Thăng Long - Hà Nội: Hành trình nghìn năm đổi thay, phát triển (16:18 31/05/2018)


HNP - Kinh thành Thăng Long xưa - Thủ đô Hà Nội nay là mảnh đất thiêng ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, kể từ khi vua Lý Thái Tổ chọn khu đất Đại La bên cửa sông Tô Lịch làm nơi định đô cho muôn đời, nơi đây, đã có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, đặc biệt đổi thay về địa danh, địa giới, tổ chức hành chính.

Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Thủ đô


Thời kỳ Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh
 
Theo sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Nội: Mùa Thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, đổi tên là thành Thăng Long, xây dựng Hoàng thành.
 
Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ 
 
Năm Thiên Thành thứ 2 (1029) đắp một lớp thành đất bao bọc xung quanh gọi là Phương Thành. Trong thành được chia ra 61 phường.
 
Năm Kiến Trung thứ 7 (1230) đời Trần Thái Tông, định lại các phường, chia ra Tả, Hữu; gọi Hoàng Thành là Long Phượng Thành, đặt Ty Bình Bạc để cai quản.
 
Năm Thiệu Long thứ 8 (1265) đời Trần Thánh Tông đổi Ty Bình Bạc thành Đại An phủ sứ.
 
Năm Canh Thìn (1400) Hồ Quý Ly lên ngôi đặt tên nước là Đại Ngu, xây dựng Tây Đô nên đổi Thăng Long thành Đông Đô.
 
Năm Giáp Ngọ (1414) quân Minh chiếm thành Đông Đô đổi tên thành Đông Quan.
 
Năm Mậu Thân (1428) Thuận Thiên thứ nhất, Lê Thái Tổ đăng quang, đặt tên nước là Đại Việt, Kinh thành gọi là Đông Đô.
 
Năm Thuật Thiên thứ 3 (1430) Lê Thái Tổ đổi tên Đông Đô thành Đông Kinh, dồn 61 phường thành 36 phường nằm trong hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức, đứng đầu về hành chính ở Kinh thành là quan Phủ Doãn.
 
Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), đời Lê Thánh Tông đặt Kinh thành nằm trong phủ Trung Đô, gồm hai huyện Vĩnh Xương (18 phường) và Quảng Đức (18 phường).
 
Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), đời Lê Thánh Tông, đổi tên phủ Trung Đô thành phủ Phục Thiên.
 
Năm Quảng Trung thứ 2 (1789) Nguyễn Huệ sau khi lên ngôi vua, đánh thắng quân Thanh, giải phóng Kinh thành, định đô ở Phú Xuân nên Đông Kinh trở thành thủ phủ của tổng trấn Bắc Thành.
 
Thời nhà Nguyễn và Pháp thuộc
 
Năm Gia Long thứ 4 (1805) Nguyễn Thế Tổ sau khi lập đô ở Phú Xuân, cho đổi tên Thăng Long (Rồng lên) thành Thăng Long (Thịnh vượng), phá bỏ Hoàng thành cũ, xây trấn thành theo kiểu Vô - băng (vauban) của Pháp. Đổi phủ Phục Thiên ra phủ Hoài Đức, huyện Vĩnh Xương ra Thọ Xương, Quảng Đức ra Vĩnh Thuận.
 
Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc Sơn thuộc hồ Hoàn Kiếm, được xây dựng khoảng vào thế kỷ 19
 
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) Nguyễn Thành Tổ bãi bỏ Bắc Thành, cải cách hành chính đặt ra tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ (15 huyện, 127 tổng, 1.104 xã, thôn, phường). Trong đó:
 
- Phủ Hoài Đức có 3 huyện: Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm.
- Phủ Thường Tín có 3 huyện: Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên.
- Phủ Ứng Hòa có 4 huyện: Sơn Minh, Hoài An, Chương Đức, Thanh Oai.
- Phủ Lý Nhân có 5 huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục, Nam Xương.
Như vậy, tỉnh Hà Nội bao gồm toàn bộ nội thành, huyện Từ Liêm và 2 tỉnh Hà Đông (cũ) và tỉnh Hà Nam.
 
Năm Tự Đức thứ 26, ngày 20/12/1873, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương tử tiết.
 
Năm Tự Đức thứ 28, ngày 31/8/1875, khu vực Đồn Thủy của Hà Nội phải nhượng cho Pháp đóng quân và xây sứ quán.
 
Năm Tự Đức thứ 36, ngày 24/4/1882, Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ 2, Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) là Hoàng Diệu tuẫn tiết.
 
Năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) gộp bộ máy chính quyền Hà Nội - Hưng Yên làm một, do Tổng đốc Hà - An kiêm nhiệm.
 
Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), tỉnh Hà Nội chỉ còn 14 huyện, trong đó, phủ Ứng Hòa bớt đi 2 huyện Hoài An và Chương Đức, phủ Hoài Đức thêm huyện Đan Phượng. Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp ra sức lệnh thành lập thành phố Hà Nội (thành phố cấp I), đứng đầu cơ quan hành chính là Đốc lý do Thống sứ Bắc Kỳ đề cử, Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm.
 
Ngày 01/10/1888, vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng hẳn cho Pháp quyền sở hữu hoàn toàn thành phố Hà Nội.
 
Năm 1889, thành lập “Khu vực ngoại thành Hà Nội” gồm phần đất còn lại của 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, một số xã, thôn thuộc 2 huyện Từ Liêm và Thanh Trì.
 
Năm 1901, lúc này tỉnh Hà Nội không còn cấp phủ, chỉ còn các huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín), Thanh Trì, Phú Xuyên, Từ Liêm, Thanh Oai, Sơn Lãng (trước là huyện Sơn Minh, nay là huyện Ứng Hòa), Kim Bảng, Duy Tiên, Đan Phượng.
 
Ngày 3/5/1902, tỉnh lỵ Hà Nội chuyển về xứ Cầu Đơ, gọi là tỉnh Cầu Đơ, sau đổi tên thành tỉnh Hà Đông (1904).
 
Năm 1914, Pháp chia nội thành Hà Nội làm 8 hộ (quartier) - đổi tên “Khu vực ngoại thành Hà Nội” thành huyện Hoàn Long, trực thuộc tỉnh Hà Đông.
 
Giai đoạn chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ
 
Năm 1942, đổi tên huyện Hoàn Long thành “Đại lý đặc biệt Hà Nội” thuộc thành phố gồm huyện Hoàn Long cũ và 22 xã thuộc phủ Hoài Đức (cũ), trụ sở đặt tại ấp Thái Hà, Hà Nội lúc này có 8 hộ nội thành và “Đại lý đặc biệt Hà Nội” là ngoại thành có 9 tổng và 60 xã. Diện tích 130km2, dân số 30 vạn.
 
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Hà Nội. Ngày 02/9/1945, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Thủ đô: Hà Nội. Ngày 22/11/1945, Sắc luật quy định thành phố Hà Nội gồm 5 khu phố nội thành và 120 xã ngoại thành.
 
Ngày 21/12/1945, Hà Nội chia làm 17 khu phố nội thành gồm: Trúc Bạch, Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàn Kiếm, Văn Miếu, Quán Sứ, Bạch Mai, Đại Học, Chợ Hôm, Thăng Long, Đông Thành, Lò Đúc, Hồng Hà, Long Biên, Đồng Nhân, Vạn Thái, Đống Mác, và 5 khu hành chính ngoại thành: Lãng Bạc, Đống Đa, Mê Linh, Đại La, Đề Thám.
 
Tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", tưởng nhớ những ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội mùa Đông năm 1946
 
Tháng 11/1946, cả nước chia làm 12 khu hành chính, Hà Nội là khu XI đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Nội thành chia làm 3 liên khu: Liên khu I ở giữa và phía Đông Bắc thành phố, liên khu II ở phía Nam, liên khu III ở phía Tây.
 
Tháng 3/1948, Pháp tạm chiếm Hà Nội, chia nội thành làm 16 khu phố, ngoại thành là đại lý Hoàn Long gồm 15 quận, 136 làng. Tháng 5/1948, Hà Nội sáp nhập với Hà Đông thành liên tỉnh Lưỡng Hà. Hà Nội chia làm 2 huyện: Trấn Tây và Trấn Nam.
 
Ngày 15/5/1949, đổi tên 2 huyện Trấn Tây và Trấn Nam thành 2 liên khu phố I, II. Ngày 13/6/1949, đổi tên 2 liên khu phố nội thành thành quận 1, 2; chia ngoại thành làm 3 quận 4,5,6. Đến tháng 11/1949, sáp nhập 3 quận 4,5,6 thành quận ngoại thành, gồm 34 liên xã; 2 quận nội thành gồm 17 khu phố.
 
Ngày 10/10/1954, quân đội ta vào tiếp quản thành phố Hà Nội, Thủ đô hoàn toàn giải phóng khỏi ách tạm chiếm.
 
Ngày 24/11/1957, bầu cử HĐND thành phố khóa I. Các đơn vị hành chính của Hà Nội như sau: Nội thành 4 quận gồm 34 khu phố: Quận 1 gồm 9 khu phố (từ 17 đến 25); quận 2: 9 khu phố (từ 9 đến 16 và khu phố 34); quận 3: 8 khu phố (từ 1 đến 8); quận 4: 8 khu phố (từ 26 đến 33).
 
Ngoại thành 4 quận gồm 46 xã và phố: Quận 5 gồm 13 xã (Tàm Xá, Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng An, Tân Lập, Phú Thượng, Đức Thắng, Thụy Phương, Xuân Đỉnh, Xuân La ,Cổ Nhuế, Đông Thái, Thái Đô); quận 6: 12 xã (Mai Dịch, Hòa Bình, Yên Hòa, Dịch Vọng, Ngọc Hà, Phúc Lệ, Thống Nhất, Trung Thành, Thái Thịnh, Mễ Trì, Nhân Chính, Trung Hòa); quận 7: 14 xã (Yên Sở, Trần Phú, Lĩnh Nam, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thanh Lương (trên sông), Đoàn Kết, Hoàng Văn Thụ, Quỳnh Mai, Thanh Hương, Đại Kim, Định Công, Tam Khương, Phương Liên); quận 8: 6 xã và 1 phố (phố Gia Lâm, xã Hồng Tiến, Long Biên, Thượng Thanh, Tiến Bộ, Ngọc Thụy, Việt Hưng).
 
Tháng 3/1958, bỏ 4 quận nội thành, thay thế bằng 12 khu phố: Hoàn Kiếm, Hàng Cỏ, Hai Bà Trưng (quận 1); Hà Đông, Cửa Đông, Hàng Đào (quận 2); Trúc Bạch, Văn Miếu, Ba Đình (quận 3); Bạch Mai, Bảy Mẫu, Ô Chợ Dừa (quận 4).
 
Năm 1959, nội thành chia làm 8 khu phố: Trúc Bạch, Ba Đình, Đồng Xuân, Hàng Cỏ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Bạch Mai. Ngoại thành gồm 4 quận, 43 xã.
 
Ngày 01/3/1960, tổng điều tra dân số lần thứ nhất, dân số Hà Nội có 643.576 người. 
 
Ngày 20/4/1961, Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ 2 phê chuẩn Nghị quyết của Chính phủ về mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội (lần thứ nhất), sáp nhập vào Hà Nội: 
 
- 18 xã, 6 thôn, 1 thị trấn của Hà Đông gồm: Các xã Tân Dân, Tân Tiến, Trung Kiên, Minh Khai, Trần Phú (huyện Đan Phượng); Hữu Hưng, Cương Kiên, Xuân Phương, 2 thôn Tu Hoàng, Miêu Nha (huyện Hoài Đức); thôn Ngọc Trục (thị xã Hà Đông); các xã: Thanh Liệt, Hoàng Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Yên Mỹ, Duyên Hà, Đại Hưng, Đông Mỹ, Vạn Phúc, các thôn Lưu Phái, Triều Khúc, Yên Xá và thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì).
 
- 30 xã của tỉnh Bắc Ninh gồm: Các xã Liên Hà, Vân Hà, Dục Tú, Quang Trung, Đông Hội, Mai Lâm, Tiền Phong, Đình Xuyên, Dương Hà, Ninh Hiệp, Yên Viên (huyện Từ Sơn); các xã Phù Đổng, Trung Hưng (huyện Tiên Du); các xã Đức Thắng, Chiến Thắng (huyện Thuận Thành) và toàn bộ 15 xã của huyện Gia Lâm.
 
- 17 xã và nửa thôn của tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Xã Kim Chung (huyện Yên Lãng); nữa thôn Phù Lỗ Đoài (huyện Kim Anh) và toàn bộ 16 xã huyện Đông Anh.
 
- 1 xã của Hưng Yên: Xã Văn Đức (huyện Văn Giang).
 
Ngày 31/5/1961, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức hành chính của Hà Nội gồm:
 
- 4 khu phố nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 363 khối dân phố.
 
- 4 khu phố ngoại thành: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm với 101 xã, 3 thị trấn.
 
Năm 1965, sáp nhập phố Thanh Am thuộc xã Thượng Thanh vào thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm.
 
Ngày 01/4/1974, tổng điều tra dân số lần thứ 2, Hà Nội có số dân 1.378.335 người, nội thành có 736.211 người, ngoại thành có 642.124 người.
 
Ngày 21/12/1374, bỏ khối dân phố, thành lập các tiểu khu ở nội thành: Khu phố Hoàn Kiếm có 46 tiểu khu; khu phố Ba Đình có 34 tiểu khu; khu phố Đống Đa có 48 tiểu khu; khu phố Hai Bà Trưng có 51 tiểu khu; ngoại thành 4 huyện gồm 102 xã, 3 thị trấn.
 
Hà Nội thời kỳ xây dựng và phát triển
 
Ngày 2/7/1976, kỳ họp Quốc hội khóa VI quyết định: Đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ đô: Hà Nội. Chuyển tên cơ quan chính quyền các cấp là Ủy ban nhân dân.
 
Tháng 12/1978, sắp xếp lại tiểu khu thuộc 4 khu phố nội thành từ 179 tiểu khu còn 78 tiểu khu: Ba Đình (15), Hoàn Kiếm (18), Đống Đa (23), Hai Bà Trưng (22).
 
Ngày 29/12/1978, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 4 phê chuẩn mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội (lần thứ 2) bao gồm thêm:
 
- Huyện Sóc Sơn; 18 xã và thị trấn Phúc Yên (huyện Mê Linh) của tỉnh Vĩnh Phúc.
 
- Các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức; thị xã Sơn Tây, thị xã Hà Đông (sau chưa bàn giao).
 
- Các xã: Tiên Phương, Phục Châu (huyện Chương Mỹ) nhập vào huyện Hoài Đức; các xã Hữu Hòa và một phần của xã Phú Lãm (huyện Thanh Oai); các xã Liên Ninh, Việt Hưng, Thanh Hưng, Đại Thanh (huyện Thường Tín) vào huyện Thanh Trì; các xã: Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Cộng Hòa, Tân Hòa, Tân Phú, Đại Thành (huyện Quốc Oai) nhập vào huyện Hoài Đức và Phúc Thọ của tỉnh Hà Sơn Bình. Diện tích Hà Nội là 2.123km2; dân số: 2.462.105 người. Hà Nội chính thức điều hành từ 01/5/1979.
 
Ngày 01/10/1979, tổng điều tra dân số lần thứ 3, Hà Nội có 2.570.905 người, trong đó nội thành: 788.705 người, ngoại thành: 1.782.200 người.
 
Năm 1980, tổ chức hành chính Hà Nội gồm 4 khu phố nội thành: Ba Đình (15 tiểu khu), Hoàn Kiếm (18 tiểu khu), Đống Đa (24 tiểu khu), Hai Bà Trưng (22 tiểu khu)
- 01 thị xã Sơn Tây (3 phường, 2 xã).
 
- 11 huyện ngoại thành: Ba Vì (41 xã), Sóc Sơn (25 xã), Đông Anh (23 xã), Mê Linh (2 thị trấn, 22 xã), Thạch Thất (19 xã), Thanh Trì (22 xã, 1 Thị trấn), Đan Phượng (15 xã), Hoài Đức (27 xã), Gia Lâm (31 xã, 2 thị trấn), Từ Liêm (25 xã).
 
Ngày 10/6/1981, HĐND thành phố khóa VIII, kỳ họp thứ nhất quyết định phân cấp quản lý cho chính quyền cấp quận và phường (thay thế khu phố và tiểu khu: Quận Ba Đình (15 phường), quận Hoàn Kiếm (18 phường), quận Đống Đa (24 phường), quận Hai Bà Trưng (22 phường).
 
Ngày 2/6/1982, mở rộng thị xã Sơn Tây, thêm 7 xã: Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn, Trung Sơn Trầm, Đường Lâm, Sơn Đông, Cổ Đông của huyện Ba Vì. Do đó, thị xã Sơn Tây có 3 phường Quang Trung, Lê Lợi, Ngô Quyền và 3 xã (Trung Hưng, Tiên Sơn và 7 xã mới nhập).
 
- Huyện Phúc Thọ nhận thêm 2 xã Tích Giang và Trạch Mỹ Lộc của huyện Ba Vì. Sau khi điều chỉnh địa giới huyện Ba Vì còn 32 xã.
 
Ngày 13/7/1982, thành lập một số phường và thị trấn mới:
- Phường Kim Giang và phường Thanh Xuân Bắc thuộc quận Đống Đa.
- Phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng.
- Mở rộng phường Tân Mai (Hai Bà Trưng) thêm 1 xóm của xã Hoàng Văn Thụ (Thanh Trì).
- Thành lập các thị trấn: Sài Đồng, Đức Giang (huyện Gia Lâm), Đông Anh (huyện Đông Anh), Cầu Giấy, Cầu Diễn, Nghĩa Đô (huyện Từ Liêm).
 
Ngày 14/3/1984, thay đổi địa giới một số cơ sở: Mở rộng thị trấn Văn Điển (Thanh Trì), thêm một phần đất của các xã Tứ Hiệp, Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh. Chia phường Giáp Bát thành 2 phường: Giáp Bát và Tân Mai thuộc quận Hai Bà Trưng. Thành lập phường Sơn Lộc và phường Xuân Khanh thuộc thị xã Sơn Tây.
 
Ngày 3/3/1987, thành lập các thị trấn mới: Thị trấn (huyện lỵ) Ba Vì và thị trấn Quảng Oai (huyện Ba Vì); thị trấn (huyện lỵ) Sóc Sơn.
 
Ngày 17/9/1990, thành lập thị trấn Mai Dịch; điều chỉnh bớt diện tích thị trấn Cầu Diễn; tách xã Phú Minh thành 2 xã Phú Diễn và Minh Khai thuộc huyện Từ Liêm.
 
Ngày 26/10/1990, thành lập phường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng trên cơ sở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì.
 
Ngày 12/8/1991, Quốc Hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 quyết định điều chỉnh địa giới Thủ đô:
 
- Giao huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phúc, giao thị xã Sơn Tây và 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức về tỉnh Hà Tây. Hà Nội còn lại 4 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 5 huyện ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Sóc Sơn.
 
Ngày 17/4/1992, thành lập thị trấn Nghĩa Tân (tách ra từ thị trấn Nghĩa Đô) thuộc huyện Từ Liêm.
 
Ngày 28/10/1995, thành lập quận Tây Hồ với 8 phường: Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ (của quận Ba Đình), và các xã Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng (của huyện Từ Liêm) chuyển lên phường.
 
Ngày 22/11/1996, thành lập quận Thanh Xuân với 11 phường: Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Kim Giang, phương Liệt, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Bắc, Khương Mai, Khương Trung,  Khương Đình, Hạ Đình, Nhân Chính (tách ra từ 7 phường của quận Đống Đa, xã Nhân Chính của huyện Từ Liêm, xã Khương Đình của huyện Thanh Trì).
 
- Thành lập quận Cầu Giấy với 7 phường: Quan Hoa, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa (vốn là các thị trấn và các xã của huyện Từ Liêm). Đổi tên phường Cầu Giấy (quận Ba Đình) thành phường Ngọc Khánh. Đổi tên phường Nguyễn Trãi (quận Đống Đa) thành phường Ngã Tư Sở.
 
- Ngày 6/11/2003, thành lập quận Hoàng Mai với 14 phường: Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịch Liệt, Thanh Trì, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở, Tân Mai, Mai Đồng, Tương Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ (tách từ 5 phường của quận Hai Bà Trưng và 9 xã lên phường của huyện Thanh Trì).
 
- Thành lập quận Long Biên với 14 phường: Bồ Đề, Cự Khối, Đức Giang, Gia Thụy, Giang Biên, Long Biên, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy, Phúc Đồng, Phúc Lợi, Sài Đồng, Thạch Bàn, Thượng Thanh, Việt Hưng (vốn là phần đất phía Tây huyện Gia Lâm với 3 thị trấn và 10 xã lập ra phường).
 
- Ngày 30/4/2004, thành lập thêm 2 phường Liễu Giai và Vĩnh Phúc thuộc quận Ba Đình.
 
- Thành lập thêm phường Dịch Vọng Hậu thuộc quận Cầu Giấy.
 
- Thành lập thị trấn Trâu Quỳ thuộc huyện Gia Lâm.
 
Năm 2005, Thủ đô Hà Nội có 9 quận nội thành, gồm 128 phường. Trong đó, Quận Ba Đình (14 phường), Cầu Giấy (8 phường), Đống Đa (21 phường), Hai Bà Trưng (20 phường), Hoàn Kiếm (18 phường), Hoàng Mai (14 phường), Long Biên (14 phường), Tây Hồ (8 phường), Thanh Xuân (11 phường). Ngoại thành có 5 huyện, gồm 6 thị trấn, 98 xã: huyện Đông Anh (1 thị trấn, 23 xã), Gia Lâm (2 thị trấn, 20 xã), Sóc Sơn (1 thị trấn, 25 xã), Thanh Trì (1 thị trấn, 15 xã), Từ Liêm (1 thị trấn, 15 xã). Diện tích toàn thành phố là 921,92km2; dân số 3.331.957 người.
 
Hà Nội thành phố hội nhập và phát triển
 
Ngày 29/5/2008, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội bao gồm cả diện tích, dân số của tỉnh Hà Tây: 2 thành phố trực thuộc tỉnh là Hà Đông, Sơn Tây và 12 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai; huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình. Toàn thành phố sau khi mở rộng địa giới từ ngày 01/8/2008 có 2 thành phố: Hà Đông, Sơn Tây; 9 quận và 18 huyện. Diện tích tự nhiên 334.470,02ha; dân số 6.232.940 người.
 
Ngày 8/5/2009, Chính phủ ra Nghị quyết thành lập quận Hà Đông (thay thế thành phố Hà Đông) và chuyển thành phố Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây.
 
Ngày 27/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 132/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 02 quận (Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm) và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội.
 
- Quận Bắc Từ Liêm gồm 13 phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đông Ngạc, Đức Thắng, Liên Mạc, Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, Tây Tựu, Thượng Cát, Thụy Phương, Xuân Đỉnh, Xuân Tảo. Diện tích: 43,35km2; Dân số: 320.414 người.
 
- Quận Nam Từ Liêm gồm 10 phường: Cầu Diễn, Đại Mỗ, Mễ Trì, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Phú Đô, Tây Mỗ, Phương Canh, Trung Văn, Xuân Phương. Diện tích 32,27km2, dân số là 232.894 người.
 
Sau những thay đổi về địa giới và hành chính năm 2008, tính đến nay tròn 10 năm, Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện gồm: 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã. Trong đó, gồm 177 phường, 386 xã và 21 thị trấn.
 
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn với vận mệnh của đất nước và dân tộc, Thăng Long - Hà Nội luôn là “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”. Cùng với những giá trị truyền thống lịch sử và văn hóa, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, với địa giới hành chính được mở rộng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội tập trung mọi nguồn lực, vật chất và tinh thần nhằm phát huy vị thế và tiềm năng to lớn của Thủ đô Anh hùng và văn hiến, tạo nên bước phát triển mới trở thành một đô thị văn minh, hiện đại và trên nhiều mặt có tầm vóc ngang bằng với các Thủ đô tiên tiến trong khu vực; xứng tầm với vai trò là Thủ đô, trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Hà Phương


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t