Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác phổ cập bơi năm 2018 (15:17 24/04/2018)


HNP - Ngày 24/4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị triển khai công tác phổ cập bơi năm 2018 và đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trường học trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến phát biểu tại hội nghị


Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 10/2017, toàn Thành phố có 728 trường tiểu học, 617 trường THCS với tổng số hơn 1,1 triệu học sinh. Trong số này, có nhiều học sinh chưa biết bơi và cần được phổ cập trong thời gian tới. Trong khi Hà Nội có diện tích rộng, nhiều sông, ao, hồ và các công trình đang xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao đối với học sinh. 

Để hạn chế những nguy cơ này, từ năm 2016, Sở đã có công văn yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai công tác giáo dục tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Đồng thời, đề nghị các các quận, huyện triển khai mô hình “Bể bơi thông minh” lắp đặt tại nhà trường để dạy bơi cho học sinh tiểu học. Công tác đào tạo bồi dưỡng cũng được Sở chú trọng. 

Trong những năm qua, Sở đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho các giáo viên cốt cán, có chuyên môn bơi và kinh nghiệm giảng dạy bơi cho học sinh được tập huấn theo chương trình dạy bơi an toàn và phương pháp cứu đuối của các quận, huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh… Trong quá trình tổ chức thực hiện đã mang lại hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, có một số đơn vị đã xây dựng kế hoạch của phòng GD&ĐT nhưng giải pháp tổ chức thực hiện chưa được khả thi, cá biệt có đơn vị hiện nay chưa có bể bơi nào được xây dựng hay lắp đặt trong trường công lập như: nhuyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín… 

Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng công tác HSSV (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, từ năm 2016 Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức triển khai chương trình phổ cập bơi cho học sinh tiểu học, tuy nhiên, khi triển khai đã nảy sinh những khó khăn, bất cập như: Việc xây bể bơi mini trong nhà trường, công năng sử dụng chưa cao do cơ chế quản lý còn bất cập. Cùng đó là điều kiện thời tiết ở Hà Nội tính theo thời gian trong 1 năm thường lạnh nhiều hơn nóng (khoảng 8 tháng). Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy bơi trong nhà trường. Ngoài ra, một khó khăn mà các trường đang gặp phải khó khăn là, trường có diện tích để xây bể bơi thì gặp khó về kinh phí; trường có khả năng huy động được vốn lại không có diện tích… 

Do đó, đồng chí đề xuất, với những khó khăn trên, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Hơn nữa, Thành phố cần có chính sách hợp lý cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn bơi, vì một lớp học bơi trung bình từ 20-25 học sinh, ít nhất phải có 2  giáo viên dạy và quản lý mới có hiệu quả. Với UBND các quận, huyện có kế hoạch đầu tư kinh phí cho việc xây dựng bể bơi mini hoặc lắp đặt “Bể bơi thông minh” trong các trường học trên địa bàn. Hỗ trợ học phí cho học sinh tham gia học bơi, miễn phí với HS hoàn cảnh khó khăn; Có cơ chế trong việc tổ chức thực hiện dạy bơi đối với các đơn vị được xây dựng bể bơi mini cố định trong trường.

Nhằm hạn chế những tai nạn thương tích cho học sinh, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới, các phòng GD&ĐT chủ động tham mưu với UBND quận, huyện đầu tư kinh phí cho các nhà trường xây bể bơi mini hoặc “Bể bơi thông minh” để dạy bơi cho học sinh trong dịp hè; tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chuyên môn bơi để tự đảm nhiệm việc dạy bơi cho học sinh; Rà soát số học sinh chưa biết bơi để xây dựng kế hoạch sát với thực tế từng năm và triển khai công tác dạy bơi cho học sinh đạt hiệu quả cao. 

Đặc biệt, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phổ cập bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh coi đây là trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội. Giáo dục kỹ năng, xử lý tình huống và biết cách phòng, tránh các nơi nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn đuối nước; biết tìm sự giúp đỡ của người lớn khi có sự cố xảy ra…

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về công tác đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trường học. Sở GD&ĐT cho biết, Thành phố có gần 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1-4 bữa/ngày. Tháng 4 là tháng cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tới các trường. Kết quả, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường cơ bản đạt tiêu chuẩn, không có vi phạm về an toàn thực phẩm…


Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t