Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng (12:10 25/05/2018)


HNP - Bước vào mùa nắng nóng năm nay, thời tiết diễn biến bất thường nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trước thực trạng này, ngoài các lực lượng của thành phố, thì chính quyền các địa phương có rừng cũng triển khai các phương án chủ động phòng, chống cháy rừng, bảo vệ "lá phổi xanh" cho Thủ đô.

Người dân huyện Ba Vì phát quang các bụi cây nhở phòng tránh cháy rừng


Trên địa bàn thành phố Hà Nội có  27.756,56ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất có rừng là 18.600ha, tập trung chủ yếu ở 7 huyện, thị xã. Rừng của Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan và góp phần phát triển du lịch sinh thái. Rừng của Thủ đô chủ yếu là rừng trồng là cây thông, keo, bạch đàn, thực bì dưới tán rừng phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cần phải được quan tâm đặc biệt. 
 
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đang trong quá trình phát triển với tốc độ nhanh, đô thị hóa ngày càng cao, diện tích cây xanh chưa đủ để đáp ứng với quá trình đô thị hóa. Vì thế, rừng lại càng đóng vai trò quan trọng như những lá phổi xanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm trong nội đô. Với những vai trò đặc biệt quan trọng ấy, rừng cần được bảo vệ và đặc biệt tránh để xảy ra các vụ cháy rừng. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm 2017, Hà Nội đã ghi nhận 15 vụ cháy rừng. Trong đó, riêng vụ cháy rừng tại thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, đầu tháng 6/2017 đã làm cháy hơn 50ha rừng.
 
Để không lặp lại những vụ việc như những năm trước, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai các phương án đảm bảo phòng chống cháy rừng. Tại huyện Ba Vì, nơi có diện tích rừng lớn nhất thành phố Hà Nội, với 9.867ha, tương đương 40% tổng diện tích rừng toàn thành phố, để đảm bảo cho rừng phát triển ổn định, không xảy ra cháy và khai thác tài nguyên bừa bãi, công tác tuyên truyền bảo vệ và phòng cháy chống cháy rừng được huyện đặc biệt coi trọng.
 
Ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ cháy do sự bất cẩn của người dân, trong đó có 1 vụ cháy 0,8ha. Riêng vụ 5ha đã được xử lý sau 4h đồng hồ đã được lực lượng kiểm lâm và người dân xã dập tắt, đám cháy này mới chỉ cháy lớp thượng bì chưa cháy lên các cây rừng. Ngoài ra còn có một vụ cháy 1,6ha lớp thượng bì ở một đảo thuộc hồ Suối Hai, vụ cháy đã được đơn vị quản lý hồ Suối Hai kịp thời xử lý.

Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, để chủ động bảo vệ tài nguyên rừng, huyện Ba Vì đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, khi bước vào mùa nắng nóng, công tác này luôn được đặt lên hàng đầu với sự tham mưu chặt chẽ của cơ quan thường trực là Hạt Kiểm lâm huyện. Đội ngũ cán bộ kiểm lâm viên, kiểm lâm địa bàn cũng phát huy tốt vai trò của mình. Với nhiệm vụ bám rừng, bám dân và bám chính quyền cơ sở, đội ngũ cán bộ này đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, tổ chức tuyên truyền, tuần tra phát hiện và xử lý nghiêm các vụ phá rừng làm nương rẫy, vận chuyển lâm sản trái phép nên đã hạn chế tối đa các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
 
Còn tại huyện Sóc Sơn, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, riêng quý I/2018, trên địa bàn huyện xảy ra 9 vụ cháy, trong đó chủ yếu là cháy dân sự với 7 vụ và 2 vụ cháy rừng. Các vụ cháy được phát hiện sớm và xử lý, các đơn vị quản lý đã điều tra làm rõ các nguyên nhân xảy ra các vụ cháy. Rừng của huyện Sóc Sơn chủ yếu là rừng thông, keo lại giáp ranh với các tỉnh thành phố khác, đặc biệt có nhiều điểm thăm quan vui chơi của khách du lịch... Ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng, vì những đặc điểm này, nên ngay từ cuối năm 2017, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng cho năm 2018. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô nóng. Thường xuyên tổ chức canh gác cũng như có những phát hiện những nguy cơ cháy nổ để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ này.
 
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai công tác tuần tra, canh gác phòng chống cháy rừng trên địa bàn để không xảy các vụ cháy rừng. Đặc biệt ở các điểm du lịch, các điểm cắm trại của học sinh, sinh viên huyện sẽ thắt chặt quản lý, tuyên truyền cho người dân về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Không để xảy ra tình trạng vô ý làm cháy rừng...
 
Theo đánh giá chung, trong thời gian qua, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được các địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó, nhiều vụ cháy rừng đã được phát hiện sớm, dập tắt kịp thời, ngăn chặn được những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Diện tích rừng tại Hà Nội không lớn nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện môi trường sinh thái, phục vụ phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung. Mùa nắng nóng đang đến gần, hơn lúc nào hết các địa phương cần chủ động thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy, coi nhiệm vụ phòng hơn chống, tránh các tâm lý chủ quan xem nhẹ.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t