Nhiều kiến nghị góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục Thủ đô (15:54 08/08/2023)


HNP - Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" trên địa bàn thành phố Hà Nội, sáng 8/8, nhiều ý kiến tham luận đã được đưa ra. Theo đó, nhận định, việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TƯ trong 10 năm qua đã đem lại những chuyển biến rõ nét về giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố.

Quang cảnh Hội nghị


Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
 
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ chỉ rõ, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những giải pháp để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Với tinh thần đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn nhận thức: Muốn có sản phẩm giáo dục tốt, phải có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tốt. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đổi mới quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, ngoại ngữ, tin học. 
 
10 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội cấp 353,1 tỷ đồng để tổ chức bồi dưỡng trong nước và nước ngoài cho gần 680.000 lượt cán bộ quản lý và giáo viên; thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với 1.250 cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng hằng năm… 
 
Đáng chú ý, Sở luôn coi trọng việc xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, tận tâm với nghề và gắn bó với ngành.
 
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương tham luận tại Hội nghị
 
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho biết, để thu dần khoảng cách về chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nói riêng giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành, tạo nên sự đồng đều về chất lượng giáo dục trên toàn thành phố, Sở đã triển khai phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia kinh nghiệm" giai đoạn 2022-2025. Với hình thức "trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên", các trường có chất lượng giáo dục chưa cao có điều kiện tham khảo, học tập kinh nghiệm quản lý và phương pháp giảng dạy của các trường có chất lượng giáo dục tốt hơn…
 
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ cấp bách, các quận, huyện trên địa bàn đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, nhằm cải thiện chất lượng dạy học ngoại ngữ, ngành giáo dục huyện đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai Đề án "Hỗ trợ dạy học ngoại ngữ". Đặc biệt, phong trào "Tiếng trống học bài" đã được thực hiện tại nhiều xã miền núi, tác động tích cực tới ý thức của mỗi người dân trong việc dành thời gian, sự quan tâm đối với việc học tập của con.
 
Với những nỗ lực vượt khó, đến nay, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS của huyện Ba Vì đạt mức độ 3; kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 xếp thứ 22/30 quận, huyện, thị xã, tăng 7 bậc; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,96%, tăng 9,26%. Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên điểm trung bình tiếng Anh của học sinh Ba Vì đạt trên 5 điểm.
 
Tăng cường gắn kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo
 
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045" theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ. Ngành sẽ xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo; ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành/nghề đang phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội hiện nay; khuyến khích thành lập các trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài.
 
Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình giáo trình; xây dựng đội ngũ nhà giáo, trọng tâm là phát triển đội ngũ nhà giáo thuộc các ngành nghề trọng điểm có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
 
Đặc biệt, thời gian tới, việc thực hiện công tác xã hội hóa, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cũng sẽ được toàn ngành đẩy mạnh…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t