Cảnh giác nguy cơ cháy rừng mùa khô hanh (05:01 22/12/2017)


HNP - Thời tiết đã bước vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn TP Hà Nội rất cao. Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm Hà Nội đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị liên quan tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Huyện Mỹ Đức tích cực tuyên truyền cho khách du lịch tham quan danh thắng chùa Hương nâng cao nhận thức phòng cháy chữa cháy rừng


Tiềm ẩn nguy cơ

Qua rà soát, toàn thành phố có hơn 27.726ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 8,34% diện tích tự nhiên. Rừng Hà Nội phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây). Thời gian qua, thành phố đặc biệt quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa cháy rừng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có diễn biến thời tiết phức tạp, khô hanh, nắng nóng kéo dài, một phần do ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của người dân chưa cao. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 18 vụ cháy rừng tại các huyện: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Tuy giảm về số vụ cháy rừng (giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm 2016) nhưng mức độ thiệt hại lại tăng. Theo thống kê, tổng diện tích thiệt hại đến tài nguyên rừng là 64,45ha (diện tích cháy tăng 51,59ha so cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, vụ cháy tại huyện Sóc Sơn gây thiệt hại ước tính khoảng 50ha, còn lại 17 vụ chủ yếu cháy thảm thực bì, lau lách không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.

Ngoài nguyên nhân chủ quan do bất cẩn trong quá trình sử dụng lửa, tình trạng cháy rừng còn xuất phát từ nguyên nhân khách quan. Bởi phần lớn diện tích rừng ở trên cao, dốc, phần thấp thì xem kẽ với các khu dân cư, kho xăng dầu. Rừng của Hà Nội gắn liền với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng cảnh như: Khu di tích lịch sử đền Sóc Sơn, Tượng đài Tháng Gióng, chùa Non Nước Sóc Sơn, chùa Hương. Trong quy hoạch rừng phòng hộ - đặc dụng vẫn còn các hộ dân có đất thổ cư, ruộng, vườn, nương rẫy. Người dân địa phương và cơ sở, cửa hàng kinh doanh buôn bán hàng quán ở ven rừng, trong rừng những ngày diễn ra lễ hội nên khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng lửa an toàn.

Tại huyện Sóc Sơn, chủ yếu là rừng nghèo, rừng trồng thuần loài, loài cây chủ yếu là thông, keo, bạch đàn. Thảm thực bì dưới tán rừng là cỏ tranh, lau lách, tế guột, cây bụi, thảm mục thực bì và rậm rạp nguồn vật liệu dễ cháy nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Theo khảo sát điều tra của Viện Kinh tế sinh thái rừng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cứ 1ha có từ 30 đến 40 tấn vật liệu cháy. Do vậy, nguy cơ cháy rừng xảy ra bất cứ lúc nào ngay cả những ngày không có mưa trong mùa mưa.

Tương tự, rừng Hương Sơn chủ yếu là rừng tự nhiên, cây mọc trên núi đá vôi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống xen kẽ trong rừng. Vào mùa khô hanh, thảm thực vật trên núi đá vôi và một số sườn núi đều vàng úa, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao nếu không có biện pháp tuyên truyền giáo dục người dân, khách du lịch thập phương khi vào rừng phát nương làm rẫy, chăn thả gia súc, tham quan du lịch... Hơn nữa, hằng năm, vào mùa lễ hội khách du lịch thập phương về đây trẩy hội rất đông, khoảng 20 vạn lượng người, kéo theo đó các dịch vụ ăn uống ngủ nghỉ. Việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện, tự ý đốt vàng mã của du khách không đúng nơi quy định cũng là nguy cơ dẫn tới cháy rừng.

Nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, diễn biến thời tiết mùa khô năm nay phức tạp, hanh khô, độ ẩm không khí thấp, vì vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Với phương châm “phòng hỏa hơn cứu hỏa”, ngành Nông nghiệp và các địa phương có rừng trên địa bàn thành phố đã có nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Đi đôi với việc kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về cách sử dụng lửa an toàn, đặc biệt khi có các hoạt động trong rừng, tác hại của hỏa hoạn, cháy rừng đối với môi trường sinh thái và kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho học sinh các trường học gần rừng, lực lượng xung kích các xã, nhân dân sống gần rừng. Tạo điều kiện để thu hút các tổ chức xã hội, thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển rừng, hạn chế thấp nhất, tiến tới không để cháy rừng xảy ra. Đồng thời, dự tính, dự báo xác định vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, xác định vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, xác định các mối đe dọa ảnh hưởng tới tài nguyên rừng để có biện pháp xử lý phù hợp cho từng mối đe dọa. Tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, dụng cụ phục vụ chữa cháy rừng...

Tại các huyện, thị xã có rừng cũng đã kiểm tra, xây dựng phương án, tổ chức lực lượng, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng với phương châm "phòng cháy rừng là chính". Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết: Huyện thường xuyên thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng đến từng thôn, cụm dân cư và đơn vị bảo vệ rừng; kiểm tra toàn bộ máy móc, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng…

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết: để phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng, Chi cục sẽ đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong công tác chữa cháy rừng như: Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ lâm sinh. Đồng thời, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các địa phương, chủ rừng và nhân dân biết, đặc biệt là khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Cấp dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng hằng ngày cũng được gửi đến các địa phương, đơn vị chủ rừng để chủ động trong công tác phòng cháy và tổ chức lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy. Trong trường hợp khi xảy ra cháy rừng, chính quyền địa phương cùng người dân phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy kịp thời.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t