Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương (18:50 13/08/2020)


HNP - Chiều 13/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Công thương và UBND TP Hà Nội; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực công thương của thành phố Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần phối hợp thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây là cuộc làm việc thứ 6 trong kế hoạch làm việc với 8 bộ ngành Trung ương nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của Thành phố Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị


Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội và đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự Đảng UBND và UBND TP; các đồng chí lãnh đạo Bộ Công thương, thành phố Hà Nội.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ Công thương và UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong thời gian qua, TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai các Chương trình, Đề án phát triển công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.204,3ha. Đáng chú ý, 27/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã được phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ giai đoạn 2017-2020, trong đó, có 03 quận, huyện đã hoàn thành công tác chuyển đổi là Hoàn Kiếm, Long Biên, Thanh Trì; 453/455 chợ đã được phê duyệt Phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng (đạt 99,6%); 455/455 chợ đã được phê duyệt Nội quy hoạt động (đạt 100%); 378/424 chợ đã được phê duyệt phân hạng được phê duyệt phương án giá dịch vụ tại chợ (đạt 89,1%); xác nhận kiến thức về ATTP cho 20.267/21.416 người kinh doanh trong chợ (đạt 94,6%), ký cam kết đảm bảo ATTP cho 19.892/21.044 cơ sở kinh doanh trong chợ (đạt 95%); đã giải tỏa được 170/231 chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn (đạt 73,6%).

Cùng với đó, công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ được đẩy mạnh, thu được kết quả khả quan với 04 trung tâm thương mại do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì với tổng diện tích 30,2ha, tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành quyết định kêu gọi đầu tư 25 chợ trên địa bàn; đã thu hút đầu tư được 52 dự án, tổng vốn đầu tư 22,3 nghìn tỷ đồng, gồm: 18 dự án thương mại dịch vụ; 03 dự án Logistics; 07 dự án chợ dân sinh; 24 dự án cửa hàng xăng dầu; Hiện đang tiếp tục kêu gọi đầu tư 58 dự án chợ dân sinh, chợ đầu mối.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 - Hợp phần I: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 - Hợp phần II: Quy hoạch phát triển lưới điện trung áp sau các trạm 110kV và tổ chức triển khai công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hà Nội là địa bàn rất tiềm năng và trọng yếu nên Bộ Công thương luôn xác định tập trung phối hợp chặt chẽ. Do đó, thời gian tới, sẽ tập trung cụ thể hóa hoạt động phối hợp với TP Hà Nội thông qua việc đề nghị TP Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống logistics, hạ tầng năng lượng, giao thông... Riêng về lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số mặc dù còn tồn tại, bất cập về thể chế, chính sách nhưng TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, gắn với hạ tầng thương mại truyền thống vì vậy Bộ Công Thương rất mong Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại này. Đồng thời hỗ trợ DN bán lẻ nội địa tiếp cận mặt bằng, logistics qua đó thâm nhập sâu rộng vào hệ thống bán lẻ quốc tế.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đồng tình và thống nhất với những nội dung hai bên sẽ đẩy mạnh, tiếp tục phối hợp trong thời gian tới. Trong đó, về lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công thương phối hợp với TP xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá. Nhất là những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của TP.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ TP đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Hai bên sẽ phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong xúc tiến đầu tư FDI và các cụm tiểu thủ công nghiệp, khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thông qua tham tán thương mại giúp TP tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng đầu tư, kinh doanh. Nhất là đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao và có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, ưu tiên liên doanh liên kết. Ngoài ra, rà soát điều chỉnh cập nhật bổ sung quy hoạch về phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến 2020, có xét đến 2030. Phối hợp hướng dẫn các DN trên địa bàn tham gia chương trình, đề án về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực. Hướng dẫn TP trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của TP.

Về lĩnh vực năng lượng, Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực khác cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực TP sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng đáp ứng mục tiêu cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Hướng dẫn và phối hợp với TP trong thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh bổ sung một số các công trình 120KV, 220KV và quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.

Trong lĩnh vực thương mại, Bộ hỗ trợ Hà Nội xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của TP; Hỗ trợ trong triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025. Tiếp tục hỗ trợ TP trong triển khai đề án phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, chợ đầu mối tại Yên Thường (Gia Lâm) và các chợ đầu mối khác trên địa bàn TP. Đặc biệt, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ TP trong triển khai thương mại điện tử để Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu trong cả nước về lĩnh vực này; trong giới thiệu các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.


Kết thúc hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương và Thành phố Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp trong giai đoạn tới


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t