Hoàng thành Thăng Long: Di sản văn hóa thế giới tại Thủ đô Hà Nội (19:54 09/05/2019)


HNP - Di sản Văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Di sản có địa chỉ tại 19C Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, bao gồm 8 khu thăm quan chính.


1. Đoan Môn.

Đoan Môn Là một trong những cổng chính dẫn lối vào Cấm thành. Căn cứ vào vật liệu xây dựng và phong cách kiến trúc hiện còn của di tích, có thể khẳng định Đoạn Môn hiện nay được xây dựng được xây dựng vào thời Lê và được tu bổ sửa sang vào thời Nguyễn.

Di tích nằm ở hướng Nam của điện Kinh Thiên thẳng trục với Cột Cờ Hà Nội. Đoan Môn được xây dựng theo chiều ngang, cấu trúc hình chữ U. Đoan Môn được xây theo lối tường thành cổ với 5 cổng thành được dựng cuốn vòm cân xứng gần như tuyệt đối qua “trục thần đạo”, hay còn được gọi là “trục chính tâm” của Hoàng thành. Phần kiến trúc chính làm kiểu vọng lâu, với 3 cửa vòm cuốn. Kiến trúc cuốn vòm ở các cổng thành không chỉ mang lại những đường cong duyên dáng, mà còn có kết cấu chịu lực cực tốt. Vật liệu chủ yếu là gạch vồ, loại gạch phổ biến của thời Lê và đá, cuốn vòm cửa. Từ đông sang tây dài 47,5m, từ nam lên bắc đoạn giữa đo đc 13m, cánh gà hai bên đo được 26,5m, cao 6m.

Đoan Môn

Cửa giữa lớn nhất dành riêng cho nhà vua, cao 4m, rộng 2,7m. Hai bên có 4 cửa nhỏ hơn, cao 3,8m rộng 2,5m dùng để các quan, hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm mỗi khi có lệnh vời hoặc tham dự các nghi lễ lớn tại điện Kinh Thiên do Hoàng đế tiến hành. Dưới cùng của Tấm biển đá khắc hai chữ Đoan Môn, gắn phía trên cửa chính dài 1,5m rộng 0,7m. Hai bên có những bậc gạch nhỏ dẫn lên tầng hai. Tầng này có diện tích tương ứng với cửa chính giữa. Do bị cải tạo làm cơ sở làm việc cho quân đội nên kiến trúc cũ chưa thể khảo cứu được. Trên nóc tầng hai xây một phương đình nhỏ kiểu hai tầng tám mái. Mái lợp ngói ta, hai đầu nóc đắp hai con rồng (đầu kìm), hai hồi đắp hình hổ phù; 4 góc mái trên tạo thành đao cong.

Bên trong Hầm chỉ huy tác chiến

2. Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu
Hầm chỉ huy tác chiến Bộ Tổng tham mưu được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1965, kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bê tông nguyên khối với khối lượng khoảng 1.000m3; nóc dày 1,4m; tường dày 40cm.

Tại đây, đã diễn ra nhiều cuộc họp do các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước chủ trì và đưa ra những quyết định quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. Và trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, căn hầm là nơi ghi dấu cuộc đấu trí cam go giữa cơ quan tham mưu chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam với không lực Hoa Kỳ.

Với diện tích 65m2, căn hầm chia làm 2 phòng: Phòng giao ban tác chiến và phòng trực ban tác chiến.

Khu vực Điện Kính Thiên

3. Nền điện Kính Thiên
Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 thời Lê, trên nền Điện Càn Nguyên thời Lý, Điện Thiên An thời Lý - Trần.

Đến thời Nguyễn, Vua Gia Long cho xây dựng một tòa thành mới theo kiểu Vauban, Điện Kính Thiên thời Lê vẫn là trung tâm của khu Hành cung thời Nguyễn, mặc dù quy mô đã thu hẹp hơn trước. Năm 1841, nhà Nguyễn đổi tên là Điện Long Thiên. Năm 1886, người Pháp đã phá tòa Điện này để xây dựng Sở chỉ huy pháo binh quân đội Pháp. Hiện nay, chỉ còn nền cũ và hai bậc thềm Rồng đá.

Thêm Rồng phía trước Điện Kính Thiên được tạo tác năm 1467 thời vua Lê Thánh Tông, từ Đông sang Tây dài 13m, tạo thành 3 lối lên xuống. Lối chính giữa giành cho Vua đi, hai bên dành cho quần thần. Đôi Rồng ở giữa được tạo tác theo phong cách tả thực, bằng đá nguyên khối. Rồng dài 5,3m; chân có 5 móng tượng trưng cho vương quyền. Hai bên là Rồng cách điệu vân mây, biểu tượng cho vũ trụ và trời đất.

Thềm Rồng phía sau được tạo tác khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Thân Rồng dài 3,4m; chân có 5 móng như thềm Rồng phía trước. Hai bên thành bậc trang trí hoa sen, uyên ương, sóng nước, mây lửa, đao mác, cá hóa rồng rất trau chuốt, tinh xảo. Đây là những di vật vô cùng quý giá, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa dân tộc Việt Nam.

 

Khu Nhà và hầm Quân ủy Trung ương (D67)

4. Nhà và hầm Quân ủy Trung ương (D67)
Đây là trung tâm đầu não chỉ huy của Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1967-1975. Công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1967, trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và trở thành nơi họp bàn tối cao, đưa ra các quyết sách quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, từ cuối năm 1974-1975, tại đây, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã hạ quyết tâm mở các chiến dịch như đường 14 - Phước Long, giải phóng một tỉnh lớn đầu tiên của Nam Bộ, đến tổng tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nhà D67 rất khiêm tốn về quy mô và giản dị trong kiểu cách xây dựng. Các bức tường dầy tới 0,6m và hoàn toàn cách âm. Có 2 lớp cửa ra vào, cánh cửa bên ngoài được bọc thép dày 1cm.

Phòng họp tại D67

Khu Nhà và hầm D67 bao gồm Phòng họp có diện tích 76m2 với 4 cửa đối xứng là nơi diễn ra hàng trăm cuộc họp, đưa ra quyết sách quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở phía Đông của căn nhà với diện tích 35m2 được Đại tướng làm việc từ cuối năm 1968 đến 1980 với cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phòng Đại tướng Văn Tiến Dũng nằm ở phía Tây căn nhà với diện tích 35m2 được Đại tướng làm việc từ tháng 8/1968-1992, tại nơi đây, ông đã ký nhiều chỉ thị, quyết định quan trọng, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Phòng nghỉ giải lao nằm giữa phòng họp và phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đây là nơi nghỉ ngơi sau những giờ phút căng thẳng giữa các cuộc họp.

Hầm D67 là địa điểm bí mật tuyệt đối nằm sâu 9m với hai lớp của là thép nguyên tấm có trang bị gioăng cao su để ngăn nước và khí độc, tường dày 0,47m bằng bê tông cốt thép mác cao. Đây chính là nơi diễn ra những cuộc họp vào những thời điểm ác liệt khi máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Hầm D67 có phòng họp, phòng trực ban tác chiến cùng trang thiết bị kỹ thuật liên lạc, hệ thống thông hơi lọc độc.

Hậu Lâu

5. Hậu Lâu
Hậu Lâu còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công chúa, Pagode des Dames, hay tòa Hậu Điện. Công trình này được xây dựng vào thời Nguyễn (1821), là nơi nghỉ ngơi của các cung tần mỹ nữ trong đoàn tùy tùng của nhà vua khi tuần du từ Huế ra Bắc thành, nhưng đã bị phá hủy vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Phần kiến trúc hiện còn là do người Pháp xây dựng lại.

Kiến trúc Hậu Lâu hiện nay là một tòa nhà 3 tầng. Tầng dưới được xây hình hộp, có 2 cửa vòm ra vào ở hai bên. Tầng thứ hai có 3 gian, gian giữa cao hơn 2 gian bên một chút. Gian giữa có một cửa sổ vòm nằm giữa 2 khung cửa hình chữ nhật, các cột trụ nằm giữa các cửa. Hai gian bên bị bịt kín mặt bắc và mặt nam, chỉ có cửa sổ vòm phía đông và phía tây. Tầng trên đỉnh là một nhà phương đình có các cửa sổ vòm và chữ nhật. Các lớp mái lầu lợp ngói ống, các mái đao trang trí đầu rồng.

6. Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Khu khai quật khảo cổ học này thuộc địa chỉ 18 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, được Viện khảo cổ học phân tích làm 4 khu, đặt tên là A, B, C, D. Khu A nằm giáp đường Hoàng Diệu, đây là khu vực đã phát hiện được nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng, tiêu biểu như dấu tích “kiến trúc nhiều gian” thuộc niên đại thời Lý-Trần, xuất lộ trong khu vực có chiều dài khoảng hơn 70m, rộng 18m thể hiện rất rõ qua hệ thống 40 móng trụ sỏi kê chân tảng cột, phân bố thành 10 hàng, mỗi hang 4 trụ với 9 gian nhà.

Khu B nằm tiếp giáp và song song với khu A. Khu vực này đã tìm thấy rất nhiều dấu tích nền móng kiến trúc thời Lý-Trần có kích thước lớn với kết cấu nhiều gian, có kĩ thuật xây dựng và gia cố tương tự như khu A. Phía Bắc khu vực này, tại hố B16 tìm thấy một phần mặt bằng của một đơn nguyên kiến trúc thời Trần với những chân tảng đá hoa sen kê chân cột có kích thước lớn (đường kính cột khoảng 52cm).

Khu C nằm cạnh khu B, liền kề với khuôn viên của Hội trường Ba Đình. Khu vực này mới khai quật với 5 hố đào. Tuy mới khai quật ở diện tích nhỏ và chưa khai quật xong nhưng tại hố thám sát C3 đã tìm thấy dấu vết kiến trúc thời Lý với các hệ thống móng trụ kê cột lớn hình vuông được gia cố bằng sỏi, gạch và hệ thống cọc, cột kè bằng gỗ.

Khu D nằm ở vị trí Trung tâm Thể thao Ba Đình, cạnh đường Độc Lập và ở bên cạnh khuôn viên Hội trường Ba Đình. Khu vực này đã khai quật 7 hố. Tại khu vực hố D4-D6 có các nền móng kiến trúc của nhiều thời kì nằm xếp lên nhau tương tự như ở khu B. Trong đó, có một mặt bằng của kiến trúc thời Lý-Trần được nhận biết rất rõ ràng qua hệ thống các hang trụ sỏi kê chân cột, xuất lộ trong diện tích gần 450m2 với 7 gian nhà.

Trưng bày khảo cổ trong Khu Hoàng thành Thăng Long

7. Bắc Môn
Bắc Môn (Cửa Bắc) được nhà Nguyễn xây dựng năm 1805 trên nền Cửa Bắc thời Lê theo lối vọng lâu - phần lầu ở trên còn phần thành ở dưới, cao 8,71m, rộng 17,08m, tường dày 2,48m. Phần lầu được dựng bằng khung gỗ theo lối chồng diêm tám mái, lợp ngói ta, trổ cửa ra bốn hướng. Phần thành được xây dựng hết sức kiên cố bằng đá và gạch, chân kè bằng đá, cổng thành cũng được cuốn vòm bằng gạch theo lối xếp một viên gạch ngang xen một viên đặt dọc. Gạch xây thành có kích thước 35,5cm x 10cm x 12cm. Đá kê có kích thước dài từ 38 đến 86cm. Mép cửa kè đá hình chữ nhật, diềm trên bằng đá trang trí hoa sen. Hai cánh cổng thành bằng gỗ đã được trùng tu có tổng diện tích 24m2, trọng lượng khoảng 16 tấn, chạy trên bánh xe bằng đồng trọng lượng khoảng 80kg. Phía ngoài bên trên cổng thành còn ba chữ Hán khắc đá: “Chính Bắc Môn”, diềm biển trang trí hoa dây.

Hiện nay, lầu trên cổng thành mới được phục dựng một phần và được dành làm nơi thờ hai vị quan Tổng đốc thành Hà Nội - Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.

Cột cờ Hà Nội

8. Kỳ đài (Cột cờ Hà Nội)
Kỳ đài còn gọi là Cột cờ Hà Nội, được khởi dựng cùng với việc xây thành Hà Nội vào đầu thời Nguyễn (1805-1812), xây trên nền cũ của Tam Môn, cổng phía ngoài Cấm thành thời Lê. Cột cờ Hà Nội nay là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.

Kỳ Đài gồm 3 tầng đế và một thân cột, cao 33,4m. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Tầng một mỗi chiều dài 42,5m; cao 3,1m có hai thang gạch dẫn lên. Tầng hai, mỗi chiều dài 27m; cao 3,7m có 4 cửa, cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ “Nghênh Húc” (đón ánh sáng ban mai), cửa Tây với hai chữ “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với hai chữ “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng), cửa Bắc không có chữ đề.

Tầng ba, mỗi chiều dài 12,8m; cao 5,1m có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Cột Cờ, cao 18,2m; hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng (và thông hơi) bằng 39 lỗ hình dẻ quạt. Đỉnh Cột Cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng với tám cạnh. Giữa lầu là một hình trụ tròn, đường kính 40cm cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cán cờ cao 8m).

Ngày 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội” và được công nhận là Di tích lịch sử năm 1989.


Thanh Tình


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t