Nhất chi mai - thú chơi tao nhã của người Hà Nội (20:36 15/02/2018)


HNP - Nhất chi mai được xem là thú chơi tao nhã dành cho những người “sành” về hoa ngày tết. Chăm sóc loại cây “sang” này không phải người trồng mai, đào nào cũng làm được. Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc ở làng Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong số ít người dày công, dành mấy chục năm chinh phục loài hoa này.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc tỉ mỉ chăm sóc vườn mai


Việt Nam có nhiều loài mai, nhưng chỉ có một loài đi vào thi ca, tượng trưng cho sự thanh cao, khí tiết của con người trước nghịch cảnh, đó chính là Nhất chi mai. Thiền sư Mãn Giác từng có câu thơ: "Những tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Ðêm qua sân trước một nhành mai"; hay câu thơ lừng danh của Thánh Quát: "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (tức: Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ/ Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai)... 
 
Nhất chi mai ưa chăm sóc tỉ mỉ, cầu kỳ. "Vương giả" chẳng khác nào địa lan, đào Thất thốn. Số người trồng, chơi Nhất chi mai không nhiều. Với hơn 400 gốc Nhất chi mai, trong đó, có nhiều gốc mai cổ, giá trị kinh tế cao, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ là một trong những gia đình sành Nhất chi mai nhất Hà thành. Từ đầu tháng Chạp, đã có người đến đặt hoa chơi Tết. Những gốc mai gầy guộc, nhưng vẫn có những bông hoa hé nở, không chỉ từ cành, mà ngay từ dưới gốc xù xì. 
 
Câu chuyện về Nhất chi mai của chị Nguyễn Thị Kim Ngọc đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Theo chị Ngọc: Việt Nam có nhiều loài mai. Nhưng chỉ có một loài đi vào thi ca, tượng trưng cho sự thanh cao, khí tiết của con người trước nghịch cảnh, đó chính là Nhất chi mai. Loài hoa này càng giá rét, thì hoa càng trắng thanh khiết. Cũng chính bởi những ý nghĩa tao nhã ấy, mà những người trí thức Hà Nội xưa, thường đặt một chậu Nhất chi mai nhỏ trong phòng khách. Nhất chi mai, còn tượng trưng cho tính cách người Hà Nội, là nét đặc trưng Tết của những gia đình trí thức Hà Nội một thời. Trồng mai là làm kinh tế, nhưng không có tình yêu, không đạt được những đỉnh cao.
 
Người phụ nữ này tỉ mỉ đến nỗi đã từng thử đếm số cánh mai trên một bông hoa. Lần nhiều nhất, chị đếm được 92 cánh. Nếu biết rằng, nhất chi mai thường cho hoa nhỏ, mỗi bông chỉ có 30, 40 cánh, thì sẽ biết để chăm sóc và ra được số lượng cánh ấy là cả một kỳ công. Mấy mươi năm gắn bó với mai, gia đình chị Ngọc đã phải trải qua nhiều lần thất bát, bởi Nhất chi mai khó tính, một thời chẳng mấy ai trồng. May ra còn vài cụ già lưu luyến thú chơi xưa. Trồng Nhất chi mai coi như phải khởi nghiệp từ đầu. Ðể Nhất chi mai có sức sống, thì công việc chuẩn bị bắt đầu ngay từ ra Giêng. Vườn mai lúc nào cũng để sẵn nhiệt kế để xem nhiệt độ. Chị Ngọc phải theo dõi từng chồi nảy lên, lựa giữ cái nào, bỏ đi cái nào. Sang Thu, lại nghe ngóng thời tiết để chuẩn bị "dưỡng" cây cho dịp cuối năm. Tùy thuộc vào mùa ấm, lạnh, nồm hay hanh, mà phải điều chỉnh cho thích hợp. 
 
Theo chị Ngọc, khó khăn nhất khi chăm sóc cây là thời tiết không năm nào giống năm nào. Phải mất chục năm vừa trồng, vừa học hỏi chị mới có vườn mai như ngày hôm nay. Nhất chi mai ưa sạch. Sau nhiều lần thử các công thức khác nhau, chị Ngọc đã tìm ra công thức chuẩn để chăm bón, chủ yếu là dùng đỗ tương xay. "Nhất chi mai tượng trưng cho sự thanh cao. Thế nên chúng tôi không dùng các loại phân, mà dưỡng chúng bằng những gì tinh sạch. Vả lại, nhiều gia đình Hà Nội cầu kỳ, đặt một chậu mai nhỏ lên ban thờ tổ tiên. Khách có thể không biết, nhưng nếu bón những thứ không sạch sẽ cho cây, cảm giác như có lỗi với người đi trước", chị Ngọc cho biết.
 
Trồng nhất chi mai, chăm sóc loài cây này đã khó, song để mai ra hoa đúng dịp, hoa đẹp, "mắt" dày, mới là một nửa thành công. Phải tạo cho cây có dáng thế mang những ý nghĩa mà người xưa để lại. Dáng "bạt phong hồi đầu" thể hiện cái tâm thế dù cuộc đời xô đẩy vẫn nhớ về chốn cũ; dáng xiêu, tượng trưng cho người biết vận dụng thời cuộc. Nhất chi mai của anh Sơn, chị Ngọc "khác người", bởi chỉ trồng trong chậu. Trồng trong chậu đòi hỏi công chăm sóc hơn, nhưng gốc cây xù xì hơn, đẹp hơn. Gia đình chị Ngọc phải đợi cây mai ít nhất sáu, bảy tuổi mới bắt đầu cho thuê. Có những cây cổ, vài chục năm tuổi.
 
Điểm khác biệt của vườn Nhất chi mai gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngọc với những khu vườn đào quất, vườn mai khác là sư tĩnh lặng, dù đang vào vụ. Người đến với vườn mai này, theo đúng nghĩa "thưởng mai", cần sự yên tĩnh, để thả tâm hồn trong từng dáng thế. Thời tiết Hà Nội đang ấm áp, Chị Ngọc chia sẻ: "Ấm thế này, hoa hơi phớt sắc hồng. Khi rét, hoa sẽ chuyển mầu trắng thanh khiết. Càng rét, sắc hoa càng đẹp"…
 
Trước khi tạm biệt người phụ nữ trồng mai, chúng tôi băn khoăn hỏi chị: Chị có truyền nghề lại cho 2 người con của gia đình không? Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc chỉ cười mà chẳng dám khẳng định ai trong số 2 người con của chị đủ “sức” gánh vác vườn mai này. Bởi, kinh nghiệm chị có thể truyền lại, song tình yêu để dưỡng những gốc Nhất chi mai này phải ở chính trong tâm mỗi người - điều mà rất khó tìm trong thế hệ trẻ thành thị ngày nay.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t