Bí thư Thành ủy: Muốn giảm ùn tắc, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị (07:11 19/02/2017)


HNP - Sáng 18/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải làm việc với Ban Quản lý Đường sắt Đô thị (BQL ĐSĐT) Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng.  

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc


Năm 2016, BQL ĐSĐT được giao quản lý 2 dự án đang thực hiện đầu tư là dự án đường sắt số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đồng thời, thực hiện chuẩn bị đầu tư 2 dự án: Tuyến đường sắt đô thị số 3 giai đoạn 2 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai) và tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình). Tổng giá trị thực hiện trong năm 2016 đạt trên 1.245 tỷ đồng, bằng 163% kế hoạch, trong đó, vốn ODA gần 986 tỷ đồng, vốn trong nước trên 259 tỷ đồng; giá trị giải ngân đạt trên 1.227 tỷ đồng, bằng 160% kế hoạch.
 
Về tiến độ cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, tổng giá trị các hợp đồng sau đấu thầu là 853,7 triệu Euro (tiết kiệm 104,3 triệu Euro so với tổng mức đầu tư). Dự án đã thi công đạt tổng khối lượng 30% và dự kiến hoàn thành, khai thác vào cuối năm 2021, chậm 36 tháng so với kế hoạch ban đầu. Khó khăn lớn nhất đối với dự án hiện nay là chậm GPMB, di chuyển các công trình ngầm, nổi, đặc biệt là đối với các ga ngầm (toàn tuyến có chiều dài 12,5km, trong đó có 4km đi ngầm); công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có nhiều vướng mắc do các ràng buộc phức tạp của nhà tài trợ; công tác quản lý hợp đồng tư vấn Systra còn nhiều bất cập…
 
Đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án có chiều dài tuyến chính 11,5km, trong đó, đi ngầm 3km, điểm đầu tại KĐT Ciputra, điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Tổng mức đầu tư trên 200 tỷ Yên, tương đương trên 36,5 nghìn tỷ đồng từ vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, BQL ĐSĐT Hà Nội đang làm việc với các cơ quan liên quan để phê duyệt điều chỉnh dự án trong quý I/2017, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà thầu từ quý II/2017 đến quý II/2018 để triển khai thi công các gói thầu từ quý III/2018 đến quý IV/2024. 
 
Ngoài ra, BQL ĐSĐT Hà Nội đang tích cực chuẩn bị, dự kiến trong kỳ họp tháng 5/2017 sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 3 dự án: Các đoạn tiếp theo của tuyến đường sắt đô thị số 2 Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Nam Thăng Long - Nội Bài; đoạn tiếp theo của tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai.
 
Kiến nghị với Bí thư Thành ủy, BQL ĐSĐT cho rằng, để thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Thành phố nên thành lập Ban Chỉ đạo các dự án tuyến ĐSĐT Hà Nội do một Phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban; ưu tiên bố trí nguồn lực cho các tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 3 do đây là các tuyến xương sống của mạng lưới ĐSĐT; tách dự án GPMB thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất sạch cho xây dựng ĐSĐT…
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đánh giá, về tổng thể tiến độ các dự án ĐSĐT đều chưa đạt yêu cầu, trong đó nhiều mặt chậm và còn chưa đạt kết quả tốt, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong khi BQL ĐSĐT còn chưa chủ động khắc phục khó khăn, tính chuyên nghiệp về quản lý dự án đường sắt chưa cao. Tuy nhiên trong 6 tháng cuối năm 2016, tiến độ triển khai các dự án có nhanh hơn. Những vướng mắc đã được giải quyết, đạt tiến độ theo yêu cầu của TP.
 
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Vận tải hành khách công cộng, trong đó, có đường sắt đô thị có vai trò hết sức quan trọng giúp giảm ùn tắc giao thông. Theo kế hoạch đến năm 2020 Thành phố mới triển khai được 75km đường sắt đô thị (khoảng 20% tổng chiều dài mạng lưới ĐSĐT theo Quy hoạch) và đến năm 2030 là 94km, chiếm khoảng 30% tổng chiều dài mạng lưới, Bí thư Thành ủy cho rằng nếu triển khai đúng tiến độ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển đô thị, gia tăng dân số của Thành phố hiện nay, điều đó đặt ra thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ của BQL ĐSĐT cũng như cả Thành phố phải nỗ lực hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ĐSĐT trên địa bàn.
 
“Bên cạnh đó, chúng ta đang muốn hạn chế ô tô, xe máy thì phải có phươn tiện thay thế, trong khi yêu cầu phải là các phương tiện khoa học, văn minh, hiện đại thì nhân dân mới đi… do đó nếu không đẩy nhanh tiến độ lên, không có các cơ chế đặc thù thì chắc chắn không đáp ứng được, và nếu không giải quyết các vấn đề này thì tắc đường đến 2 giờ, 3 giờ, thậm chí đến 5 giờ là không tránh khỏi, khi đó thì cả hệ thống sẽ hoạt động không hiệu quả, nhân dân bức xúc và không thể xây dựng đô thị văn minh, hiện đại được”, Bí thư Thành ủy nêu.
 
Bí thư Thành ủy yêu cầu BQL ĐSĐT rà soát, báo cáo kỹ với Thành phố cụ thể về 4 dự án chuẩn bị đầu tư, 3 dự án đang chuẩn bị trình Quốc hội và 7 dự án mới đang lên kế hoạch để kêu gọi đầu tư, trong quá trình đó phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT ngay từ đầu. Bí thư Thành ủy lưu ý đến một số dự án ưu tiên, trong đó có dự án kết nối đến các khu đô thị vệ tinh và KCN cao Hòa Lạc. Đặc biệt, BQL ĐSĐT phải tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác huy động xã hội hóa, đầu tư dự án theo hình thức PPP, BT… bởi vừa qua còn tình trạng chưa tích cực trong huy động sự tham gia của các doanh nghiệp.
 
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu trong quá trình triển khai nhất thiết phải có các cơ chế đặc thù. “Chẳng hạn như triển khai đoạn từ Nhổn – Trôi chỉ là đoạn kéo dài của dự án tuyến đường sắt số 2, do đó áp dụng tiêu chuẩn, đơn giá của giai đoạn 1 vào sẽ tiết kiệm được thời gian chuẩn bị dự án”. Bí thư Thành ủy cũng khẳng định sẽ ưu tiên bố trí đủ vốn GPMB cũng như vốn đối ứng để triển khai các dự án ĐSĐT.
 
Về một số kiến nghị của BQL ĐSĐT, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhất trí việc cần thiết phải thành lập Ban Chỉ đạo các dự án ĐSĐT do lãnh đạo UBND TP làm trưởng ban để tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ các dự án. Về GPMB, Bí thư Thành ủy cho rằng cần thiết phải tiến hành GPMB trước theo quy hoạch để tạo quỹ đất sạch triển khai các dự án ĐSĐT. 
 
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội sẽ có 9 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 372,5km, trong đó, có 140,8km cầu cạn; 167km cầu cạn kết hợp với đi bằng và 64,7km đi ngầm. Khái toán tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700.801 tỷ đồng, tương đương 31,42 tỷ USD (đến năm 2030 cần 18,29 tỷ USD, sau năm 2030 cần 13,13 tỷ USD).
 
Khi hoàn thành mạng lưới 9 tuyến ĐSĐT sau năm 2030, dự kiến sẽ vận chuyển 3,2 triệu lượt hành khách/ngày, đảm nhận từ 35-40% thị phần vận chuyển hành khách công cộng của đô thị trung tâm và 20% của ngoại ô. Trong đó, nếu đến 2030 Thành phố hoàn thành mạng lưới cam kết, gồm 4 tuyến số 1, 2, 2A và 3 với tổng chiều dài 94km, chiếm 30% tổng chiều dài toàn mạng lưới ĐSĐT thì sẽ vận chuyển 1,8 triệu lượt hành khách/ngày, đảm nhận từ 25-30% thị phần vận chuyển hành khách công cộng của đô thị trung tâm và 15% của ngoại ô.
 
 

 


Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t