Đền Bạch Mã - “Trấn Đông” kinh thành Thăng Long xưa (13:27 28/06/2018)


HNP - Đền Bạch Mã là ngôi đền cổ, có từ thế kỷ thứ IX khi nước ta đang bị nhà Đường phương Bắc đô hộ (792 - 906), đền được xây dựng trên đất phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Nay là số 76 - 78, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đền Bạch Mã xưa


Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long, trấn giữ phía Đông (thành hoàng Hà Nội), là vị thần được người dân Thăng Long xưa và Hà Nội nay tôn kính.
 
Huyền thoại lịch sử
 
Theo sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên thì vào thời Đường: Thần núi Long Đỗ (rốn rồng) còn gọi là núi Nùng, nơi tích tụ linh khí đất trời vùng ngã ba sông này, rất linh thiêng. Viên quan cai trị Cao Biền sai quân đắp La Thành, bỗng thấy trời sập tối, gió mù cát bay, xuất hiện con rồng đỏ bay lượn trong đám mây ngũ sắc. Cao Biền sợ hãi định dùng búa đồng yểm. Đêm đó, Cao Biền mơ thấy một người quắc thước gọi bảo: “Ta là thần Long Đỗ cai quản đất này, ngươi ở xa tới sao dám xây thành lại còn toan yểm đất?”. Tỉnh dậy, Cao Biền lo ngại nhưng vẫn sai quân lính chôn đồng, sắt vào các long mạch để trấn. Tới đêm giông bão mưa lớn, sấm sét nổi lên đánh bật tung các hố chôn kim loại. Cao Biền biết là gặp thần địa tối linh bèn lập đền thờ cầu xin thần phù trợ.
 
Hoàng Giáp Trần Bá Lãm (1757 - 1815) vịnh đền Bạch Mã:
 
Mạch dẫn bàn long truyền thắng địa
Tích lưu Bạch Mã trấn danh châu
Cao vương vãng sự câu thần thổ
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
 
                                                                                                         Tạm dịch:
 
Đất đẹp rồng linh dồn chuyển mạch
Tích xưa ngựa trắng trấn danh đô
Cao Biền chuyện cũ lo thần thổ
Vật đổi sao dời biết mấy thu.
                                                                                                 (La Thành cổ tích vịnh)
 
Còn theo tương truyền thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, cho mở rộng và đắp cao thành lũy, nhưng trầy trật mãi không xong, cứ xây thành đến đâu thì sụt lở đến đó. Nhà vua cử đại quan đến khẩn cầu tại đền, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi một vòng từ Đông sang Tây để lại dấu chân rồi quay về đền biến mất. Vua Lý cho quân sĩ cứ theo vết chân ngựa mà đắp xong thành. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua cho sửa sang lại đền thờ, phong sắc cho thần Long Đỗ là “Quốc đô Thăng Long đại vương, Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần” giao trấn giữ phía Đông Kinh thành.
 
Tượng Bạch Mã trong đền
 
Theo GS. Trần Quốc Vượng thì ngựa trắng là biểu tượng thần thoại của mặt trời. Đền Bạch Mã trấn cửa Đông kinh thành Thăng Long. Ngựa trắng từ đền ra, đi một vòng từ Đông sang Tây rồi lại quay về đền. Đó là biểu tượng sự vận động biểu kiến diễn ra hàng ngày của mặt trời, mặt trời mọc đằng Đông, lặn ở đằng Tây rồi lại quay về Đông (trong câu chuyện Cổ Loa, rùa vàng cũng hiện ra ở cửa Đông kinh thành). Phía Đông là đền Bạch Mã, phía Tây là đền Voi Phục, phía Bắc là Đền Trấn Võ, phía Nam là đền Cao Sơn. Đó chính là “Thăng Long tứ trấn” trong quan niệm cổ truyền.
 
Công trình kiến trúc độc đáo - Trường tồn với thời gian
 
Đền Bạch Mã có khuôn viên khá rộng với diện tích hơn 500m2, đền được tôn tạo sửa chữa nhiều lần, cuối thế kỷ XVII được nâng cao nền và mở rộng, năm 1781, chúa Trịnh Sâm trùng tu thêm tráng lệ lại cho ba giáp quanh đền là Bắc Thượng, Bắc Hạ, Mật Thái của phường Hà Khẩu làm “tạo lệ” trông nom thờ cúng, được miễn sưu sai tạp dịch. Năm 1839, xây văn chỉ ở bên trái, dựng phương đình để làm nơi cúng lễ.
 
Kiến trúc còn lại ngày nay của đền Bạch Mã là dấu ấn đặc trưng theo lối kiến trúc của nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX. Đền được xây theo hình chữ “Tam”, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam bảo và có hơn 13 hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã. Nét đặc sắc của công trình kiến trúc này chính là mái vòm hình “mai cua” thứ nhất liên kết giữa phương đình và đại bái của ngôi đền. Rồi, nối đại bái với thiêu hương, lại một “mai cua” thứ hai nữa. Những chiếc “mai cua” này, ngoài hình thù độc đáo, còn có tác dụng khép kín các đơn nguyên kiến trúc, liên kết chúng lại dưới một hình thức đặc biệt che đỡ toàn bộ bên trên, tạo không gian thoáng đãng cho tổng thể kiến trúc. Đồng thời, tạo cho ngôi đền Bạch Mã trở thành một công trình nghệ thuật kiến trúc hiếm thấy giữa các kiến trúc tín ngưỡng cùng niên đại, trên vùng đồng bằng Bắc Bộ.
 
Đền Bạch Mã ngày nay tại số 76 - 78, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
 
Đền quay mặt về phía Đông Nam. Trong đền có bức hoành phi ghi 4 chữ “Đông trấn chính từ” (đền chính trấn giữ phía Đông) và nhiều đồ tế tự tinh xảo, có bộ bát bảo sơn son thiếp vàng, đôi hạc cao, hai tượng phỗng đá đứng sinh động và quý nhất là tượng thần ngựa trắng bằng đồng. Đền còn lưu giữ 15 bia đá, văn bia nói về sự tích thần Long Đỗ, các nghi thức cúng tế, các lần trùng tu tôn tạo cùng nhiều sắc phong của các triều vua. 
 
Tương truyền vào thời Trần, quân Nguyên sang xâm lược nước ta, ba lần đốt phá Thăng Long, cả ba lần lửa không bén được tới đền. Lúc “phụng giá hoàn kinh sư”, thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải đề đôi câu thơ ở đền:
 
Hỏa bốc tam khu thiêu bất tận
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh
 
                                                                                       Tạm dịch:
 
Ba lần lửa bốc không cháy
Một phen gió bụi chẳng siêu.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bom B52 rải thảm ở miền Bắc, mọi thứ xung quanh đền bị tàn phá, riêng ngôi đền vẫn còn đó. Hiện, ngôi đền vẫn giữ nguyên kiến trúc nhưng được sắp xếp lại theo cấu trúc Tam nguyên đồng hóa - tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu. Đền Bạch Mã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, ngày 12/12/1986. 
 
Lễ hội đền Bạch Mã
 
Hàng năm, để tưởng nhớ thần Long Đỗ, cứ đến ngày 12 và 13/2 Âm lịch, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ hội đền Bạch Mã với những nghi thức tế lễ cùng một số hoạt động văn hóa khác như: Hát ca trù, hát chèo, ngâm thơ, múa kiếm, múa đao… Đặc biệt, năm 2009, lễ hội được tổ chức theo đề án "Nghiên cứu tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm".
 
Ngày 12/02: (Chính hội)
 
Từ sáng sớm, đội rước kiệu khởi hành từ đền Mã Mây đi qua các tuyến phố lớn để về đền Bạch Mã. Đi đầu là đội múa rồng, sư tử; tiếp đến là đội cờ, trống chiêng, sinh tiền, đánh bồng, bát âm; đội kiệu lễ vật và đội kiệu bát cống đền Bạch Mã với đầy đủ tàn, tán, lọng; đội tế nam quan; dâng hương nữ. Trong đoàn rước còn có mục đồng và mô hình trâu với kích thước bằng trâu thật để làm lễ tiến Xuân Ngưu.
 
Các nghi thức tại lễ hội đền Bạch Mã
 
Lễ hội được khai mạc bằng lễ cáo thỉnh do cụ Từ (người trông đền) thực hiện. Tiếp theo, đội tế Nam đền Bạch Mã làm lễ tế Thánh. Sau lễ tế, mô hình trâu sẽ được rước từ đền đến bờ sông Hồng để làm lễ “hóa” tiến Xuân Ngưu, một nghi thức quan trọng của hội đền Bạch Mã. Đến chiều, đội tế nữ của đền Bạch Mã dâng hương lễ Thánh. Sau đó, nhân dân cùng du khách thập phương vào lễ Thánh.
 
Ngày 13/02:
 
Buổi sáng, các cụ ông trong trang phục truyền thống của đội tế Nam đền Bạch Mã làm lễ tế Thánh. Buổi chiều, các đội tế Nam và dâng hương nữ của các làng lân cận vào lễ Thánh. Kết thúc là lễ tế giã hội của đội tế Nam đền Bạch Mã.
 
Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các chương trình vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật dân tộc như: Chầu văn, ca trù, chèo, quan họ; trình diễn võ thuật phục vụ nhân dân tại sân khấu ngoài trời và trong phương đình đền Bạch Mã.

Phương Anh


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t