Xuân Việt, Phó Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm, phiên giải trình là hình thức giám sát hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng trong hoạt động HĐND. Cụ thể, phiên giải trình của HĐND huyện về lĩnh vực trật tự xây dựng, quản lý đất nông nghiệp đã có 11 lượt đại biểu HĐND nêu vấn đề và 9 chủ tịch UBND xã, thị trấn lên báo cáo, trong đó giải trình rõ những vấn đề đại biểu HĐND đề cập, những tồn tại hạn chế và trách nhiệm trong công tác quản lý và trách nhiệm của cán bộ chuyên môn, lộ trình, tiến độ khắc phục những tồn tại hạn chế. Sau giải trình Thường trực HĐND huyện đã ban hành kết luận, đánh giá rõ ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm, tồn tại hạn chế, trách nhiệm và lộ trình để UBND huyện tập trung chỉ đạo các phòng ban, cấp xã giải quyết. Kết quả, những vi phạm trên đất nông nghiệp đã có chuyển biến, được tập trung xử lý.

Cùng chung quan điểm về các giải pháp nâng cao chất lượng phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn cho rằng, kịch bản điều hành được xây dựng trước nhưng trong quá trình thực hiện thì chủ tọa cũng cần phải linh hoạt, quyết đoán, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, nghiêm túc, thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt hiệu quả phiên giải trình, thúc đẩy công tác quản lý ở địa phương, xác định rõ lộ trình, giải pháp, đạt yêu cầu đề ra. Về công tác thông tin tuyên truyền, phải kết hợp nhiều hình thức như đưa trực tiếp trên đài phát thanh, cổng thông tin điện tử, báo chí để cử tri theo dõi, giám sát.

Đối với HĐND huyện Thường Tín, đơn vị đã tổ chức được 5 phiên giải trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó Chủ tịch HĐND huyện Vũ Văn Tân cho rằng, Thường trực, các ban, tổ đại biểu phải đi xuống thực tế thăm, khảo sát để đánh giá thực trạng, làm rõ các vấn đề cần giải trình. Đồng thời nên tăng cường các phiên giải trình trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Tăng cường hiệu quả phiên giải trình

Nhấn mạnh đến hiệu quả của phiên giải trình giữa hai kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, tuy các đơn vị tổ chức với hình thức chưa thống nhất nhưng về cơ bản đã đạt hiệu quả tốt, góp phần nâng cao năng lực hiệu lực hiệu quả của HĐND các cấp, đặc biệt, trong thời điểm đang thực hiện chủ đề của năm 2018 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Vì vậy, thời gian tới, 11 đơn vị quận, huyện chưa thực hiện phiên giải trình cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giải trình trong năm 2018. Trong quá trình triển khai báo cáo kịp thời với Thường trực HĐND TP, các Ban để tổ chức tốt các khâu chuẩn bị như lựa chọn chủ đề, xây dựng kế hoạch, nội dung… Đặc biệt, phải tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với UBND trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đặc biệt lưu ý, kỳ họp cuối năm 2018 rất quan trọng, đặc biệt là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, vì vậy HĐND các quận huyện phải chuẩn bị chu đáo, từ đó, khẳng định hiệu lực, hiệu quả của hoạt động HĐND trong hệ thống chính trị.


Nguyễn Hợp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t