Người thương binh cả đời đam mê học (16:15 23/07/2018)


HNP - Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa đơn sơ nhưng ấm cúng, bác Trần Quang Liệu, thương binh hạng 1/4, ở tổ dân phố 19, phường Sài Đồng, quận Long Biên xúc động kể lại quá khứ hào hùng đấu tranh chống giặc của cả dân tộc, trong đó, những người con như ông đã chiến đấu anh dũng, tuy đã cống hiến một phần máu xương nhưng còn may mắn được trở về với cuộc sống đời thường khi biết bao cha anh đã hy sinh về với đất mẹ.

Lãnh đạo quận Long Biên trao quà cho thương binh Trần Quang Liệu dịp Tết Nguyên đán 2018


Với giọng nói rất chân tình, thân thiện, bác Liệu kể chúng tôi nghe quá trình gian khổ chiến đấu và hy sinh xương máu của mình. Năm 1971, người thanh niên Trần Quang Liệu gác lại bao ước mơ, hoài bão để gia nhập quân đội, tham gia tại Trung đoàn 5, Sư đoàn 350, quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3), sau đó ông được phân công đi B, vào chiến đấu ở chiến trường Bình Định. Ròng rã 3 tháng hành quân băng qua rừng Trường Sơn, ông thấy quê hương thật tươi đẹp, tự nhủ lòng phải quyết tâm chiến đấu giành độc lập cho dân tộc.

Ngày đêm chiến đấu ở Trung đoàn bộ binh 21, Sư đoàn 3, trong một trận đánh ông bị mảnh pháo làm bị thương, mất toàn bộ khuôn mặt bên trái. Xúc động kể lại quãng thời gian rất đau đớn về thân thể, với muôn vàn khó khăn khi được điều trị ở bệnh xá dã chiến, khan hiếm về thuốc men, rất nhiều lần ông suy sụp về tinh thần, tự ti về bản thân. Sau hơn 1 năm điều trị ở trạm xá, lành vết thương ông được chuyển về Bệnh viện Quân y 108 để phẫu thuật chỉnh hình khuôn mặt. Không thể kể hết những nỗi đau đớn phải trải qua, nhưng ông đã tự tin hơn, thời gian nghỉ ngơi an dưỡng, ông luôn đau đáu với ham mê học. Là người duy nhất xin các bác sĩ xếp hạng thương binh nhẹ để còn được đi học, nhưng hội đồng đã họp xét, cân nhắc và vẫn xếp cho ông đúng hạng với thương tật 85% là hạng 1/4, bởi không muốn ông bị thiệt thòi khi đã cống hiến rất nhiều cho tổ quốc.

Trong thời gian điều trị vết thương tại Viện Quân y 108, ông gặp bà Nguyễn Thị Liễu, cũng là bệnh binh đang điều trị tại đây. Cảm mến nghị lực phi thường của ông, bà đã đến với ông, chấp nhận làm vợ ông trước sự ngăn cản của nhiều người thân. Với trí thông minh sẵn có, cộng với đam mê học hỏi, điều trị lành hẳn vết thương, người thương binh Trần Quang Liệu đã thi đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp, khóa 20 (1975-1980). Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông về giảng dạy tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật tại Hải Dương. Đến cuối năm 1988, ông chuyển lên Hà Nội, không tham gia giảng dạy tại trường nữa do sức khỏe không cho phép.

Ông và bà ở bên nhau đã được 38 năm, có hai người con gái và một người con nuôi. Điều đáng mừng là cả ba người con của ông bà đều mạnh khỏe, thông minh, đã tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu trong nước. Đặc biệt, các con đều do ông dạy dỗ và ông cũng đã dạy rất nhiều thế hệ con cháu trong khu phố, tổ dân phố. Đến nay sức khỏe không cho phép ông giảng dạy thường xuyên cho các cháu, nhưng bất kể thời gian sớm tối, các học sinh đến nhờ ông chỉ bảo kiến thức đều được ông giúp đỡ nhiệt tình. Rất nhiều lớp con cháu nhờ có sự dạy dỗ của ông mà đỗ được vào đại học, nay có sự nghiệp và cuộc sống thành đạt.

Rất mừng là hiện nay cả hai ông bà đều có lương hưu, cuộc sống ổn định, gia đình và con cháu luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông bà tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, đặc biệt ông còn sáng tác nhiều thơ, phổ nhạc các điệu dân ca để tổ dân phố biểu diễn văn nghệ quần chúng, phục vụ đời sống tinh thần của bà con.

Ghi nhận sự cống hiến to lớn của thương binh Trần Quang Liệu, hàng năm, chính quyền thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên gia đình ông cũng như các gia đình chính sách, giải quyết kịp thời những kiến nghị, không để các gia đình chịu thiệt thòi. Bản thân ông cũng rất xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Ông khẳng định: “Đã đi qua cuộc chiến tranh, mất mát một phần xương máu nhưng còn được sống là còn may mắn, vì vậy, ông luôn trân trọng cuộc sống và sẽ luôn sống có ý nghĩa, xứng với lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”.


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t