Thăng Long tứ Trấn - Dấu ấn lịch sử ngàn năm (20:47 28/05/2015)


HNP - Kinh thành Thăng Long xưa - Thủ đô Hà Nội nay là mảnh đất thiêng ngàn năm văn vật, nơi hội tụ, kết tinh những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Trải qua 1.000 năm hình thành và phát triển, kể từ khi vua Lý Thái Tổ chọn khu đất Đại La bên cửa sông Tô Lịch làm nơi định đô cho muôn đời, nơi đây, còn lưu giữ những giá trị truyền thống, những di sản quý báu của dân tộc với hàng loạt các công trình kiến trúc cổ vô giá và độc đáo -  Tiêu biểu phải kể đến “Thăng Long tứ Trấn”.

Thăng Long tứ Trấn - những ngôi đền thiêng


Thăng Long tứ Trấn là một hệ thống kiến trúc lịch sử với bốn ngôi đền thiêng thờ 4 vị thần linh (Long Đỗ, Linh Lang đại Vương, Cao Sơn đại Vương, Huyền Thiên Trấn Vũ) trấn giữ những vị trí huyết mạch và che chở, bảo vệ cho vùng đất Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội nay luôn được bình yên. Ngay từ khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, để xác định về mặt hành chính và tầm vóc to lớn của kinh thành Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng 4 ngôi đền để trấn giữ bốn phía (Đông, Tây, Nam, Bắc), đây được xem như là một ý tưởng chu đáo của các bậc tiền nhân lo cho vận mệnh của quốc gia muôn đời.
 
Trấn Đông: đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội
Trấn Tây: đền Voi Phục thờ thần Linh Lang đại Vương
Trấn Nam: đền Kim Liên thờ Cao Sơn đại Vương
Trấn Bắc: đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ
 
Bốn ngôi đền xác định địa giới của Thăng Long xưa, tạo nên những công trình kiến trúc cổ vô giá và độc đáo của mảnh đất Kinh kỳ. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau, gắn liền với nhiều giai thoại về công cuộc dựng nước, giữ nước của cha ông chúng ta trong những năm tháng đầy biến động của lịch sử.  
 
Đền Bạch Mã trấn giữ phía Đông kinh thành
 
Đền Bạch Mã là ngôi đền cổ, có từ thế kỷ thứ IX khi nước ta đang bị nhà Đường phương Bắc đô hộ (792 - 906), đền được xây dựng trên đất phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Nay là số 76 - 78, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 
Đền thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long, trấn giữ phía Đông (thành hoàng Hà Nội), là vị thần được người dân Thăng Long xưa và Hà Nội nay tôn kính.
 
Đền Bạch Mã xưa và nay
 
Theo sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên thì vào thời Đường: Thần núi Long Đỗ (rốn rồng) còn gọi là núi Nùng, nơi tích tụ linh khí đất trời vùng ngã ba sông này, rất linh thiêng. Viên quan cai trị Cao Biền sai quân đắp La Thành, bỗng thấy trời sập tối, gió mù cát bay, xuất hiện con rồng đỏ bay lượn trong đám mây ngũ sắc. Cao Biền sợ hãi định dùng búa đồng yểm. Đêm đó, Cao Biền mơ thấy một người quắc thước gọi bảo: “Ta là thần Long Đỗ cai quản đất này, ngươi ở xa tới sao dám xây thành lại còn toan yểm đất?”. Tỉnh dậy, Cao Biền lo ngại nhưng vẫn sai quân lính chôn đồng, sắt vào các long mạch để trấn. Tới đêm giông bão mưa lớn, sấm sét nổi lên đánh bật tung các hố chôn kim loại. Cao Biền biết là gặp thần địa tối linh bèn lập đền thờ cầu xin thần phù trợ.
 
Hoàng Giáp Trần Bá Lãm (1757 - 1815) vịnh đền Bạch Mã:
 
Mạch dẫn bàn long truyền thắng địa
Tích lưu Bạch Mã trấn danh châu
Cao vương vãng sự câu thần thổ
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
 
                                                                                                         Tạm dịch:
 
Đất đẹp rồng linh dồn chuyển mạch
Tích xưa ngựa trắng trấn danh đô
Cao Biền chuyện cũ lo thần thổ
Vật đổi sao dời biết mấy thu.
                                                    (La Thành cổ tích vịnh)
 
Còn theo tương truyền thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, cho mở rộng và đắp cao thành lũy, nhưng trầy trật mãi không xong, cứ xây thành đến đâu thì sụt lở đến đó. Nhà vua cử đại quan đến khẩn cầu tại đền, thấy có con ngựa trắng từ đền ra, đi một vòng từ Đông sang Tây để lại dấu chân rồi quay về đền biến mất. Vua Lý cho quân sĩ cứ theo vết chân ngựa mà đắp xong thành. Nhà vua bèn sửa sang lại đền thờ, phong sắc cho thần Long Đỗ là “Quốc đô Thăng Long đại vương, Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần” giao trấn giữ phía Đông Kinh thành.
 
Tượng Bạch Mã trong đền
 
Đền Bạch Mã có khuôn viên khá rộng với diện tích hơn 500m2, đền được tôn tạo sửa chữa nhiều lần, cuối thế kỷ XVII được nâng cao nền và mở rộng, năm 1781, chúa Trịnh Sâm trùng tu thêm tráng lệ lại cho ba giáp quanh đền là Bắc Thượng, Bắc Hạ, Mật Thái của phường Hà Khẩu làm “tạo lệ” trông nom thờ cúng, được miễn sưu sai tạp dịch. Năm 1839, xây văn chỉ ở bên trái, dựng phương đình tám mái ở trước tòa đại bái, có mái vòm hình “mai cua” độc đáo nối phương đình với các nhà kiến trúc kiểu chữ Tam tạo không gian thoáng đãng. Phía sau nhà đại bái là hậu cung. Cả ba nhà tiền bái, đại bái và hậu cung có chiều ngang là 15m. Kiến trúc còn lại ngày nay của ngôi đền chủ yếu theo lối kiến trúc của nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX.
 
Đền quay mặt về phía Đông Nam. Trong đền có bức hoành phi ghi 4 chữ “Đông trấn chính từ” (đền chính trấn giữ phía Đông) và nhiều đồ tế tự tinh xảo, có bộ bát bảo sơn son thiếp vàng, đôi hạc cao, hai tượng phỗng đá đứng sinh động và quý nhất là tượng thần ngựa trắng bằng đồng có từ thế kỷ XIIX. Đền còn lưu giữ 15 bia đá, văn bia nói về sự tích thần Long Đỗ, các nghi thức cúng tế, các lần trùng tu tôn tạo cùng nhiều sắc phong của các triều vua. 
 
Tương truyền vào thời Trần, quân Nguyên sang xâm lược nước ta, ba lần đốt phá Thăng Long, cả ba lần lửa không bén được tới đền. Lúc “phụng giá hoàn kinh sư”, thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải đề đôi câu thơ ở đền:
 
Hỏa bốc tam khu thiêu bất tận
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh
 
                                                                                       Tạm dịch:
 
Ba lần lửa bốc không cháy
Một phen gió bụi chẳng siêu.
 
Đền Bạch Mã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, ngày 12/12/1986. Hàng năm, lễ hội của đền được tổ chức từ ngày 12 - 13/2 Âm lịch. 
 
Đền Voi Phục trấn giữ phía Tây kinh thành
 
Đền Voi Phục còn có tên đền Thủ Lệ hay Linh Lang, được xây dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời vua Lý Thánh Tông, thờ thần Linh Lang Đại Vương. Đền nằm phía Tây, kinh thành Thăng Long cũ, nay tọa lạc bên hồ Thủ Lệ, thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
 
Cổng vào đền Voi phục ngày nay
 
Tên gọi của ngôi đền không chỉ biểu thị một ý nghĩa cụ thể mà còn mang một ý nghĩa linh thiêng, gắn với sự tích người anh hùng dân tộc có công dẹp giặc ngoại xâm, mang lại bình yên cho dân tộc trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
 
Truyền thuyết kể rằng: thời Lý, có cô gái làng Bồng Lai (nay thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội) đến cư ngụ ở đất Trại Chợ ven hồ Thủ Lệ. Cô gái có nhan sắc rất đẹp nên đã được tuyển vào làm cung phi cho vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Bà phi trẻ này không vào ở trong cung nội mà lại xin vua cho ở lại Trại Chợ. Bà sinh được một Hoàng tử. Lớn lên, giặc Tống sang xâm phạm, Hoàng tử cầm quân ra trận được vua ban cho một ngọn cờ đào cán dài 10 trượng và một thớt voi. Đánh thắng xong quân địch, Hoàng tử trở về Trại Chợ mắc bệnh rồi mất. Vua thương tiếc phong cho làm Linh Lang đại vương và lập đền thờ.
 
Còn thần tích ghi là: Bà phi Hạo nương họ Nguyễn, người Bồng Lai, một buổi ra tắm ở hồ Dâm Đàm (hồ Tây) bỗng có rồng hiện ra phun nước quấn lấy người, về nhà mang thai 14 tháng mới sinh ra Hoàng tử, trên mình mang tướng lạ, lưng có 28 vết vảy rồng và 7 hàng chấm sáng long lanh như ngọc trên ngực. Lúc đó, đất nước có giặc Trinh Vĩnh, vua cho rao cầu người tài, dù tuổi chưa được 2 tháng, Hoàng tử đã xin vua ban cho một lá cờ đào, một thớt voi. Chàng thét lên, vụt lớn cao, voi quỳ xuống đón chàng lên lưng, xông ra trận đánh tan quân giặc. Chiến thắng, chàng trở về với mẹ ở Trại Chợ rồi mắc bệnh đậu. Vua tới thăm, Hoàng tử tâu rằng mình vốn không phải là người trần, nay dẹp xong giặc, đến hạn phải đi. Nói rồi biến thành con giao long dài trăm trượng bò xuống hồ Dâm Đàm đi mất. Trời mưa to liền mấy ngày, lúc tạnh, từ trên cao rơi xuống cây cờ đào vua ban cắm trước Ngọ Môn. Vua bèn phong làm Linh Lang đại Vương, lập đền thờ ở Trại Chợ và giao cho dân làng giữ lệ cúng tế, nên từ đó trại mang tên là Thủ Lệ. 
 
Câu chuyện hầu như hoang đường này mang bóng dáng của một nhân vật sản phẩm có thật. Hoàng tử Hoằng Chân từng tham gia phá Tống, người đã hy sinh anh dũng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt vào năm 1076.
 
Đền Voi phục
 
Đền Voi Phục có dạng hình chữ “Công”, kết cấu gồm nhà tiền tế, trung đường và hậu cung. Tiền tế gồm 5 gian mái lợp ngói mũi hài cổ. Trung đường một gian chạy dọc vào phía trong nối với hậu cung. Ở đây được đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm khắc mang nghệ thuật của thế kỷ XIX. Hậu cung với năm gian, gian chính giữa ở vị trí sâu và cao nhất là tượng Linh Lang đại vương. Phía trước là hòn đá lớn có vết lõm được đặt trong hộp kính, tương truyền thần đã gối đầu trước khi hóa thành rồng. Trong đền ngoài các pho tượng còn có hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng, bát bửu cùng các đồ tế…đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trải qua những biến cố của lịch sử, chiến tranh, và nhiều lần trùng tu, nay đền không còn hình dáng cũ.
 
Trong xu hướng đô thị hoá, ở vòng ngoài công viên Thủ Lệ nhiều nhà cao tầng mọc lên, cuộc sống thật ồn ã, nhịp thời gian thật sôi động nhưng trong công viên thì đền Voi Phục với vườn cây, muông thú, mặt hồ vẫn giữ nét đẹp dân gian - dân tộc, là nơi sinh hoạt tâm linh và thư giãn của mọi người dân Thủ đô.
 
Đền Voi Phục là một trong 12 di tích lớn của đất nước được công nhận di tích lịch sử - văn hóa vào năm 1962. Lễ hội của đền được tổ chức từ ngày 9 - 12/2 âm lịch hàng năm.
 
Đền Kim Liên trấn giữ phía Nam kinh thành
 
Đền Kim Liên (hay còn gọi là đền Cao Sơn), nay thuộc phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội. Trước đây, đền thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Đền thờ thần Cao Sơn
 
Theo truyền thuyết, Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã theo mẹ lên núi. Thần có công hỗ trợ Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh, lại phù giúp Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê. Vì vậy mà đền - đình còn lưu giữ được 39 đạo sắc phong, trong đó, có 26 đạo thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-18), 13 đạo thời Nguyễn, cổ nhất là sắc phong niên hiệu Vĩnh Tộ nhị niên (1620). Còn di sản lâu năm nhất là văn bia do Đông Các đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám tế tửu, thượng thư Lê Tung soạn năm Hồng Thuận thứ hai (1510) khắc trên bia đá “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” dựng năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772) đời Lê Hiển Tông.
 
Toàn cảnh đền - đình Kim Liên
 
Tương truyền bia vốn được vua Lê Tương Dực dựng tại đền thờ Cao Sơn đại vương ở huyện Phụng Hóa (nay là vùng Nho Quan), do được thần phù trợ dẹp loạn. Đến đời Hoằng Định (1601-1619) bia tự nhiên trôi về Thăng Long, nổi lên ở bến Bồ Đề và dân phường Kim Hoa rước về đền Cao Sơn ở làng mình. Bia bằng đá xám mịn cao 2,43m; rộng 1,57m; dày 0,22m; chạm rồng và hoa mây, chữ khắc chân phương, là một trong những bia quý của Hà Nội.
 
Đền được dựng ở bên trái của đình làng Kim Liên.  Trước đền là cổng gạch với hai trụ biểu có nghê ngồi trên. Qua sân gạch rộng, hai bên có giải vũ. Tam quan và đền nằm trên một gò đất cao, từ sân gạch rộng lên nghi môn phải qua 9 bậc thềm xây bằng gạch vồ cổ. Hai bên thềm là hai sấu đá niên đại thời Lê. Trải qua bao tác động thăng trầm lịch sử, đến nay đền không còn nguyên dạng đã được dân làng trùng tu và sửa sang nhiều. Kiến trúc tổng thể của di tích ngày nay gồm Nghi môn, Đại bái và Hậu cung. 
 
Gian ngoài của hậu cung đặt hương án chạm long sơn son thếp vàng với hổ phù, tứ linh, bát bảo, long mã tranh châu. Long ngai thờ Cao Sơn kiểu “chân quỳ dạ cá”. Một long ngai khác thờ hai nữ thần phối hưởng là “Thủy Tinh đệ tam tôn nữ Đông Hồ Trưng vương mẫu” và “Huệ Minh phu nhân”. Hương án và long ngai là các di vật cổ đáng quý của đền.
 
Đền Kim Liên được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Đền được sửa sang, tu bổ lớn trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước cổng xây thêm một hồ bán nguyệt nhỏ bên giếng cũ.
 
Lễ hội đền Kim Liên mở vào ngày 16/3 Âm lịch hàng năm, sau giỗ tổ Hùng Vương. Có ba nơi rước kiệu đến tham dự hội là các làng Quỳnh Lôi, Bạch Mai và Phương Liệt. Rồi hợp thành đám rước lớn kéo lên tới đền thờ Linh Lang ở hàng Than, nơi kết nghĩa.
 
Đền Quán Thánh trấn giữ phía Bắc kinh thành
 
Đền Quán Thánh tọa lạc ở một địa thế rất đẹp trên đường Cổ Ngư xưa, nay nằm ở sát ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền có tên chữ là Trấn Vũ Quán, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long.
 
Đền Quán Thánh
 
Theo truyền thuyết, thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp nhân vật thần thoại Trung Quốc với nhân vật huyền thoại Việt Nam. Thần có nhiều công trạng với dân ta, nhất là với vùng Thăng Long. Thần đã diệt cáo chín đuôi độc ác ở hồ Tây, trừ yêu gà trắng ở núi Thất Diệu, giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, dâng sóng to trên sông Nguyệt Đức để giúp quân ta phá quân Tống xâm lược thời Lý, giết Hồ Tinh - Quy Tinh - Xà Tinh để giữ vững đê Nhị Hà, trừ quỷ cái và hổ dữ ở vùng Gia Lâm cuối đời Trần, đem lại đời sống bình yên cho dân Việt nên được tôn là phúc thần “Đế Phúc Thiên Nam”.
 
Tương truyền ngay từ khi định đô, vua Lý Thái Tổ đã phong cho thần Huyền Thiên trấn mặt Bắc của kinh thành. Quán được tu tạo vào các năm 1102 vua Lý Nhân Tông, 1474 đời vua Lê Thánh Tông. Năm Vĩnh Trị thứ hai (1677) vua Lê Hy Tông, xây lại quán Trấn Vũ với quy mô to hơn. Còn diện mạo đền cơ bản sau lần trung tu lớn vào năm Thành Thái thứ năm (1893). Cũng trong năm xây lại quán 1677, chúa Trinh Tạp đã cho đúc tượng đồng thánh Trấn Vũ với ý nghĩa đền công thần đã báo mộng, giúp chúa dẹp được họ Mạc ở xứ Đông.
 
Kiến trúc đền ngày nay bao gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Ngôi chính điện (bái đường) nơi đặt tượng Trấn Vũ có 4 lớp mái (4 hàng hiên). Chính giữa là bức hoành phi đề “Trấn Vũ Quán”. Cùng với các mảng chạm khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Bố cục không gian thoáng và hài hòa.
 
Pho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen vào năm Vĩnh Trị thứ hai (1677), đời Lê Hy Tông. Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m. Tượng có  dáng vóc to lớn, đầu xõa tóc không đội mũ, mặt vuông vức, mắt nhìn thẳng, mặc áo đạo sỹ, ngồi trên bục đá với hai bàn chân để trần. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống trên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên. Theo thuyết Ngũ hành, màu đen (huyền) tượng trưng cho phương Bắc, rắn và rùa cũng là vật chấn phương Bắc theo tập quán Á Đông.
 
Tượng Trấn Vũ - Khách đồng thờ tại đền Quán Thánh
 
Tượng Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật điêu khắc độc đáo chứng minh cho tài nghệ của các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xá thời ấy, mà tiêu biểu là ông Trùm Trọng, đã được học trò đúc thành pho tượng đồng thứ hai đặt trong bái đường.
 
Cùng đúc với tượng là quả chuông cao gần 1,5m treo ở gác Tam Quan. Quả chuông đã vào ca dao cổ Hà Nội:
 
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
 
Đền còn một chiếc khánh đồng lớn (1,1m x 1,25m) đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794) thời Tây Sơn.
 
Đền Quán Thánh đã trải qua nhiều đợt trùng tu và gần đây nhất là đợt tu bổ chào mừng Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010. Đền được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia tháng 4 - 1962.
 
Lễ hội đền Quán Thánh diễn ra vào ngày 03/ 03 Âm lịch hàng năm với nghi thức chính: Giáng bút, cầu mộng, cầu lộc, suy tôn: Đại Đế Huyền Thiên Trấn Vũ
 
Thăng Long tứ Trấn là nơi thờ cúng các vị thần linh, nơi mà con người gửi gắm hy vọng của mình. Đồng thời, đây cũng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tín ngưỡng tâm linh cùng một khối lượng lớn các hiện vật rất có giá trị. Bốn ngôi đền với những lối kiến trúc truyền thống hết sức tinh tế, độc đáo đã tạo nên một không gian thiêng liêng cổ kính cho vùng đất Thăng Long nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.
 
Trải qua các thời kỳ lịch sử đất và người Thăng Long đã chứng kiến bao thăng trầm, thịnh suy, thay đổi của đất nước nhưng “Thăng Long tứ Trấn” vẫn trường tồn cùng thời gian, trở thành niềm tự hào của Thăng Long xưa - Hà Nội nay.

Phương Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t