Những di sản vật thể và phi vật thể khu vực Hồ Tây (14:23 27/05/2015)


HNP - Hồ Tây nằm ở vị trí phía Tây Bắc trung tâm kinh thành, được hình thành do sông Cái (sông Hồng ) chuyển dòng. Đến nay, Hồ Tây là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích khoảng 500ha, chu vi 18km. Hồ Tây từng là thẳng cảnh nổi tiếng trên đất Thăng Long, là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều tao nhân mặc khách.

Mênh mang sóng nước hồ Tây (Ảnh: Phương Anh)


Dưới thời Vĩnh Hựu (1735-1739), một nhà thơ đã có tập Tây Hồ Bát Cảnh, ca ngợi 8 cảnh đẹp của vùng đất Tây hồ.

Bến Trúc Nghi Tàm: Theo Tây Hồ chí, nơi đây gọi là Nha trúc lâm vì vào thời vua Hùng, đất này có tre đằng ngà mọc thành rừng, phía ngoài cỏ rậm quanh hồ. Xưa kia, công chúa Từ Hoa con Vua Lý Thần Tông lập Trại Tàm Tang để trồng dâu nuôi tằm, đến thời Trần đổi thành Trại Tích Ma. Thời Hậu Lê, Trịnh Giang đổi thành Nghi Tàm và cho mở một bến tắm ở đây. Hàng năm, các Chúa Trịnh cùng cung nữ lên Bến Trúc nghỉ ngơi và tắm mát. Trải qua bao nhiêu biến thiên của thời gian và lịch sử, Bến Trúc Nghi Tàm nay không còn nữa.

Rừng bàng Yên Thái: Thời Lê Trung Hưng, các Chúa Trịnh cho trồng rất nhiều cây bàng ở Làng Võng Thị, Yên Thái để lấy bóng mát. Có đến hàng ngàn cây, rợp một góc hồ, khi giao mùa Thu- Đông, rừng bàng đổi sắc lá xanh- đỏ, từ xa trông rất đẹp mắt. Rừng bàng Yên Thái đã tạo thành một thắng cảnh của Hồ Tây. Sau này, Vua Lê Chiêu Thống đã ra lệnh phá bỏ khu rừng này.

Đàn Thề Đồng Cổ: Đền được lập ở làng Thụy Chương từ thời Lý dưới lệnh Vua Lý Thái Tông (1028-1054). Kiến trúc gồm 2 tầng, tầng dưới để Vua ngự mỗi khi đến thăm, tầng trên để thờ thần Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ còn tồn tại đến ngày nay.

Phật say Làng Thụy: Xưa kia, làng Thụy Chương có một ngôi chùa nhỏ không biết được xây dựng vào thời gian nào. Đến thời Lê Trung Hưng thì ngôi chùa này đổ nát, chỉ còn sót lại pho tượng trong tư thế tay chống gậy, chân khập khiễng, trông liêu xiêu như người say rượu. Người dân làng Thụy Chương cũng có nghề nấu rượu nổi tiếng, nên người ta bảo rằng pho tượng Phật kia suốt ngày uống rượu và say khướt. Tương truyền, cuối thời Lê, Trạng Quỳnh đã tới làng này uống rượu mua vui, nhìn thấy pho tượng này nên làm thơ trêu đùa:


  Ông đứng chi mà đứng mãi đây

Dập dềnh như tỉnh lại như say
   Vãi  nào đã chuốc cho ông rượu
Còn có cho vay một nậm đầy.


Từ đó, dân làng Thụy Chương và du khách khắp nơi thường mang rượu đến cúng hoặc chén thù tạc vào Mùng Một, ngày Rằm. Về sau, tượng Phật đã thất lạc, nay không còn.

Sâm cầm rợp bóng: Sâm cầm là một loại chim di cư. Tới mùa Đông, khi trời se lạnh, từng đàn sâm cầm hàng ngàn con, đầu và cổ đen, mỏ hồng từ phương Bắc bay đến tránh rét, bơi kiếm ăn trên hồ Tây. Đến mùa nắng ấm, Sâm Cầm lại bay về phương Bắc. Chim Sâm Cầm với ý nghĩa loài chim thịt bổ như sâm nên hay bị săn bắt.

Đồng bông Nghi Tàm: Làng Nghi Tàm không những nổi tiếng với việc công chúa Từ Hoa (thời Lý) lập trại trồng dâu nuôi tằm, mà còn nổi tiếng bởi nghề trồng hoa. Hoa tươi Nghi Tàm một thời được dùng làm đồ tiến Vua, tiến Chúa. Tây Hồ chí còn gọi vùng này là vùng hoa điền- ruộng hoa. Bên cạnh làng Nghi Tàm còn có một số làng khác cũng trồng hoa như Nhật Tân Quảng Bá, Tây Hồ, Yên Phụ, Võng Thị nhưng từ thời Tây Sơn trở đi, nghề trồng hoa đã bị bỏ. Khoảng đồng ruộng bên Chùa Kim Liên của Làng Nghi Tàm gọi là Đồng bông.

Chợ đêm Khán Xuân: Khán Xuân là tên phường xưa, thuộc phía Nam Hồ Tây, nay thuộc khu Phủ Chủ Tịch, Công viên Bách Thảo. Ở đây có Núi Khán Sơn, trên núi lập miếu thờ Thần Cẩu Mẫu (Chó mẹ), từ thời Lý và miến thờ Huyền Trân Hắc Đế. Chúa Trịnh Giang cho lập một ly cung, các dãy nhà có hàng xung quanh. Vào mùa Hè, đêm đêm, Chúa Trịnh ra cung này nghỉ, các nội thần và cung nữ bày hàng bán và hát xướng suốt đêm. Trải qua bao biến cố thăng trầm, đến nay, chợ đêm Khán Xuân không còn.

Tiếng đàn Hành cung: Thời Lê -Trịnh, Phật giáo suy đồi, cùng với thế lực to lớn của Phủ Chúa. Các Chúa Trịnh đã biến Chùa Trấn Quốc thành Hành cung, khiến vẻ tôn nghiêm của nơi đây bị xâm phạm. Nơi đây, Chúa Trịnh tuyển trong các cung nữ những người đàn hay, hát giỏi, múa khéo để mua vui. Đặc biệt, ở Hành cung có mỹ nữ họ Hà đàn rất giỏi, được Chúa yêu chiều. Tới thời Lê mạt thì Hành cung suy tàn.

 

Vãng cảnh chùa Trấn Quốc (Ảnh: Phương Anh)


Các di tích lịch sử quanh khu vực Hồ Tây:

Chùa Trấn Quốc: nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến thời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Trong các năm 1624, 1628 và 1639, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho tổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ thời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay. Chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan.
 

 

Chùa Kim Liên “bông sen ven Hồ Tây” (Ảnh: Phương Anh)

 

Chùa Kim Liên là ngôi chùa nằm trên một doi đất bằng phẳng trong thôn Nghi Tàm, xã Quảng An. Tấm bia trong chùa dựng thời vua Lê Nhân Tông ghi rõ “năm Thái Hòa thứ nhất (tức năm 1443) dựng chùa, gọi là chùa Đại Bi”. Năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được trùng tu, sửa chữa lớn và mang tên Kim Liên tự, là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam.

Chùa Tảo Sách (Linh Sơn tự) tọa lạc tại số 386, đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Chùa thuộc phái Tào Động, khởi nguồn từ Thiền sư Thủy Nguyệt, Trưởng môn phái Tào Động truyền thụ đệ tử trụ trì các chùa quanh Hồ Tây. Năm 1993, chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngoài việc thờ Phật, chùa Tảo Sách còn là cơ sở sinh hoạt của hội Hoa Nghiêm. Chùa có 42 câu đối, 23 bức đại tự, 2 quả chuông, 24 văn bia.

Chùa Thiên Niên (Thiên Niên cổ tự) còn được gọi là chùa Trích Sài nằm ngay sát bên Hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi. Theo truyền thuyết, chùa ra đời thời Lý Nam Đế (544-548). Nơi này, thời vua Lê Thánh Tông, tặng cho các cung nữ để làm đất sinh nhai. Đặt tên là Thiên niên, ý nói được ban lâu dài. Tại Trang Thiên Niên này, đến thời Minh Mạng (1820-1841), thì xây chùa và mang tên Thiên Niên tự từ đó. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt Lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô, thứ phi của vua Lê Thánh Tông, đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.

Chùa Bà Đanh tên gọi Nôm của chùa Châu Lâm. Chùa này cất lên cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nội. Vì để tránh húy miếu vua Thiệu Trị nên sau này Thụy Chương phải đổi thành Thụy Khuê. Vào thời đó, viện Châu Lâm được dùng làm chỗ ở cho những người Chiêm Thành được đưa về sau các cuộc chiến tranh, còn chùa Châu Lâm là nơi dành cho họ cúng lễ. Sau khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đã chiếm khu vực đất này để lập trường Trung học bảo hộ (1907), nay là trụ sở của trường trung học Chu Văn An, vì thế chùa Châu Lâm phải dời về phía Tây Nam, ở cuối làng và đổi sang tên mới là chùa Phúc Lâm. Theo tục truyền, Bà Đanh là một người đàn bà đã có công dựng lên chùa này, vì thế mà ngôi chùa mang tên bà. Từ khi viện Châu Lâm bị bãi bỏ, số người đến lễ bái chùa này ngày một ít đi. Chính vì thế không khí ngôi chùa này ngày càng vắng vẻ nên ngôi chùa đã trở thành hình ảnh để so sánh “Vắng như chùa Bà Đanh”.

Đền Đồng Cổ: thờ thần Đồng Cổ, nguyên được thờ ở Núi Khả Lao (Thanh Hóa). Thần đã có công nhiều lần báo mộng giúp vua Lý Thái Tông về chính sự và quân sự. Sau khi đánh thắng quân Chiêm Thành trở về, vua đã lập đền thờ thờ thần Đồng Cổ ở kinh đô Thăng Long. Thời Lý, hội thề được tổ chức ngày 25 tháng Hai Âm lịch hàng năm. Nhà vua tập hợp quần thần tới làm lễ tạ ơn Thần Đồng Cổ rồi cùng nhau thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì thần linh giết chết”. Tới thời Trần, quy ước về lễ tế vẫn được giữ nguyên, song do hoàn cảnh xã hội thực tế như an ninh quốc gia, quyền lực nhà nước…mà hội thề đổi sang ngày 4 tháng Tư Âm lịch…Tới thời Hồ, Lê, hội thề vẫn được duy trì, nhưng tầm quan trọng về sự thiêng liêng bị giảm dần. Trong chiến tranh Lê – Nguyễn, Tây Sơn, đền đã bị phá hủy. Trong chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đền đã bị chiếm dụng và trở lên hư hỏng nặng. Năm 1992, đền được trùng tu. Ngày nay, dân làng trong vùng mở hội vào ngày 4/4.

Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thờ Liễu Hạnh công chúa, một trong bốn vị Thánh tứ bất tử trong tín ngưỡng người Việt.  Theo truyền thuyết, Phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17 nhưng có thể muộn hơn. Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa cấp bằng Di tích Lịch sử- Văn hóa ngày 13/2/1996.

Đền Quán Thánh (Trấn Vũ Quán), có từ thời Lý Thái Tổ (1010-1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ Thăng Long xưa. Năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2, tức đời vua Lê Hy Tông, Trịnh Tạc ủy cho con là Trịnh Căn chủ trì việc xuất của kho để di tạo Trấn Vũ Quán và pho tượng Thánh Trấn Vũ đúc bằng đồng đen vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), đời Lê Hy Tông cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn tạo trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống lên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên. Rùa, rắn và kiếm và biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo sự tích ghi chép ở đền thì Huyền Thiên Trấn Vũ là thần trấn quản phương Bắc đã nhiều lần giúp nước Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong bản ghi chép còn có chi tiết, Huyền Thiên Trấn Vũ giúp dân thành Thăng Long trừ tà ma và yêu quái, giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa…

Làng nghề quanh Hồ Tây

Nghề làm giấy (Yên Thái), có từ thế kỷ VIII, IX. Làng giấy Yên Thái còn có tên là làng Bưởi. Người thợ làng Bưởi đã làm ra những loại giấy đặc biệt cho triều đình phong kiến như giấy thị, giấy lệnh. Sản phẩm chủ yếu của làng Yên Thái là giấy bản để in sách hoặc để viết chữ Nho và giấy dó.

Nghề trồng hoa Yên Phụ, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá, Ngọc Hà. Ở đây trồng các loại hoa lay ơn, thược dược, cúc, đồng tiền, huệ, hồng…một số cây trong các dịp Tết: đào, quất và một số cây cảnh phổ biến. Đặc biệt, đào Nhật Tân và quất Quảng Bá là loại cây cảnh phổ biến trong dịp Tết.

Nghề trồng cây thuốc Nam Đại Yên: Theo thần phả của đình làng, vào thời Lý ở thế kỷ 11, có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi nhưng giỏi chữa bệnh bằng các loại cây. Cô đã đi theo đội quân của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược và có công cứu chữa cho nhiều binh lính. Ngọc Tường được vua phong là Ngọc Hoa công chúa. Dân làng tôn bà là thành hoàng làng và lập đình thờ.

Nghề đúc đồng Ngũ Xã: Làng Ngũ Xã lập từ 5 làng: Đông Mai, Châu Mỹ, Làng Thượng, Diên Tiên và Dao Niên thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên và Thuận Thành, Bắc Ninh. Ngũ Xã chuyên đúc đồ thờ cúng đặc biệt là các pho tượng đồng như tượng Phật A Di Đà ở chùa Thần Quang, tại làng Ngũ Xã, cao 3,95m, khoảng cách giữa hai đầu gối 3,60m.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t