Để du lịch nông thôn Hà Nội phát triển bền vững: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ (13:40 29/05/2019)


HNP - Hà Nội xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Từ quan điểm này, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế du lịch nông thôn.

Du khách đến tham quan làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông


Tiềm năng, lợi thế

Thời gian qua, song song với việc xây dựng nông thôn mới, nhiều hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Nhiều mô hình trang trại sinh thái gắn với du lịch, giáo dục, cung cấp đầy đủ các tiện ích: Ăn uống, nghỉ dưỡng, khám phá, mua nông sản và đặc biệt là cảnh quan, môi trường đã được cải thiện đáng kể. Chẳng hạn, mô hình du lịch nông nghiệp của Trang trại đồng quê Ba Vì, bằng cách liên kết hợp tác với các hộ dân trong vùng, trang trại này đã tạo ra được rất nhiều tour du lịch nông nghiệp để tham quan, trải nghiệm và khám phá. Bên cạnh việc giúp cho du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống nhà nông, gần gũi với thiên nhiên, mô hình du lịch nông nghiệp này đã đem lại nhiều giá trị tích cực về vấn đề tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho nông dân, góp phần gìn giữ nghề nông nghiệp truyền thống và duy trì sản vật địa phương có giá trị.

Không riêng huyện Ba Vì, mà nhiều huyện, thị xã khu vực ngoại thành, như: Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn... cũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều sản vật địa phương và tồn tại các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Nội có 17 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong danh mục dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, phát huy tiềm năng, lợi thế, các sở, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, dự án, đề án cụ thể hoàn thiện các sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch đến tham quan.

Theo ông Tạ Văn Tường, du khách đến với làng nghề của Hà Nội được tham quan cảnh quan làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ và được trực tiếp trải nghiệm làm thử một vài công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề. Loại hình du lịch này không những góp phần bảo tồn làng nghề, mà còn phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều nghề thủ công đang được thực hành và phát triển mạnh khi gắn làng nghề với phát triển du lịch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng dân cư địa phương, như các nghề: Sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động ở huyện Thường Tín; chạm khắc Sơn Đồng ở huyện Hoài Đức; gốm sứ Bát Tràng ở huyện Gia Lâm; khảm trai Chuôn Ngọ ở huyện Phú Xuyên...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế du dịch ở nông thôn, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều đề án. Điển hình như Đề án thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội; thực hiện xây dựng nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội và logo cho làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc. Đồng thời, lựa chọn thiết kế một số mẫu sản phẩm lưu niệm đặc trưng của 2 làng nghề này nhằm định vị hình ảnh cho làng nghề thủ công nói chung và hai làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng nói riêng. Thành phố cũng chỉ đạo xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề và điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội để tạo sức hấp dẫn của điểm đến du lịch ở nông thôn.

Khắc phục hạn chế, bất cập

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhiều hoạt động du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối. Mặc dù có nhiều làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, mỹ nghệ, nhưng việc phát huy lợi thế về phát triển các sản phẩm chủ lực góp phần tạo ra các giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch nông thôn còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao, chưa phát huy tốt lợi thế để phục vụ phát triển du lịch nông thôn. Mặt khác, việc lựa chọn phát triển từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, danh lam, thắng cảnh nổi trội của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn chưa được triển khai quyết liệt. Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”, mới có 8/30 quận, huyện, thị xã hình thành được các sản phẩm du lịch mới đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch trên địa bàn.

Ngoài ra, nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông thôn còn chưa đồng bộ, chưa thuận tiện cho khách du lịch tiếp cận du lịch nông thôn. Công tác tuyên truyền, quảng bá tuy đã được đẩy mạnh nhưng chưa tập trung nhiều vào phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Khắc phục hạn chế trên, đi đôi với việc quán triệt nghị quyết của Trung ương, thành phố, Sở Du lịch Hà Nội đang phối hợp tích cực với sở, ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông thôn. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Sở tham mưu với thành phố ban hành chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch, người dân địa phương trực tiếp làm du lịch được tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp và hạ tầng du lịch ở nông thôn…

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các giá trị di sản văn hóa, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và khai thác hợp lý, hiệu quả các giá trị di sản nhằm phục vụ phát triển du lịch. Sở cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động diễn ra tại các điểm du lịch văn hóa và các lễ hội; triển khai các chương trình bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn về du lịch cho các cán bộ công tác trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị di sản tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Đáng chú ý, Sở Du lịch Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch chuyên đề nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, làng nghề, làng cổ; đề xuất danh mục các khu, điểm du lịch chất lượng cao cần tập trung đầu tư gắn với các mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn, tiêu biểu của thành phố trong giai đoạn đến 2020 và những năm tiếp theo.


Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t