Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm việc với huyện Gia Lâm (09:44 14/09/2018)


HNP - Sáng 13/9, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã có buổi làm việc với huyện Gia Lâm nhằm đánh giá việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị


Tính đến hết năm 2017, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản của huyện Gia Lâm đạt hơn 1.085 tỷ đồng, tăng bình quân là 1,2%/năm. Trong 8 tháng đầu năm 2018, đạt 564 tỷ đồng. Giá trị canh tác trên một hecta đất nông nghiệp đạt 212 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng/ha so với năm 2015.
 
Mặc dù là huyện có tốc độ đô thị hóa rất cao, tỷ lệ cơ cấu ngành nông nghiệp giảm mạnh, sản xuất phi nông nghiệp tăng nhanh, song với quyết tâm đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Huyện Gia Lâm đã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa được 1.174ha, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt 100% cho các hộ nông dân.
 
Sau dồn điền đổi thửa, huyện đã tập trung xây dựng và phê duyệt lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Phê duyệt 75 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi - phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ với tổng diện tích hơn 1.000ha. Hình thành 17 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như rau an toàn, cây ăn quả các loại. Huyện đã được cấp giấy chứng nhận vùng quả xã Kiêu Kỵ, Kim Sơn theo tiêu chuẩn VietGAP...
 
Đặc biệt, Gia Lâm đã chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất. Tập trung chỉ đạo phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm. 
 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng thăm HTX chế biến sữa bò Phù Đổng

Đã có các mô hình liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, như: vùng sản xuất rau, quả an toàn với diện tích gieo trồng trên 2.000ha tại các xã Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường… Diện tích cây ăn quả hơn 1.300 ha ở các xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Cổ Bi, Kim Sơn…Về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản: Huyện đã chủ động phát triển nhanh các trang trại, gia trại. Toàn huyện hiện có 123 trang trại, gia trại chăn nuôi xa khu dân cư để giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều mô hình xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi được triển khai hiệu quả, nhân rộng góp phần cải thiện môi trường cho nông thôn. 
 
Diện tích mặt nước trên địa bàn huyện được quản lý, khai có hiệu quả theo, một số diện tích đồng trũng trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh. Nhờ đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 1,18%/năm, trong đó giá trị canh tác trên một ha đất nông nghiệp đạt 212 triệu đồng.
 
Đối với xây dựng NTM, đến nay, huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn NTM. Huyện đã hoàn thiện hồ sơ trình Thành phố xem xét thẩm định xét công nhận huyện NTM.
 
Nhờ xây dựng NTM đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 41,2 triệu đồng/người/năm (bình quân toàn TP là 43,1 triệu). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 1,0% (Thành phố là 2,57%). Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 70,71%; tỷ lệ hỏa táng ngày càng tăng đạt 64,6%, có 100% các xã đạt theo Bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về Y tế, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 86,63%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 12,6%; tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 94,1%; tỷ lệ thôn đạt và giữ vững “Thôn văn hóa” đạt 89,6%... 
 
Đoàn công tác tham quan mô hình nuôi trùn quế ở xã Phù Đổng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, chương trình xây dựng NTM của huyện đã được triển khai tích cực, có sự đồng thuận cao của người dân. Huyện đã huy động được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị vào cuộc. 100% đường được bê tông, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập của người dân tăng.
 
Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu huyện cần huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng thêm các mô hình nông nghiệp sạch, bám sát vào quy hoạch nông nghiệp đã được phê duyệt. Duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Trong quá trình xây dựng NTM, phải lấy ý kiến người dân tham gia đóng góp. Tuyên truyền để huy động sức mạnh toàn dân vào xây dựng NTM, xây dựng NTM đảm bảo đồng bộ để tạo đà phát triển thành quận vào năm 2020.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu huyện cần huy động các ngành, đoàn thể, MTTQ, hội phụ nữ, hội nông dân...cùng vào cuộc xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp. Đối với những xã đã đạt chuẩn NTM cần nâng cao các tiêu chí đã đạt, chú trọng các tiêu chí về vệ sinh môi trường, xây dựng đường hoa, nhà có số... hướng đến nông thôn thành đô thị văn minh hiện đại trong tương lai. Phấn đấu đến cuối năm 2018, huyện Gia Lâm trở thành huyện NTM thứ 5 của thành phố.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t