Chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường: Cần thường xuyên liên tục (21:46 18/05/2017)


HNP - Công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường thời gian qua được các cấp, các ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt và tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt. Nhưng, theo nhiều ý kiến cử tri tại các quận nội thành, công tác này vẫn chưa triệt để, một số nơi mới chỉ thực hiện đợt ra quân cao điểm, chưa thường xuyên, liên tục…, đề nghị cần chấn chỉnh, duy trì để đường thông, hè thoáng một cách bền vững.

Các lực lượng làm trật tự quận Hai Bà Trưng hướng dẫn sắp xếp xe gọn gàng trên phố Tuệ Tĩnh


Có chuyển nhưng chưa bền vững

Theo kết quả khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội tại 12 quận và thị xã Sơn Tây, ngay sau có Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, UBND các quận và thị xã đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn rà soát, sắp xếp các điểm trông giữ phương tiện tạm thời trên hè phố, điều chỉnh những điểm trông giữ phương tiện chưa hợp lý nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự hè phố, nhất là tại các khu vực tập trung đông người như công sở, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại...Nhìn chung, sau thời điểm các quận, huyện đồng loạt ra quân, tình trạng vi phạm trong sử dụng vỉa hè, lòng đường sai mục đích tại các tuyến phố chính cơ bản được khắc phục, việc kẻ vạch ranh giới khu vực để phương tiện trên vỉa hè đã dành lối đi riêng cho người đi bộ, việc tháo bỏ các phần công trình bậc tam cấp, mái che, mái vẩy lấn chiếm diện tích vỉa hè đã nhận được sự đồng thuận của đa số người dân, trật tự giao thông, trật tự đô thị có chuyển biến tích cực.

Dù có chuyển biến đáng kể, nhưng Ban đô thị HĐND thành phố cũng nhận thấy những tồn tại. Đó là việc thực hiện phân định ranh giới để phương tiện xe đạp, xe máy ở nhiều tuyến phố chiều rộng còn lại dành cho người đi bộ nhỏ hơn diện tích quy định tối thiểu (1,5m), phần dành cho người đi bộ có nhiều chướng ngại vật như cây xanh, bục, cột điện của hệ thống điện lực. Một số khu vực được cấp phép trông giữ, để phương tiện trên vỉa hè, lòng đường không có biển trông giữ phương tiện ghi thông tin cấp phép, không có hoặc thiếu vạch sơn phạm vi cấp phép, sử dụng quá diện tích cấp phép, ảnh hưởng đến phương án tổ chức giao thông, làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông tại một số điểm nút giao thông, khu vực đông dân cư, nơi có lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông cao. Cũng do chưa quyết liệt của cơ quan chức năng, nên vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè vào mục đích kinh doanh dịch vụ, nhiều phương tiện xe đạp, xe máy dừng đỗ, để trên vỉa hè thuộc phần dành cho người đi bộ, nhất là vào khung giờ cuối buổi sáng, cuối buổi chiều và buổi tối; việc bán hàng rong trên các tuyến phố chưa giảm.

Bà Dương Thị Hằng (phường La Khê, quận Hà Đông) cho rằng, dư luận không đồng tình với việc một số phường phá dỡ bậc tam cấp không căn cứ vào lịch sử tồn tại điểm vi phạm; phá dỡ không thông báo trước cho nhân dân để họ chuẩn bị hoặc tự tháo dỡ… gây khó khăn trong sinh hoạt. Thêm nữa, một số địa phương cứng nhắc trong việc giải quyết hành lang hè phố, chặt bỏ hết cây xanh bên đường. Ông Đỗ Văn Tuy (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) cũng đồng tình bày tỏ quan điểm, việc thiết lập trật tự lòng đường thời gian qua vẫn chưa triệt để, hết đợt cao điểm lại thấy trùng xuống, một số nơi lại tái lấn chiếm.

Tăng lực lượng tự quản để duy trì lâu dài

Trưởng Ban đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết,  tồn tại trên, ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố hiện nay chưa đáp ứng được phần lớn nhu cầu thực tế, thì vẫn còn nhiều nguyên nhân chủ quan. Một số đơn vị chưa làm tốt công tác điều tra cơ bản, thực hiện chưa đúng trình tự các bước: Tuyên truyền, vận động, giao thời gian thực hiện; thông báo nhắc nhở sai phạm cho thời gian khắc phục; tổ chức kiểm tra, giải quyết, duy trì để không tái diễn vi phạm. Một vài trường hợp mới đang trong giai đoạn tuyên truyền đã xử lý cưỡng chế tháo dỡ, dẫn đến hiệu quả không cao, gây phản ứng trong nhân dân. Đặc biệt, một số cơ sở mới chú trọng giải quyết, xử lý vi phạm trong giờ hành chính, vẫn chưa chú trọng giải quyết các vi phạm về ban đêm và một số ngươi dân vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm.

Không thể để tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, tại hội nghị tập thể UBND thành phố mới đây, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ngành phải đi đầu trong việc nghiêm túc thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT, trật tự đô thị; bố trí cán bộ, nhân viên điều hành nhắc nhở, xếp xe ra vào cổng cơ quan, tránh tình trạng đỗ xe sai quy định gây cản trở giao thông. Cùng với đó, UBND thành phố cũng giao các quận, huyện, thị xã rà soát những địa điểm để bố trí, sắp xếp phương tiện, đồng thời tăng cường lực lượng tự quản để hỗ trợ lực lượng Công an nhằm đủ lực lượng duy trì lập trật tự đô thị lâu dài.

Trước mắt, cùng với giải pháp tăng cường lực lượng duy trì chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, UBND thành phố chỉ đạo Sở GT-VT, Công an thành phố Hà Nội xem xét, bố trí các điểm trông giữ ô tô có thu phí theo hàng dọc trên lòng đường (sát mép hè) trên 87 tuyến phố có đủ điều kiện (cho phép đỗ 2 chiều đường tuyến phố 2 chiều có mặt cắt ngang đường từ 14m2 trở lên và đỗ xe một chiều đường trên các tuyến phố có mặt cắt ngang từ 7,5m đến dưới 14m. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo giảm phương tiện  xích lô du lịch tại khu vực quận Hoàn Kiếm, chỉ cho phép 50 xe hoạt động để giữ nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t