Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính: Xứng đáng là đầu tàu kinh tế (08:52 01/08/2023)


HNP - Hôm nay (1/8), Hà Nội đánh dấu mốc kỷ niệm tròn 15 năm kể từ ngày Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008, của Quốc hội "về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" có hiệu lực, cũng là tròn 15 năm Hà Nội mở rộng, hợp nhất (1/8/2008 - 1/8/2023).

Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại


15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phấn đấu không ngừng, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, ngày càng xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.
 
Hà Nội thời điểm được hợp nhất (tháng 8/2008) có diện tích trên 3.300 km2 với dân số trên 6.230 nghìn người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn.
 
Đến nay, qua 15 năm phát triển (từ 2008 - 2023), dân số đến nay (ước tính đến tháng 6/2023) là trên 8.560 nghìn người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), có 30 quận, huyện, thị xã (huyện Từ Liêm tách lập thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm) và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường).
 
Xứng đáng là đầu tàu kinh tế
 
15 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó, dịch vụ tăng 6,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%.
 
Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012 - 2022 đạt 5,24%.
 
Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt (bằng 21,4% mục tiêu năm 2025). Ước tính 6 tháng đầu năm 2023 tổng khách du lịch đạt 12,33 triệu lượt (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 42%); dự kiến cả năm 2023 thu hút 22 triệu lượt khách du lịch.
 
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Lạm phát được kiểm soát tốt; thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Giai đoạn 2011 - 2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm (cao hơn bình quân chung 6,67%).
 
Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá. Hiện thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. Hà Nội luôn chú trọng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 02/05 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.
 
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Thành phố triển khai nhiều giải pháp, đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD; các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội...
 
Dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới
 
Có thể thấy, 15 năm qua kể từ ngày hợp nhất Thủ đô cũng chính là quãng thời gian Hà Nội bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn đối với phát triển Thủ đô, trong suốt 3 nhiệm kỳ gần đây (2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025), Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình công tác toàn khóa hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, 2 nhiệm kỳ từ 2011 đến 2020, Thành ủy Hà Nội xây dựng Chương trình số 02-CTr/TU và nhiệm kỳ 2021-2025 là Chương trình số 04-CTr/TU.
 
Cũng trong suốt chặng đường 15 năm qua, dù có lúc khó khăn, phải cắt giảm đầu tư công, song, Hà Nội vẫn ưu tiên bố trí nguồn lực rất lớn cho xây dựng nông thôn mới. Chỉ riêng Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đề xuất dự kiến nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn khoảng 92.680 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước do doanh nghiệp, nhân dân đóng góp... là 8.980 tỷ đồng.
 
Song song nguồn vốn đầu tư, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của thành phố tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện tại các huyện, thị xã; tổ chức giao ban hằng quý để đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Ban Chỉ đạo cũng đã ban hành thông báo kết luận tại các cuộc họp giao ban và kiểm tra thực tế tại cơ sở để giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành thực hiện.
 
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ thành phố đến cơ sở, nhìn lại chặng đường 15 năm qua, đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện. Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Hiện nay, hầu hết thôn, làng khu vực ngoại thành đều có nhà văn hóa khang trang, là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Việc cưới, việc tang chuyển biến tích cực theo nếp sống văn minh, tỷ lệ hỏa táng ngày một cao. Nhiều địa phương phát động phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn với nhiều tuyến đường cây, đường hoa, bích họa... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
 
Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 thành phố Hà Nội  tiếp tục đề nghị cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở... phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế… để năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% huyện và 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… Hà Nội xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại
 
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, là chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa đã khẳng định vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của Vùng Thủ đô.
 
Thời gian qua, thành phố đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn, như đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; nút giao thông trung tâm quận Long Biên; cầu vượt nút Bắc Hồng (huyện Đông Anh); đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái cùng các công trình chống ùn tắc trong nội đô như cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh; đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đường Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32…
 
Năm 2020, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn Thủ đô đạt 23.395km (tăng 3.683km so với năm 2010). Tỷ trọng diện tích đất dành cho giao thông trên đất đô thị đạt 10,07%. Hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
 
Dự án đường Vành đai 4 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027
 
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội thông tin, chỉ tính riêng trong năm 2022, ngoài các dự án trọng điểm, Ban đã hoàn thành, thông xe nhiều dự án, như hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
 
Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, mạng lưới xe buýt Hà Nội gồm 154 tuyến đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
 
Những tuyến đường huyết mạch thay đổi diện mạo tương lai của thành phố đã được định hình rõ nét. Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai, trong đó đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng.
 
Thành phố đồng thời hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô, phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.
 
Mở rộng hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế
 
15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội luôn tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị, thúc đẩy xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.
 
Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, vùng địa phương trên thế giới. Giai đoạn 2011 - 2022, Hà Nội đã ký kết 83 thỏa thuận quốc tế. Hàng năm, lãnh đạo Thành phố đã tiếp xúc, làm việc với trên 200 đoàn khách, đối tác quốc tế; duy trì hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp. Đối ngoại nhân dân được tăng cường; nhiều di sản văn hóa, danh hiệu cao quý được UNESCO vinh danh.
 
Đặc biệt, sau kỷ niệm 20 năm "Thành phố vì hòa bình", năm 2019, Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là thành viên của "Mạng lưới thành phố sáng tạo" với lĩnh vực đăng ký tham gia là "Thiết kế sáng tạo"; là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Thủ đô Hà Nội triển khai đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành một thành phố sáng tạo tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
 
Phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội đang huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên sử dụng hiệu quả các nguồn lực trí tuệ - sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số chuỗi sản xuất công nghiệp - công nghệ cao, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hóa.
 
Đồng thời, phát triển sự nghiệp văn hoá - xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể để trọng dụng nhân tài.
 
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh. Thu hút nguồn lực phát triển khoa học và công nghệ Thủ đô. Phát huy vai trò "Thành phố sáng tạo" của Hà Nội trong Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO; xây dựng "Mạng lưới sáng kiến Hà Nội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo". Thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
 
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, các danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo", để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. Phát huy tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác phát triển, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t