Tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng


Bài 1: Nhiều chính sách khuyến khích các phong trào thi đua (10:42 29/12/2017)


HNP - Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phong trào thi đua”, trong 13 năm qua, Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Từ các phong trào thi đua, đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.

Thời gian qua, Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương đã tham mưu trình Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tham mưu phát động 03 phong trào thi đua trọng tâm: “Phong trào cả nước chung sức xây dựng NTM”; Phong trào “Doanh nhân Việt Nam hội nhập và phát triển”, Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… gắn với phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ban, ngành địa phương tổ chức nhiều phong trào thi đua, yêu nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phong trào “Vì an ninh tổ quốc”, phong trào “Thi đua quyết thắng”… Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân.

Từ năm 2012, công tác quy hoạch xây dựng NTM đã được tập trung chỉ đạo, nhiều địa phương thực hiện đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư, hỗ trợ nâng cao năng lực Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; tích cực đào tạo nghề cho nông dân nhất là các địa phương có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi; công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh hơn. Nhiều địa phương quan tâm và có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về nông thôn làm việc; có quy chế khen thưởng cho hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp… Nhiều  mô hình chuyển đổi diện tích ven biển để nuôi tôm (tỉnh Nam Định); mô hình mỗi làng một sản phẩm (tỉnh Quảng Ninh); xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên vùng cát ven biển (tỉnh Hà Tĩnh), phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, đã có hàng vạn hộ gia đình nông dân tự nguyện dỡ rào, chặt cây và hiến hàng triệu m2 đất, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội ở địa phương. Đến nay, phong trào đã hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 01, đang tập trung triển khai giai đoạn 02 và nhân rộng mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% số xã trong cả nước đạt chuẩn NTM.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động. Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…tiếp tục được triển khai sâu rộng và có hiệu quả. Hệ thống giáo dục các cấp phát triển cả về quy mô và chất lượng; các giải pháp đổi mới giáo dục, đào tạo được triển khai áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả, chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên. Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo tâm huyết yêu nghề, yêu trẻ, đạt thành tích xuất sắc đã được các cấp khen thưởng và phong tặng các danh hiệu cao quý.

Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phong trào thi đua đã có nhiều sáng tạo, nội dung phong phú, được dư luận hoan nghênh như: Phong trào vận động hiến máu “Lễ hội Xuân hồng”, “Hành trình đỏ”; phong trào vận động xây dựng “Quỹ vì ngày mai tươi sáng”, “Quỹ vòng tay nhân ái”, “Nồi cháo tình thương” để hỗ trợ các bệnh nhân ung thư; phong trào “Thực hiện 12 điều y đức”; “Khám chữa bệnh cho 1 triệu người nghèo”, “Đưa bác sĩ trẻ về phục vụ tại 63 huyện nghèo”…Các phong trào thi đua đã góp phần triển khai có chất lượng các chương trình mục tiêu quốc gia, củng cố hệ thống mạng lưới y tế từ trung ương đến cơ sở, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế tốt hơn, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, các dịch vụ y tế được kiểm soát, từng bước củng cố niềm tin của người dân đối với ngành y tế.

Lĩnh vực an sinh xã hội, giải quyết việc làm và dạy nghề cũng có nhiều phong trào thi đua hiệu quả, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng”… được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, dã huy động tốt mọi nguồn lực trong xã hội và cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đối với người có công, đối tượng chính sách. Mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp ở Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Bình Dương, Nghệ An; giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện tại các thành phố: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng… Mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, dựa vào cộng đồng ở Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn…

Lĩnh vực văn hóa thông tin, truyền thông, phát thanh, truyền hình, thể dục thể thao, các phong trào thi đua ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động quần chúng đạt nhiều kết quả thiết thực: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với trên 90% gia đình trên toàn quốc tham gia, hơn 16 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 70% thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, “Công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ” được duy trì và thực hiện có hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích trong bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, đã có trên 700 mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự, như: “Xây dựng cụm liên kết bảo vệ an ninh, trật tự”, “Khu dân cư tự quản”, “Ngõ xóm bình yên”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Toàn dân tham gia quản lý giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


Trang Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t