Hà Nội ánh sáng danh nhân (14:21 13/05/2015)


HNP - Khi bước chân ta chầm chậm thả bộ trên những đường phố cổ Hà Nội, ta thấy lòng mình sâu thẳm một chiều sâu thời gian, ta vui thích tự hào vì đang được sống với Hà Nội một nghìn năm văn hiến. Dấu ấn vàng son của kinh thành Thăng Long chẳng phai mờ, tinh hoa của nó đã lẫn vào cuộc sống, từng ngày, từng giờ đơm hoa, kết trái.

Một góc phố cổ ngày nay (Ảnh: Phương Anh)


Dấu ấn tinh hoa đó, ta bắt gặp từ những điều rất nhỏ ngày thường trên vỉa hè Hà Nội, những cô nàng quẩy gạo, những bà cụ bán ngô nướng, những em bé bán sắn, bán khoai, những chị hàng hoa, hàng rau, dưa, hành tỏi, những cô thôn nữ gánh hoa quả bốn mùa nhuộm sắc đỏ rực rỡ phố phường.... Và cả những hàng phở, hàng bún, hàng cháo, hàng cơm, những hàng chè chén thơm hương kẹo lạc, kẹo vừng... Đó là những hình ảnh còn sót lại của những người nhà quê rủ nhau lên Kẻ Chợ làm ăn có ít nhất từ thế kỷ XIV. Chính họ đã làm nên "Băm sáu phố phường" còn sống động đến ngày hôm nay, thành tinh hoa Hà Nội qua những cái tên phố cổ:
 
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay
Mã Vi, Hàng Điếu, Hàng Giầy
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Đình Ngang, Hàng Đồng
 
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
                                                                                       (Ca dao)
 
Nhưng Hà Nội không phải chỉ có tinh hoa của làng quê dân dã, mà Hà Nội còn là nơi tụ hội hồn thiêng của các danh nhân đất nước để xây nên một Thăng Long – Hà Nội bác học, mang tính cung đình. Điều đó biểu hiện qua những tên phố mà mỗi một cái tên là sự toả hương sức sống của một danh nhân, một cuộc đời, một vinh quang, một đỉnh cao của tài năng, nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam trong suốt ngàn năm mở nước và dựng nước. Có thể nói, đường phố Hà Nội, có tới hai phần ba được mang tên những danh nhân lịch sử, những vị anh hùng có công đánh giặc, đồng thời Hà Nội là một trung tâm văn hoá của cả nước, trong đó có vùng văn hoá riêng của Thăng Long - Hà Nội "Phồn hoa thứ nhất Long thành", nên đã tụ hội các danh nhân văn hoá mà tên tuổi của họ còn vang động sâu xa theo mỗi bước chân của người Hà Nội, đời nọ nối đời kia. 
 
Một chiều, lại một chiều, ai đó lạc bước trên đường Lạc Long Quân, từ chợ Bưởi đến Nhật Tân, nghe tiếng gió hồng hoang từ rừng già vẳng lại kể mối tình Lạc Long quân - Âu Cơ và cuộc chia tay của họ bơn ngàn năm trước, như nhắc nhở đàn chim Lạc nhớ về nguồn cội, cùng sinh ra từ một bọc, cùng là "con Rồng, cháu Tiên". Phố Hai Bà Trưng, một phố lớn gần Hồ Gươm còn lay động ngàn năm tình yêu và cốt cách của người đàn bà Việt Nam. Nó như cây Bách Tán toả tình yêu thương và bóng mát nâng đỡ sự sống của người Việt. Người đàn bà Việt Nam, vì chồng phải cầm quân đánh giặc, vì sơn hà xã tắc phải làm vua, nhưng trong lòng luôn khắc khoải tôn thờ tình yêu, không tham vọng quyền lực:
 
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng, khăn trở, lạnh đầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời, bóng lẻ soi.
 
                                                                 Thơ Ngân Giang
 
Hồ Gươm, viên ngọc báu của Hà thành là cả một câu chuyện huyền diệu giữa con người với loài vật cùng nhau chung sống trong thiên nhiên. Câu chuyện Rùa thần nhận gươm báu của Vua Lê Lợi như một khát vọng yên bình của muôn loài cùng tồn tại với thiên nhiên trên mảnh đất Hà Thành đẹp như nhạc, như thơ:
 
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng
 
Phố Lý Thái Tổ nhắc nhở công Lý Công Uẩn, người khai sáng nhà Lý, sau khi lên ngôi vua năm 1010 đã dời đô từ Hoa Lư ra đóng tại thành Đại La, đặt tên quốc đô là Thăng Long với hình ảnh "Rồng bay lên”! Đây là một kỳ tích tuyệt vời để hôm nay chúng ta có nghìn năm Thăng Long. Lý Công Uẩn là một tài năng sáng chói sinh ra từ thân phận nghèo hèn, từ một cậu con rơi được nuôi nấng, dạy dỗ thành Vua, quả thật là "địa linh sinh nhân kiệt". Đặc biệt, đường phố Hà Nội sáng ngời ngợi các danh nhân văn hoá. ánh sáng đó như vầng dương, như nguồn năng lượng từ các vì tinh tú, ngày ngày nâng đỡ bước chân chúng ta, bồi đắp nhân cách, tâm hồn trí tuệ của các thế hệ người Việt.
 
Phố Nguyễn Trãi ngày ngày sáng ánh sao Khuê với "Đại cáo bình Ngô" với câu chuyện tình Nguyễn Thị Lộ ngàn năm còn ngậm máu. Phố Lê Thánh Tông với ông vua "siêng việc nước, giỏi văn thơ” Trống dời canh còn đọc sách Chiêng xế bóng chẳng thôi chầu Một ông vua đem tình sưởi ấm niềm u tịch:

                                                                                                                            Chày kinh một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm ba canh lẫn sự đời
Bể áí ngàn trùng không tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
 
Phố Đoàn Thị Điểm ghi tạc hình bóng người phụ nữ kinh kỳ dung sắc kiều lệ, cử chỉ đoan trang, lời nói văn hoa, hành vi lịch thiệp, giỏi đối đáp văn thơ, tài nội trợ, khéo may vá thêu thùa, nhưng "hồng nhan bạc mệnh". Cả cuộc đời bà mang nỗi khát khao tình yêu, hạnh phúc. Cả cuộc đời ôm mối sầu chinh phụ, nó thành nhạc, thành thơ qua bản dịch "Chinh phụ ngâm" từ thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn:
 
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi 
 
Đó là nỗi buồn của những người đàn bà Việt Nam, ngóng chồng nơi chiến trận, trong tiếng trách thầm nhắn gửi những người chồng ham mê "trướng gấm", "tước phong" bỏ quên tình yêu, quên nỗi khát khao hạnh phúc cua người vợ trẻ. 
 
Thêm vào đó, phố Nguyễn Gia Thiều còn tiếng nỉ non của cung đàn réo rắt như tiếng kêu ai oán của bao mỹ nữ cung tần bị giam hãm tấm thân ngà ngọc trong cung vua, phủ chúa, không được ai ngó ngàng tới:
 
Dang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muôn đạp khuê phòng mà ra.
                                                 (Cung oán ngâm khúc)
 
Đến phố Hồ Xuân Hương, chúng ta lại bắt gặp tiếng nói đòi tình yêu, đòi hạnh phúc, mãnh liệt hơn trong nhịp điệu quyết liệt bão táp:
 
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười hoạ hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
 
Sang phố Nguyễn Du nghe nức nở tiếng đàn Kiều:
 
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay
 
Nhưng cuộc sống kinh thành xưa, qua các triều đại, dù có gió mưa, khắc khoải, thương đau, dù có chia lìa, tan nát, thì tất cả vẫn thăng hoa, bay bổng thành sức sống kinh thành, truyền đến mai sau, khiến cho chúng ta đời đời kiếp kiếp "ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Nỗi nhớ ấy dẫn bước chân chúng ta theo bà Huyện Thanh Quan tìm về:
 
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
 
Nỗi nhớ ấy, thành nhạc, thành thơ rung động đến cội nguồn bản thể, thôi thúc chúng ta sống và yêu tha thiết mảnh đất cố đô này.
 
Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, qua bão giông của những kiếp người, Hà Nội luôn xứng với tầm vóc của ông cha. Giữa thế kỷ XIX, một tác giả nước ngoài nhận xét: “Dù không phải là kinh thành nữa, Kẻ Chợ vẫn là một thành phố đứng đầu trong cả nước về nghệ thuật, về công nghiệp, về thương nghiệp, về sự phong phú, về dân số, về sự lịch thiệp và văn hoá. Các văn nhân, các thợ giỏi, các đại thương đều tới đây. Các đồ dùng hàng ngày và các đồ mỹ nghệ xa hoa cũng từ đây mà ra. Tóm lại, đây chính là trái tim của dân tộc". Và Hà Nội ngày nay, dù đang sống trong một vòng quay lớn, tốc độ của văn minh công nghiệp nhưng vẫn còn đây bóng dáng cố đô: 
 
Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa 
Trăng soi giá nến, gió lùa khói vương
                                                              (Thơ ca dân gian)
 
Một nghìn năm trôi qua, hồn thiêng của các danh nhân đất nước bao bọc quanh vùng đất, vùng trời Thăng Long cùng với các thế hệ sau hợp thành một thế “Rồng mây gặp hội, anh hào ra tay" để xây dựng một Thăng Long - Hà Nội đúng như Chiều dời đô của Lý Công Uẩn năm 1010 đã nhìn:  Thành Đại La ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc tiện hình thế núi sông sau trước. Ở đó, địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật phong phú tốt tươi, xem khắp nước Việt ta chỗ ấy là hơn cả, là chỗ hội họp của đơn phương, là nơi đô thành bậc nhất của Đế vương".
 
Tinh hoa của cha ông vẫn còn đây, để người Hà Nội xây một nhân cách Thăng Long - Hà Nội vừa mang tính bác học vừa bình dân, mãi mãi giữ gìn một nền văn hiến một ngàn năm, để luôn hồi sinh và tái tạo.

Theo thanglonghanoi.gov.vn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t