Tiếp tục nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia (11:13 11/06/2018)


HNP - Xây dựng, duy trì trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Do đó, ngành GD&ĐT Hà Nội cũng như các địa phương đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp theo hướng hiện đại.

Phấn đấu đến năm 2020, 70% các trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia


Tăng cường nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia
 
Theo báo của Sở GD&ĐT, trong những năm qua, Thành phố rất quan tâm chỉ đạo và đầu tư trường, lớp học nhằm thực hiện chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia. Trong năm 2017, tổng số trường học được kiểm tra thẩm định công nhận đạt trường chuẩn quốc gia là 130 trường, đạt 162,5% kế hoạch Thành phố giao. Số trường đến hạn công nhận lại là 205 trường, ngành GD&ĐT đã kiểm tra thẩm định công nhận lại 127 trường. Sở GD&ĐT đã tích cực chủ động tham mưu với UBND, HĐND TP Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng theo yêu cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, tập trung xóa các phòng học cấp 4 xuống cấp ở tất cả các cấp học. Xây dựng, nâng cấp nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn. Tăng cường trồng cây xanh trong khuôn viên trường học tạo cảnh quan môi trường sự phạm thân thiện, xanh - sạch - đẹp…
 
Có thể nói, kết quả việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một điểm nhấn của ngành GD&ĐT Thủ đô. Về phía các nhà trường cũng đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, nên đã nỗ lực đẩy mạnh chất lượng GD&ĐT. Trong đó, đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chất lượng ở đây ngoài việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thì yếu tố quan trọng là tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đây là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục. Thêm vào đó, các trường cũng nỗ lực xây dựng môi trường học đường xanh – sạch – đẹp. Đồng thời, đưa ra các lộ trình và giải pháp đạt được các yếu tố, tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia. 
 
Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong quá trình thực hiện, Thành phố Hà Nội có nhiều thuận lợi nhưng cũng xuất hiện không ít những khó khăn. Nếu các quận nội thành gặp trở ngại về quỹ đất thì kinh phí đầu tư lại là trở ngại lớn nhất của các huyện ngoại thành. Cụ thể, các huyện gặp khó khăn khi vừa phải lo đầu tư cho trường công nhận mới, đồng thời, tiếp tục củng cố đầu tư để công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó, các quận gặp vướng mắc về quỹ đất để mở rộng trường, do số học sinh tăng. Thêm vào đó, tiến độ công nhận lại các trường đạt chuẩn chậm; một số trường đã được công nhận đạt chuẩn nhưng còn có tiêu chí chưa được bổ sung kịp thời...
 
Nhiều giải pháp phấn đấu đạt chỉ tiêu được giao
 
Trong năm 2018, Thành phố giao xây dựng mới 80 trường chuẩn quốc gia (29 trường Mầm non, 22 trường Tiểu học, 22 trường THCS, 7 trường THPT), công nhận lại 189 trường chuẩn quốc gia. Số trường chưa hoàn thành công nhận lại năm 2017 được chuyển sang năm 2018 là 78 trường. Từ đầu năm đến nay, ngành GD&ĐT tiếp tục duy trì tốt hệ thống GD&ĐT trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng. Ngoài ra, thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố khẩn trương triển khai kế hoạch xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia năm 2018 theo định hướng đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại; tiếp tục rà soát, đánh giá và công nhận lại các trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Năm 2018 cũng là năm thứ 3 của kỳ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, toàn ngành GD&ĐT tiếp tục nỗ lực hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao. Thành phố phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ các trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia của Thành phố là 70%. Và để công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt được mục tiêu này, Sở GD&ĐT đề xuất năm 2018, các quận, huyện cần ưu tiên đầu tư các nguồn lực để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. UBND Thành phố ưu tiên kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp THPT; hỗ trợ kinh phí 2 huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp, khó khăn kinh tế là Phú Xuyên, Ba Vì; rà soát quỹ đất công để bổ sung quỹ đất và giải pháp nâng tầng so với quy định cho các trường thuộc quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm…
 
Duy trì, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia sẽ tạo ra khí thế thi đua ở các quận, huyện, thị xã và các nhà trường trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT của toàn Thành phố. Qua đó, càng củng cố vững chắc vị trí hàng đầu trong cả nước về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nói riêng và GD&ĐT nói chung của Thủ đô.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t