Dư nợ tăng trưởng tín dụng chính sách bình quân 8 đến 10%/năm (16:00 26/02/2018)


HNP - Đó là một trong những mục tiêu của TP Hà Nội quyết tâm phấn đấu thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đây là sự cố gắng không nhỏ của thành phố trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Theo đó, ngân hàng phấn đấu: 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngân hàng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 đạt từ 8 đến 10%; 100% nợ đến hạn được xử lý kịp thời theo quy định; tỷ lệ nợ quá hạn phấn đấu duy trì dưới 0,2% trên tổng dư nợ.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của trung ương, của thành phố về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chủ động đề xuất những giải pháp về tăng trưởng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, chỉ đạo UBND các cấp quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Gắn việc chuyển vốn ủy thác qua ngân hàng với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội hằng năm trên địa bàn, nhất là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được bổ sung, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được trung ương và thành phố giao hằng năm. Tập trung đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, giải ngân cho vay quay vòng kịp thời, không để tồn đọng vốn. Triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu xử lý dứt điểm Tổ yếu kém và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ giao dịch tại xã, phường, thị trấn, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ đúng quy trình, quy định.

Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đoàn thể và giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, kịp thời phát hiện, chỉnh sửa những sai sót, tồn tại trong hoạt động nghiệp vụ.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh hiện đại hóa tin học, áp dụng công nghệ tin học trong triển khai các mặt hoạt động nghiệp vụ, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội và các thành phần tham gia triển khai hoạt động tín dụng chính sách về chuyên môn nghiệp vụ và kiểm tra giám sát, phát hiện phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà Nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của hộ vay ngay từ khâu bình xét cho vay.

Gắn việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội với công tác thi đua khen thưởng định kỳ và đột xuất, tạo động lực để các tập thể, cá nhân trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cũng như nhân rộng các điển hình tiên tiến trên địa bàn.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t