Hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin điện tử được nâng cao trong quý I/2022 (20:22 08/04/2022)


HNP - Chiều 8/4, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử Quý I/2022, triển khai nhiệm vụ 09 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở chủ trì Hội nghị.  

Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương tặng giấy khen cho các tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ


Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp; người chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp/mạng xã hội; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội.
 
Kịp thời chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang Thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội
 
Tinh đến ngày 31/3/2022, Sở đã cấp 714 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho 479 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bản (trong năm 2021 đã cấp 66 giấy phép, Quý I/2022 cấp 08 giấy phép). Đến ngày 30/3/2022, Bộ TT&TT cũng đã cấp 550 giấy phép thiết lập mạng xã hội của 384 doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn Thành phố. Riêng trong Quý I/2022, Bộ TT&TT đã cấp 20 giấy phép thiếp lập mạng xã hội gồm 14 giấy phép cấp mới; 06 giấy phép cấp sửa đổi cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
 
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TTĐT, trong năm 2021, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp cơ quan chức năng rà soát 90 trang TTĐT, 150 tài khoản mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật trên môi trường mạng và về dịch Covid-19; xử phạt vi phạm hành chính 69 tổ chức, cá nhân với số tiền là 965,5 triệu đồng; đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam thu hồi 02 tên miền, tạm ngừng hoạt động 50 tên miền; đề nghị Công an Thành phố xác minh thông tin cá nhân 63 tài khoản facebook, xử lý theo quy định; chuyển hồ sơ 07 vụ việc liên quan mạng xã hội facebook đến Sở TT&TT các tỉnh để xử lý theo thẩm quyền.
 
Đáng chú ý, thời gian vừa qua, trước tình trạng một số trang TTĐTTH, mạng xã hội có xu hướng “báo hóa”, chỉ tập trung tổng hợp các thông tin làm nóng truyền thông và dư luận…, Sở TT&TT Hà Nội đã chủ động nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh, hạn chế thông tin tiêu cực… rà soát quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo tự động đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo liên quan sức khoẻ, sản phẩm chức năng…
 
Về công tác thông tin, tuyên truyền về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trên trang TTĐTTH, mạng xã hội, trong năm 2021 và Quý I/2022, Sở TT&TT Hà Nội đã gửi 3.584 tin, bài tới hơn 927.000.000 lượt tài khoản người dùng Zalo; 2.898 tin bài lên tài khoản “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội” trên mạng xã hội Lotus. Sở TT&TT cũng phối hợp một số đơn vị trên địa bàn Thành phố quản lý các trang Fanpage có lượng người theo dõi lớn thực hiện tuyến truyền thông thông tin các chủ trương, chính sách, thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tới cộng đồng người sử dụng mạng xã hội Facebook.
 
Tăng cường các thông tin tích cực trên môi trường mạng
 
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ hết sức tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác thông tin, tuyên truyền trên tinh thần vì nhiệm vụ chung của Thành phố, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
“Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy, các trang TTĐTTH, mạng xã hội đã thể hiện vai trò tích cực trong tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô; hiệu quả quản lý nhà nước về TTĐT được nâng cao, góp phần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Thành phố” - Phó Giám đốc Sở TT&TT nhấn mạnh. 
 
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương phát biểu tại Hội nghị
 
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương, vừa qua, một số trang TTĐTTH và mạng xã hội có tình trạng “báo hóa”, chạy theo xu hướng thị trường,… Về việc này, Sở TT&TT Hà Nội đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, hạn chế các thông tin “nóng”, tiêu cực, cân đối lại lượng thông tin để phản ánh hiện tượng, sự việc một cách khách quan hơn, trung thực hơn; đẩy mạnh các thông tin tích cực trên môi trường mạng. Trước đó, Bộ TT&TT cũng đã có Công văn số 841/BTTTT-PTTH&TTĐT, ngày 10/3/2022, yêu cầu Sở TT&TT các địa phương cần tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa” TTĐTTH và mạng xã hội.
 
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động TTĐTTH và mạng xã hội cần chủ động nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực TTĐT, rà soát lại thông tin, chức năng, nhiệm vụ để hoạt động đúng quy định, đưa doanh nghiệp phát triển… Thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa thông tin, hình ảnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự; triển khai chủ đề công tác năm của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
 
Nhân dịp này, Sở TT&TT Hà Nội đã tặng giấy khen cho 10 đơn vị thực hiện tốt công tác lan tỏa thông tin trên hệ thống TTĐTTH và mạng xã hội về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2021.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t