Hội đồng Nhân dân huyện Thạch Thất tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp (19:56 28/05/2020)


HNP - Chiều 28/5, Thường trực HĐND huyện Thạch Thất tổ chức phiên giải trình giữa 02 kỳ họp HĐND huyện về công tác quản lý nhà nước đối với các mô hình chuyển đổi trong nội bộ đất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và công tác quản lý đất công ích trên địa bàn.


Trong những năm qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, từ huyện đến cơ sở, công tác chuyển đổi các mô hình sản xuất nội bộ đất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và việc quản lý quỹ đất công ích trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. 
 
Theo đánh giá của UBND huyện Thạch Thất, trong chuyển đổi mô hình, bước đầu đã cho thấy chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả bền vững, phần lớn các mô hình sau chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi mô hình giúp sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
 
Đối với việc triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn huyện, đã có 17/21 xã xây dựng kế hoạch thực hiện với tổng diện tích 135/153ha. Đến nay đã thực hiện chuyển đổi được 91ha, đạt 59,5% kế hoạch. Phần lớn các mô hình chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa rất nhiều lần, bình quân 1ha sau khi chuyển đổi có thu nhập từ 200 - 220 triệu đồng. Một số mô hình cho hiệu quả cao như nuôi giun quế ở xã Phú Kim thu nhập 350 triệu đồng/năm; mô hình trồng bưởi tại xã Đồng Trúc, Phú Kim, Hương Ngải thu nhập từ 250 - 350 triệu đồng/năm.
 
Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm được khắc phục. Đó là, đối với công tác chuyển đổi các mô hình sản xuất trong nội bộ đất nông nghiệp, toàn huyện có 121 mô hình chuyển đổi được UBND huyện phê duyệt thì đến nay hầu hết đã hết thời hạn, mô hình hiệu quả kinh tế không cao, nhiều mô hình có vi phạm khó xử lý. Trong triển khai thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện và quyết định của UBND thành phố còn chậm, chưa đạt kế hoạch giao (kế hoạch là 153ha, cho đến nay mới chuyển đổi được 91ha, đạt 59,5% kế hoạch). Việc quản lý quỹ đất công ích chưa chặt chẽ, hiệu quả sử dụng chưa cao, còn tình trạng sử dụng đất sai mục đích. Việc đấu thầu, giao khoán đất công ích còn khó khăn. 
 
Tại phiên giải trình, ý kiến trao đổi và giải trình của các đại biểu đã tập trung vào việc đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và chỉ đạo của chính quyền các cấp. Trong đó, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, đề ra giải pháp cụ thể, tích cực nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t