Chung tay hỗ trợ nông dân huyện Mê Linh tiêu thụ củ cải (21:52 18/03/2018)


HNP - Hiện nay, khoảng 1.200 tấn củ cải trồng tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đang gặp khó khăn khi tiêu thụ. Để giúp đỡ bà con nông dân tiêu thụ nông sản, các sở, ngành, UBND huyện Mê Linh đã kêu gọi và nhận được sự giúp đỡ của nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Muốn giải quyết triệt để vấn đề cần phải có những định hướng sản xuất mang tính lâu dài.

Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan đi khảo sát tình hình tiêu thụ nông sản tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh


Bước đầu hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
 
Hiện nay, trên địa bàn xã Tráng Việt, huyện Mê Linh có nhiều sản phẩm nông sản như: củ cải, bắp cải, su hào... đến thời điểm thu hoạch nhưng rất khó khăn trong công tác kết nối, tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm củ cải. Xã Tráng Việt, có diện tích sản xuất rau khoảng 305ha (sản xuất hoa; rau củ: su hào, bắp cải, bí xanh, củ cải; trái cây...) trong đó diện tích sản xuất củ cải khoảng 80ha theo hướng sản xuất an toàn, VietGap, chiếm 26,3% diện tích sản xuất rau. Về tiêu thụ sản phẩm củ cải, 95% sản lượng được tiêu thụ qua thương lái, chợ dân sinh và 5% sản lượng tiêu thụ qua các siêu thị, chuỗi thực phẩm (Fivimart, BigC, Vinmart...).
 
Trước tình hình đó, để triển khai giải pháp kết nối, hỗ trợ người nông dân tại xã Tráng Việt tiêu thụ sản phẩm củ cải, ngày 16/3/2017, UBND huyện Mê Linh đã họp và khảo sát thực tế tại vùng sản xuất xã Tráng Việt, bàn giải pháp tiêu thụ nông sản, củ cải cho nông dân xã. Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo 8 doanh nghiệp siêu thị, chuỗi thực phẩm thành phố Hà Nội.
 
Theo đại diện xã Tráng Việt cho biết, nguyên nhân tồn đọng lượng lớn củ cải tại vùng sản xuất dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa nhất thời đối với sản phẩm củ cải là do người nông dân sản xuất gối vụ đúng vào dịp tết, các đơn vị kinh doanh nghỉ nhiều, sức mua giảm; do thời tiết sau Tết thuận lợi cho các loại rau phát triển, sản lượng cao; một số gia đình nông dân, thương lái gom hàng chờ giá cao nên dẫn đến tồn đọng lại một khối lượng sản phẩm lớn không kịp bán trong khi giá càng ngày càng xuống thấp... Hiện nay, diện tích sản xuất củ cải đến thời gian thu hoạch tại xã khoảng 20ha, sản lượng ước khoảng 1.200 tấn đang khó khăn tiêu thụ trong khoảng 10 - 15 ngày tới.
 
Để giúp đỡ người nông dân tiêu thụ sản phẩm củ cải, tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo 8 đơn vị phân phối của Hà Nội tham dự hội nghị cam kết hỗ trợ tiêu thụ củ cải xã Tráng Việt trong thời gian tới. Cụ thể, Hệ thống siêu thị BigC cam kết hỗ trợ tiêu thụ khoảng 30 tấn; Hệ thống Fivimart cam kết tổ chức quầy hàng giới thiệu, bán củ cải tại khuôn viên mỗi siêu thị; Chuỗi thực phẩm Tâm Thành, Bigreen cam kết hỗ trợ bán hàng không lấy lãi hỗ trợ người dân... Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, về cơ bản sẽ góp phần hỗ trợ tiêu thụ 1.200 tấn củ cải trong thời gian tới, ổn định thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã hướng dẫn các hợp tác xã của xã Tráng Việt định hướng sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài.
 
Cần có định hướng sản xuất lâu dài
 
Để hỗ trợ nhân dân xã Tráng Việt tiêu thụ nông sản, Sở Công thương Hà Nội sẽ chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai ngay việc kết nối, đưa sản phẩm củ cải vào các kênh phân phối, bếp ăn tập thể của đơn vị. Chỉ đạo các doanh nghiệp có nhà máy sơ chế, sấy khô nông sản trên địa bàn Thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ cho người nông dân tại xã Tráng Việt có nhu cầu sấy khô củ cải để đa dạng sản phấm từ củ cải cung ứng ra thị trường. Yêu cầu các siêu thị bố trí tổ chức điểm bán củ cải tại vị trí thuận tiện trong khuôn viên siêu thị, cửa hàng kinh doanh để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, mua sắm. Đồng thời, báo cáo UBND Thành phố cho phép xe ô tô chở nông sản của các họp tác xã trên địa bàn xã Tráng Việt được hoạt động tại khu vực nội thành vào giờ cao điểm để cung ứng củ cải tới các kho, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, siêu thị...
 
Tuy nhiên, việc hỗ trợ xã Tráng Việt tiêu thụ nông sản của Sở Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp như hiện nay cũng chỉ mang tính giải quyết tình thế. Vì vậy, để sản phẩm nông sản của xã Tráng Việt ổn định về đầu ra, bà con nông dân yên tâm sản xuất, UNND huyện Mê Linh, UBND xã Tráng Việt cần tổ chức nắm bắt được cung - cầu thị trường để định hướng sản xuất sản phẩm cho nhân dân (đủ số lượng, chất lượng, thời vụ, đa dạng mặt hàng...). Việc sản xuất sản phẩm nông sản cần áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn vào kênh phân phối hiện đại. 
 
Sở Công thương Hà Nội cũng cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giá cả nông sản trên địa bàn để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân nắm được, chủ động trong sản xuất và kinh doanh. Phối hợp với huyện Mê Linh đẩy mạnh hỗ trợ công tác XTTM trong và ngoài nước trong tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân trên địa bàn huyện Mê Linh. Làm tốt hơn vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm trong việc bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, người dân tại xã Tráng Việt để ổn định sản xuất, đảm bảo sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
 
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thành phố cần tổ chức hướng dẫn hợp tác xã, hộ sản xuất theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nông sản. Hướng dẫn việc áp dụng công tác chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đào tạo nghề cho người dân về chế biến nông sản nhằm đa dạng mặt hàng, sản phẩm cung ứng ra thị trường. Hướng dẫn các Hợp tác xã thành lập nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm nông sản để nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, hướng dẫn các điều kiện để đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại; phát triển sản xuất theo mô hình sản xuất du lịch để phát triển du lịch đồng thời quảng bá, nâng cao giá trị hàng hóa. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm sau thu hoạch, tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t