Hội thảo tham vấn đề xuất chính sách về xây dựng Trung tâm liên ngành bảo vệ khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại (12:15 11/12/2020)


HNP - Sáng 11/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo tham vấn đề xuất chính sách về xây dựng Trung tâm liên ngành bảo vệ khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại.

Toàn cảnh hội thảo


Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội: Theo báo cáo điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, có gần 02/03 phụ nữ tham gia khảo sát bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế trong cuộc đời. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, từ tháng 1/2015 đến hết tháng 6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.442 vụ việc với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Bên cạnh đó, trẻ em còn bị xâm hại bởi các hình thức khác như lao động không đúng quy định của pháp luật, bị bỏ rơi, bỏ mặc, tảo hôn.
 
Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực và được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh. Song song với khung pháp lý, nhiều biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, xử lý người có hành vi bạo lực được các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện: Hội LHPN có mô hình ngôi nhà bình yên; tham mưu xây dựng các mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; Tòa án thí điểm thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên; các biện pháp cấm tiếp xúc, giáo dục tại các cơ sở đối với người gây bạo lực gia đình....
 
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều vụ việc nạn nhân bị bạo lực, xâm hại vẫn gặp những khó khăn bước đầu trong việc tố giác tội phạm, trong việc tìm đến các cơ quan nhận hỗ trợ, bảo vệ, can thiệp, gặp khó khăn trong gìn giữ chứng cứ, giám định thương tật... phục vụ trong quá trình điều tra, xét xử đưa vụ việc ra ánh sáng, nghiêm trị người vi phạm. Để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, Hội LHPN VN đề xuất việc thành lập Trung tâm liên ngành bảo vệ khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại với mục đích mong muốn thiết lập được cơ chế phối hợp liên ngành đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp một cách kịp thời, thân thiện, dễ tiếp cận và hiệu quả để có chứng cứ cho quá trình tư pháp và nạn nhân được bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần ngay khi vụ việc mới xảy ra. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực tiễn về tính khả thi và cơ chế phối hợp, cơ chế vận hành khi thành lập được thành lập là rất quan trọng.
 
Theo đó, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm phụ nữ và phát triển của TW Hội đã tiến hành nghiên cứu tại 2 quận ở Hà Nội là Tây Hồ và Ba Đình, đã thảo luận với các đại biểu cấp quận, cấp phường; với hội viên, phụ nữ; phỏng vấn phụ nữ từng bị bạo lực. 
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới; thảo luận và cho ý kiến về thực tiễn công tác phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; đồng thời, đề xuất các giải pháp thực hiện công tác này hiệu quả trong thời gian tới; đặc biệt là cho ý kiến về đề xuất thành lập trung tâm liên ngành, tính khả thi, cơ sở pháp lý để thành lập Trung tâm; cơ chế phối hợp, cơ chế vận hành Trung tâm.
 
Việc đề xuất xây dựng Trung tâm liên ngành của TW Hội LHPN Việt Nam, lâu dài là để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em, tiến tới xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em nói riêng, cộng đồng nói chung.

Thu Uyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t