Hà Nội chú trọng phát triển cây trồng chủ lực (09:55 22/01/2018)


HNP - Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đã xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực đặc thù và có thế mạnh. Trong đó nhiều sản phẩm cây trồng đã làm nâng cao hiệu quả kinh tế và thúc đẩy phát triển sản xuất của người dân, doanh nghiệp góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố.

Thu nhập cao từ trồng bưởi Diễn tôm vàng tại huyện Đan Phượng


Tại huyện Chương Mỹ sau dồn điền đổi thửa, huyện xác định đưa nông nghiệp chất lượng cao vào sản xuất là giải pháp nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người dân ở đất thuần nông. Cây Bưởi được coi là cây chủ lực của huyện và đến nay, toàn huyện Chương Mỹ có gần 400ha bưởi, trong đó, tập trung nhiều nhất tại 2 xã Nam Phương Tiến và Trần Phú. Trồng bưởi đã trở thành mô hình lý tưởng để nông dân các xã vùng đồi gò khó khăn của Chương Mỹ vươn lên làm giàu. Năm 2017, năng suất bưởi của huyện đạt trung bình 25 tấn/ha, giá trị thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha.
 
Ông Lê Văn Lanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho hay: Toàn bộ diện tích bưởi của xã Nam Phương Tiến với khoảng gần 50ha đã tham gia vào xây dựng nhãn hiệu tập thể bưởi Chương Mỹ. Hiện nay, xã cũng áp dụng trồng theo phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp VietGap. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục liên kết nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân làm để sản phẩm bưởi Diễn của địa phương đến với người tiêu dùng đảm bảo giá trị cũng như chất lượng bưởi tốt nhất.
 
Sản phẩm bưởi Chương Mỹ được chứng nhận nhãn hiệu tập thể là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nông dân trong huyện tiếp tục đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng sản xuất. Ngoài cây Bưởi thì huyện Chương Mỹ cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết: việc xây dựng các nhãn hiệu nông sản trên địa bàn huyện nhằm thông tin định hướng cho các hộ sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời học hỏi lẫn nhau. Từ đó nhiều hộ cùng tham gia sản xuất, tạo ra vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo chất lượng cao đồng đều của các sản phẩm và được người tiêu dùng ưu chuộng.
 
Tương tự, tại huyện Đan Phượng sản phẩm bưởi tại xã Thượng Mỗ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Bưởi tôm vàng Đan Phượng” đã mở ra một hướng làm giàu cho người dân trong xã. Toàn xã Thượng Mỗ có gần 1.000 hộ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích hơn 100ha; trong đó có khoảng 78ha bưởi Diễn tôm vàng, 20ha đu đủ và hơn 34 hoa và rau màu... Đặc biệt, từ khi được gắn nhãn hiệu tập thể, giống bưởi tôm vàng trở thành cây trồng chủ lực, mở ra hướng làm giàu cho người dân.
 
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố đã chuyển đổi được hơn 62.000ha, trong có gần 6.800ha trồng cây ăn quả, 2.700ha diện tích hoa cây cảnh. Để nâng cao hiệu quả cây trồng chủ lực, song song với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất thì ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đang tích cực xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân.
 
Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: để phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ các địa phương việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và từ đó nâng cao được giá trị nông sản cho người dân. Tới đây, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố để trình HĐND thông qua một số cơ chế chính sách nữa để ban hành các chính sách sát với thực tế hơn, tạo ra hiệu quả cao hơn.
 
Bên cạnh việc quy hoạch theo vùng trọng điểm trồng cây ăn quả, xây dựng thương hiệu thì một hướng đi bền vững, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gợi ý Hà Nội có thể phát triển vùng chuyên canh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng. Như vậy mới nâng cao được giá trị và phát triển các sản phẩm nông sản một cách bền vững.
 
Ngoài công tác quy hoạch các vùng chuyên canh ổn định, ngành nông nghiệp Hà Nội cần phải đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Có thể thấy, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 3,5 đến 4%, ngành Nông nghiệp đang dồn sức tập trung phát triển những cây trồng chất lượng, hiệu quả cao. Đó là những hướng đi bền vững để phát triển vùng trồng cây ăn quả của Hà Nội.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t