Cổng làng - Một nét xưa còn lại (14:24 27/05/2015)


HNP - Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của làng. Cổng làng là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê cổ truyền vùng Bắc Bộ, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, thể hiện hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam.


Ở các vùng quê xưa đồng bằng Bắc Bộ, cùng với sự phát triển của dân cư, làng được xây dựng theo một cấu trúc chặt chẽ với lũy tre và lạch nước, ao sâu bao bọc quanh làng. Người đi vào làng nhất thiết phải qua những cổng làng. Đường đi qua cổng làng phải là đường trục chính, rộng rãi, thường được lát gạch nghiêng. Dọc hai bên đường trục là các lối xóm, ngõ đổ ra theo kiểu chân rết (hay xương cá). Mỗi một cổng làng đều có những nét kiến trúc riêng làm tâm điểm trong bố cục hài hòa với không gian làng quê.

Cổng làng thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn thấy nhất. Thường thì cổng chỉ có một cửa chính nhưng ở nhiều nơi, liền với cửa chính còn có hai cửa phụ thấp và nhỏ hơn, được xây dựng trang trí hài hoà với cổng chính, tạo thành một thể kiến trúc thống nhất tựa như những ngôi tam quan của chùa, hay như những bức cửa mã ở đình làng. Ngày thường, người lạ kể cả dân làng chỉ được qua lại ở hai cửa ngách, khi làng có việc trọng đại như vua đến thăm, lễ rước quan trạng vinh quy, hội hè… cửa chính mới được mở ra. Hai bên cổng làng thường gắn đôi vế đối chữ Nho, câu đối có thể do vua ban nhưng phần lớn là những câu đối do làng lập nên.

Cũng không ít làng dựng hai cổng: cổng tiền và cổng hậu. Trong khi cổng trước mang nhiệm vụ nghênh tiếp, cổng sau hàm ý tiễn đưa. Cổng tiền: tức cổng trước thường trổ về hướng Đông Nam, hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc. Cổng tiền là Cổng chính, cổng trước của làng, thường dành cho người sống.


Cổng hậu: tức cổng sau thường trổ ra hướng Tây, hướng mặt trời lặn. Cổng hậu là cổng phụ, cổng sau của làng, thường dành cho người chết. Nghĩa là cái cổng hậu có chức năng tống tiễn những gì không xứng đáng được tồn tại trong làng.


Cổng làng có thể mang dạng cổng tam quan hay còn gọi là tam môn, tức ba lối đi: một lối chính và hai lối ngách. Lối ngách dùng hàng ngày; chỉ khi có nghi lễ mới mở lối giữa.Thông thường thì cổng chỉ làm một lối xây vòm (cuốn tò vò) hoặc vuông góc. Cổng trước xây to lớn hơn, trên trán cửa thì ghi tên làng hoặc một câu liên quan đến địa phương đó, làm như bức hoành phi.


Cũng như những công trình xây cất truyền thống khác, phép chọn phương hướng để xây cổng làng bị chi phối bởi học thuật phong thủy. Lý tưởng nhất thì cổng trước nhìn ra hướng Đông, cổng sau ra hướng Tây.


Vật liệu xây là gạch hoặc đá đắp thêm vữa, trên làm mái. Cầu kỳ thì làm hai tầng mái (chồng diêm) hoặc xây gác giống vọng lâu với mái cong. Nóc mái thì đắp rồng, phượng, cá hóa long, quả bầu v.v. Làng nghèo thì cổng chỉ bằng gỗ tre.

Về kiến trúc, cổng làng truyền thống là những công trình kiến trúc cổ, có sự đan xen giữa kiến trúc đình, chùa. Thông thường, cổng làng có 4 mảng kiến trúc nhưng không rời rẽ mà cấu kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa. Vòm cổng thường xây cuốn hình vòm parapol. Tuỳ theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng có quy mô bề thế khác nhau, nhưng đều phải hài hòa đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả làng. Liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu. Trên hai trụ thường đắp nổi câu đối. Liên kết với vòm cổng và trụ cổng là mặt cổng, trang trí đắp nổi những chữ đại tự là tên của làng, hoặc các cụm chữ hàm chứa ý nghĩa súc tích, thể hiện phương châm xử thế và mang cốt cách của làng.


Phần trên cùng là mái lợp. Mái cổng xưa thường lợp ngói che chắn cho cổng và che mưa cho người qua cổng. Có cổng thì ở sát rìa làng, có cổng thì ở tít đầu đường, chỗ giao với đường cái và làng. Dù to dù nhỏ, cầu kỳ hay mộc mạc, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng, phần nào thể hiện được cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân trong làng.

Là cổng, làm cái nơi ra vào, song cổng làng Việt hình như hướng "vào " nhiều hơn hướng" ra ". Cổng làng , chiếm giữ vị trí tiền tiêu, canh giữ những dị biệt trong nếp sống và trong lời ăn tiếng nói của mỗi làng. Phía sau cánh cổng làng chính là sự kết nối cộng đồng gia tộc làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hoá riêng biệt không làng nào giống với làng nào. Cổng là ranh giới ước lệ, biểu hiện quyền uy của làng xã. Có làng còn dựng cả bia với hai chữ Nho hạ mã ở bên cổng để nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những người quyền quý cũng phải xuống ngựa để tỏ ý tôn trọng lệ làng.

Cổng làng sang thế kỷ 20 dần mất địa vị nguyên thủy vì đà phát triển không gian của thôn làng và hướng mở rộng hội nhập. Xu hướng này đã phá hủy một số công trình, nhất là ở những khu vực đô thị hóa nếu không được bảo tồn. Hiện nay, có nhiều nguyên nhân khiến cổng làng cổ không còn giữ được hình dáng xưa, trong đó, có nguyên nhân do nhận thức sai về văn hoá. Hiện tượng làm mới cổng làng phổ biến ở nhiều nơi.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t