Hà Nội: Thực hiện hiệu quả, bền vững các Chương trình mục tiêu quốc gia (12:52 14/04/2018)


HNP - Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5%, có ít nhất 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên trên 255 xã...đây là một số kết quả trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh kinh tế xã hội của thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, để đạt được những chỉ tiêu này phải có sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu các địa phương và các sở, ngành liên quan.

Với nhiều nỗ lực từ các sở, ngành, địa phương, các cấp cũng như từ phía người dân, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2017 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng mừng. Đến nay, thành phố có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 255 xã, chiếm 66,06% tổng số xã trên địa bàn thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt 39 xã đã được Hội đồng thẩm định thành phố bỏ phiếu đủ điều kiện trình Chủ tịch UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.
 
Trong số 92 xã còn lại, đã có 53 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, còn 39 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí. Như vậy, trên địa bàn thành phố không còn xã dưới 10 tiêu chí. Nhờ việc tập trung Chương trình MTQG về xây dựng NTM mà bộ mặt làng quê đã dần thay đổi. Trong đó đường làng, ngõ xóm, hệ thống thoát nước; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương cấp 3 đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng cấp và xây mới các trường học đảm bảo nhu cầu giảng dạy và học tập tại địa phương; cải tạo, nâng cấp, xây mới các trạm y tế đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân,... 
 
Bên cạnh đó, để việc thực hiện các Chương trình MTQG có hiệu quả cao, tăng được thu nhập và nâng cao đời sống người dân, thành phố đã tập trung xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với 120 mô hình. Trong đó các địa phương có nhiều mô hình như: huyện Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Thanh Oai có 9 mô hình, Phúc Thọ có 8 mô hình, Đông Anh có 8 mô hình,... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của thành phố Hà Nội.
 
Riêng đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, thành phố đã nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nếu như khu vực nông thôn năm 2016, có tỷ lệ hộ nghèo là 3,65%, thì đến cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 2,57%. Năm 2018 toàn Thành phố phấn đấu giảm thêm 5.600 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ 0,30% hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ nghèo còn dưới 1,2%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố.
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố công tác thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo luôn được triển khai có hiểu quả. Hàng năm thành phố đã thường xuyên rà soát thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phân tích nguyên nhân nghèo và phân loại các hộ nghèo theo nhóm nhu cầu trợ giúp để có các chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, hiệu quả. Ngoài các chương trình hay dự án về khuyến nông, khuyến công, thành phố còn xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả phù hợp từng địa phương. Hỗ trợ cho vay vốn đối với nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
 
Nhiều địa phương đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo, thực hiện giảm nghèo đa chiều như: chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe, chính sách giáo dục, chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ người nghèo tiếp cận thông tin, tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường. Cụ thể như: trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng và các chính sách hỗ trợ trực tiếp khác. Tập trung giải pháp phù hợp, hiệu quả, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) và xã An Phú (huyện Mỹ Đức), hạn chế thấp nhất số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh.
 
Có thể nói, để đạt được những quan trọng trên, thành phố đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, trong đó, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 được thành lập kịp thời và đi vào hoạt động hiệu quả. Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố (trưởng ban) đã đưa ra nhiều chỉ đạo sát sao. Chỉ tính riêng trong năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 29 công văn, 6 kế hoạch, 17 quyết định bản chỉ đạo, điều hành và đôn đốc các huyện, thị xã, các sở ngành liên quan triển khai thực hiện 2 chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố.
 
Ngoài ra việc phân bổ và hỗ trợ nguồn vốn cũng được ưu tiên, dự kiến tổng kinh phí đầu tư và hỗ trợ cho Chương trình MTQG về giảm nghèo là 10.200 tỷ đồng. Về Chương trình MTQG về xây dựng NTM từ năm 2016 đến nay là 25.093,3 tỷ đồng, riêng 3 tháng đầu năm 2018 là 7.847,3 tỷ đồng…
 
Trong thời gian tới, để phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ nghèo còn dưới 1,2% thành phố sẽ thực hiện một số giải pháp như: chỉ đạo các địa phương phải chủ động xây dựng chương trình, mô hình giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở tiềm năng đất đai, nguồn lực, các sở, ngành phải hướng dẫn cho huyện, xã... khai thác tốt nguồn lực của mình; đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm nghèo bền vững, hướng dẫn để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân…

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t