Truyền thuyết về sự hình thành các tên gọi của hồ Tây (20:36 29/04/2015)


HNP - Vẻ đẹp của hồ Tây hàng ngàn năm nay đã đi vào truyền thuyết, thi ca, lịch sử, quyến rũ không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách mỗi khi đến Hà Nội. Hồ nằm ở vị trí phía Tây Bắc trung tâm Hà Nội, có diện tích rộng hơn 500 ha với hệ sinh quyển, động thực vật rất phong phú.

Hoàng hôn trên hồ Tây (Ảnh: Phương Anh)


Từ xa xưa hồ Tây đã là danh thắng nổi tiếng của đất Thăng Long. Từ thời Lý-Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thúy Hoa đời nhà lý, tức điện Hàm Nguyên đời nhà Trần nay là khu chùa Trấn Quốc; cung Từ Hoa đời nhà Lý nay là khu chùa Kim Liên; điện Thuỵ Chương đời nhà Lê nay là khu Trường Chu Văn An. Ngày nay, hồ Tây được rất nhiều du khách biết đến, không những là một danh thắng nổi tiếng mà xung quanh hồ còn quy tụ nhiều di tích lịch sử, nhiều khu du lịch vui chơi, giải trí, cùng với nhiều biệt thự sang trọng, soi bóng xuống gương hồ xanh thơ mộng.
 
Hồ Tây vốn là dòng sông cũ của sông Hồng, do phù sa bồi đắp đẩy dòng chảy chuyển dần về phía Đông mà tạo thành hồ Tây. Trên bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (1470-1497) còn thấy ven hồ Tây thông với sông Tô Lịch và sông này lại có một nhánh thông ra sông Hồng, một nhánh nối với sông Thiên Phù.
 
Có thể do sự biến đổi của sông hồ cộng với sự thay đổi văn hóa từng thời đại qua các thời kỳ lịch sử, cũng như ý trí chủ quan của con người, nên trong dân gian đã xuất hiện nhiều truyền thuyết về sự hình thành các tên gọi khác nhau của hồ Tây:
 
Đầm Xác Cáo
 
Đầm Xác Cáo có lẽ là tên gọi xưa nhất của hồ Tây, gắn với sự tích con hồ ly tinh chín đuôi. Trong “Lĩnh Nam chính quái” do Vũ Quỳnh và Kiều Phú soạn vào khoảng năm 1492. Ở đây, tác giả kể: Xưa, ở vùng phía Tây kinh thành có hòn núi đá bên sông, dưới núi có hang động. Đó là nơi trú ngụ của con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm đã thành tinh. Nó gây bao tác hại cho dân lành, bắt con gái, đàn bà đưa về hang hãm hiếp, ăn thịt. Lại hoá thành quỷ, trêu ghẹo người đang mắc bệnh sợ đến chết. Người trong khu vực phải bỏ nhà cửa, làng xóm, ruộng nương mà lánh đi nơi khác.
 
Lạc Long Quân biết chuyện bèn tìm đến trừ họa cho dân. Cuộc chiến diễn ra gay go, quyết liệt. Hồ Tinh dù lắm tài biến hoá song vẫn không thoát khỏi tay Long Quân. Nó bị giết, hiện nguyên hình con cáo khổng lồ chín đuôi. Long Quân giải thoát cho những người bị Hồ Tinh bắt giam dưới hang sâu, cho họ miếng đất cao gần đó để ở, lập thành làng Hồ Khẩu. Làng Cáo ở Xuân Đỉnh cũng do truyền thuyết này mà có. Sau đó, Lạc Long Quân dâng nước sông Cái tràn vào phá tan sào huyệt của con quái vật. Nước xoáy mạnh vào hang suốt mấy ngày đêm, bố hòn núi đá trôi đi mất tăm, chỗ ấy tụt xuống thành chiếc đầm lớn gọi là đầm Xác Cáo.
 
Nguyễn Huy Lượng trong “Tụng Tây Hồ phú” có câu:
 
“Trước bạch hồ nào ở đó làm hang,
Long vương hổ nên vùng đại trạch”
 
là để nói về truyền thuyết này.
 
Một tài liệu khác lại ghi chép rằng: Huyền Thiên Chấn Vũ cũng vì thương xót và nghe lời cầu khẩn của dân chúng đã diệt trừ con cáo chín đuôi. Sau khi con cáo bị tiêu diệt, một hồ nước đã được tạo ra. Từ đó, hồ có tên là đầm Xác Cáo. Vị thánh sau này được thờ tại đền Quán Thánh, ngay gần hồ Tây.
 
Hồ Kim Ngưu 
 
Hồ Kim Ngưu gắn với truyền thuyết con trâu vàng. Song truyền thuyết này cũng được trong dân gian kể lại khác nhau: 
 
Truyền thuyết hồ Trâu Vàng kể lại rằng: Thiền sư Nguyễn Minh Không được phong làm Lý Triều quốc sư, được vua phương Bắc mời sang chữa bệnh trọng cho hoàng tử. Chữa khỏi bệnh, vua phương Bắc hỏi muốn thưởng gì? Minh Không chỉ xin một túi đồng đen. Nhà vua đồng ý ngay. Không ngờ Minh Không tài cao, hóa phép thu hết đống đồng đen cho vào túi thần, rồi xách ra bờ biển Đông, thả nón tu lờ làm thuyền bơi về nước.
 
Khi về tới nước Nam Thiền sư Minh Không dâng đồng đen lên vua. Vua Lý sai đem đồng đen đúc thành quả chuông lớn. Chuông đánh thử, tiếng vang xa bốn cõi, dội sang tận phương Bắc. Con trâu vàng bên đó tưởng mẹ gọi chạy lồng sang tìm (đồng đen là mẹ của vàng). Đường trâu chạy lún thành sông, đó là sông Kim Ngưu. Trâu chạy đến vùng phía Tây kinh thành thì chuông tắt. Nó lồng lộn dày xéo làm đất sụt xuống thành chiếc hồ lớn, sau gọi là hồ Kim Ngưu, tức hồ Tây.
 
Vua Lý phải cho ném chuông xuống hồ, trâu mới chịu yên. Tương truyền nhà nào sinh đủ 10 con, 5 trai 5 gái thì kéo được Trâu vàng và chuông đồng lên. Có nhà kia được chín con và một con nuôi là mười bèn ra thông báo. Trâu đã sắp nổi lên thì bà mẹ buột miệng nói “- Chín con đẻ không khỏe bằng một con nuôi!”. Trâu vàng biến mất.
 
Vẫn còn ca dao về chuyện này:
 
Năm trai, năm gái là mười
Năm dâu, năm rể là đôi mười tròn.
Hai bên phụ mẫu song toàn
Rồi ra kéo được trâu vàng hồ Tây.
 
Con Trâu vàng và cái chuông đồng đen vẫn nằm đâu đó dưới lòng hồ vì vẫn chưa có nhà nào đủ điều kiện nói trên. Ở làng Tây Hồ có di tích chiếc miếu thờ thần Kim Ngưu - Trâu Vàng là thế.
 
Câu chuyện khác thì kể rằng: Ngày xưa ở núi Tiên Du có con trâu vàng bị một Pháp sư yểm bùa, vùng dậy chạy. Chạy mãi, chạy mãi qua mỗi nơi, bằng sức mạnh của mình, nó đều tạo ra các dấu tích. Cuối cùng nó chạy tới đầu sông Tô gặp một hồ nước, nó nhao xuống bơi lội thỏa thích rồi ở luôn trong lòng như đứa con lưu lạc vừa tìm được mẹ. Từ đó, hồ Tây có tên là hồ Kim Ngưu và dân gian còn truyền tụng câu:
 
Trâu vàng ẩn mãi giữa hồ,
Nước dù cạn vẫn mịt mù tăm hơi
 
Theo sách truyện đức Lý Quốc Sư kể rằng: Con trâu vàng của nhà Tống được người cháu Cao Biền đem bút thần điểm nhãn trâu trở nên có cảm giác và hoạt động như trâu thật. Khổng Lồ biết vậy, nên khi về nước đúc chuông xong, đánh một hồi rất dài và kêu. Trâu nghe tiếng liền lồng sang đất Việt. Khi đến kinh đô Thăng Long thì tiếng chuông vừa dứt, trâu đi vẩn vơ không biết chuông đâu mà tìm cả. Bấy giờ Cao Thị Na là cháu Cao Biền làm một con diều giấy rất lớn , dùng bút thần điểm nhãn, diều bay lên cao. Cao Thị cưỡi lên diều đi tìm trâu vàng. Diều bay đến hồ Tây, trâu vàng sợ quá bèn lặn xuống hồ và không lên nữa. Từ đó, dân gian gọi là hồ Kim Ngưu.
 
Lãng Bạc 
 
Theo “Tây Hồ chí”, thì sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa bi hùng của Hai Bà Trưng, Tướng quân Mã Viện - tướng thứ 3 của nhà Hán - đã gọi hồ Tây là Lãng Bạc với ý nghĩa hồ đầy sóng vỗ. Tên gọi này thể hiện ý nghĩa rõ nhất vào những ngày giông bão, mặt hồ rộng, sóng nước nổi lên ầm ầm, tạo ra một cảnh hồ hùng tráng và nên thơ. 
 
Từ trên cao nhìn xuống, Hồ Tây như một vành trăng khuyết, cái lưng cong kéo từ Thôn Tây làng Đào Nhật Tân đến tận gò Mỏ Phượng đầu làng Thuỵ ôm giữa vào lòng là những bán đảo Quảng Bá, Tây Hồ, Nghi Tàm, nhô hẳn ra mặt nước cho ba bể sóng vỗ. Cảnh sắc ấy đã được Nguyễn Huy Lượng trong bài Phú “Tụng Tây Hồ” với những câu:
 
“Sắc rờn nhuộm thức anh lam ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo”.
Hình lượn lượn vốn vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhờ nhờ…”
 
Dâm Đàm 
 
Tên gọi này cũng không biết chính xác được gọi trong thời gian nào, nhưng theo Trần Quốc Vượng thì Dâm Đàm có tên thật từ thời Lý-Trần với huyền tích Lý Nhân Tông ngồi thuyền Mục Thận xem đánh cá, gặp sương mù, có thuyền tới gần, trên có hổ, Mục Thận quăng lưới bắt hổ, hóa ra đó là Thái sư Lê Văn Thịnh, và ông cho rằng Dâm Đàm nghĩa là hồ mù sương.
 
Sương phủ Tây Hồ (Ảnh: Phương Anh)
 
Câu chuyện về vụ Thái sư Lê Văn Thịnh mưu hại Vua Lý Nhân Tông được các sách ghi chép khác nhau:
 
Vụ án Dâm Đàm này có câu chuyện hoang đường, đó chỉ có thể là một màn ngụy trang cho sự tranh giành quyết liệt trong nội bộ triều đình nhà Lý vào cuối thế kỷ XI và sự thất thế dẫn đến việc buộc phải ra đi của Thái sư Lê Văn Thịnh. 
 
Một vụ án đậm chất thần bí, hoang đường ma thuật phản ánh mâu thuẫn tôn giáo của thời đại. Về sự việc này, vua Tự Đức (1848 - 1883) có thơ vịnh:
 
“Yên ba cửa dĩ ký bình tung,
Tư liệu quân vương giải cấu phùng
Võng lý vô ngư hoàn hữu hổ
Tây Hồ hà loạn thiếu ngư long”
 
Mục Thị làm nghề chài lưới đánh bắt cá ở hồ Dâm Đàm, nhờ có công cứu vua Lý Nhân Tông nên được phong làm Đô úy và được ban đất quanh hồ làm thực ấp. Khi mất, ông được lập đền ở làng Võng thị, truy phong tướng Thái úy Duệ Lương Công.
 
“Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời
Tay lưới phép còn ghi công bắt hổ”
 
(Nguyễn Huy Lượng “Tụng Tây Hồ phú”)
 
Còn theo sách “Hồn sử Việt” thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoại được nhà vua và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du ngoại, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm (mù sương).
 
“Mịt mù khói toả ngàn sương”
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
                                                               (Ca dao cổ)
 
Với diện tích hơn 500 ha, hồ Tây đúng là tấm gương lớn và cũng là lá phổi lớn của Thăng Long - Hà Nội.
 
Tây Hồ
 
Sử sách ghi rằng: “Năm 1573 vua Lê Thế Tông lên ngôi tên húy là Duy Đàm, kiêng húy cấm không được gọi hồ Dâm Đàm, mà đổi gọi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó. Ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo Trung Quốc là chuyện bình thường.
 
Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.
 
Đoài Hồ
 
Đến đời Tây Đô Vương Trịnh Tạc, năm 1657 kiêng chữ Tây nên các địa danh nào có chữ Tây đều bị ông ra lệnh đổi thành Đoài (quẻ Đoài thuộc phương Tây - ý nghĩa như nhau, âm và chữ khác nhau) như Sơn Tây gọi thành Xứ Đoài, bởi vậy nên Tây Hồ được gọi là Đoài Hồ. Nhưng cái tên Đoài Hồ không được dùng lâu, sau đó còn đổi thành Diêm Hồ, Liêm Đàm. Nhưng người ta vẫn quen gọi là Hồ Tây hơn. 
 
Trải qua các chiều đại trong lịch sử, chỉ có vua Tây Sơn Quang Trung là không kiêng húy gì cả. “Đào Khê dã sử” có kể một câu chuyện lý thư rằng:
 
Sau khi vua Quang Trung diệt xong quân Thanh, thống nhất đất nước, có lưu lại một thời gian để ổn định  Bắc Hà. Một hôm, nhà vua ngự thuyền chơi Tây Hồ có một văn thần họ Đỗ vốn là tiến sĩ nhà Lê đi theo hầu, muốn lấy lòng vua mới, đã tâu xin đổi tên hồ. Vua Quang Trung ngạc nhiên - Tên hồ xa xưa, sao lại phải đổi?
 - Tâu bệ hạ, hạ thần thấy tên hồ trùng với tên quý hương (quê vua).
 
Nhà vua cười to mà phán: - Tây Hồ là danh thắng của Thăng Long, người Thăng Long bao đời vẫn yêu quý Tây Hồ, lưu luyến Tây Hồ, lẽ nào nay vì bẩm mà phải đổi tên hồ quen thuộc? Vả chăng trẫm từ Tây Sơn đến với nhân sĩ, hiền tài Bắc Hà chẳng tốt lắm ru?
 
Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ đó là duyên tao ngộ, cùng nhau còn nhiều gắn bó, hẹn hò, cảnh chẳng phụ người, làm sao người lại phụ cảnh? Nhà ngươi muốn trẫm làm một việc vô nghĩa với dân Bắc Hà sao?
 
Nghe xong, tất thấy vua quan đều vui vẻ. Quả là ý nghĩ của chí lớn thiên hạ.
 
Hồ Tây đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi lại hình thành nhiều truyền thuyết khác nhau được dân gian truyền lại. Điều đó, đã tạo nên sự phong phú và đa dạng cho kho tàng sự tích, truyền thuyết của Thăng Long - Hà Nội nói chung và của Việt Nam nói riêng.
 
Bây giờ, Hồ Tây là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi của toàn dân. Mọi người rất thích tới đây chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên và ngẫm nghĩ, cảm nhận từng sóng gợn mặt hồ, đến những tiếng chuông văng vẳng từ một ngôi chùa nào đó hay ngắm nhìn mầu trời, sắc nước... Những cảnh thiên nhiên tĩnh lặng của Hồ Tây đã đi vào lòng người Hà Nội làm phong phú tâm hồn bao thế hệ đã từng sống ở đất Thăng Long này.

Phương Anh


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t