Bất cập quy hoạch phát triển mạng lưới chợ (16:10 13/03/2018)


HNP - Chợ không những đóng vai trò quan trọng trong giữ bản sắc của khu dân cư mà còn là động lực để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn một số bất cập cần sớm được điều chỉnh để hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

Thiếu quỹ đất xây dựng

Qua rà soát, trên địa bàn thành phố hiện có 454 chợ, trong đó, có 15 chợ hạng 1; 60 chợ hạng 2; 327 chợ hạng 3 và 52 chợ chưa phân hạng. Trên địa bàn thành phố có 28 chợ đề xuất không phân hạng do là chợ tạm hoạt động trong thời gian chờ đầu tư xây dựng mới, chợ nằm trên diện tích đất cây xanh, đất ngoài đê, chợ thuộc diện giải phóng mặt bằng. Ba chợ được đề xuất đưa ra khỏi danh sách chợ do đã chuyển đổi chức năng không còn hộ kinh doanh trong chợ, chợ đã giải tỏa hiện không còn chợ; 21 chợ đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng. Trong giai đoạn 2012-2017, thành phố đã đầu tư xây dựng mới 48 chợ, đạt 27,3% so với kế hoạch; chưa đầu tư xây dựng thêm được chợ đầu mối; đầu tư xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp được 118 chợ.

Theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 605 chợ, trong đó, có 7 chợ đầu mối. Như vậy, trong kỳ quy hoạch phải thực hiện đầu tư xây dựng mới 176 chợ, trong đó, phải thực hiện đầu tư xây dựng mới 5 chợ đầu mối. Nhưng sau 5 năm triển khai Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc. Tại một số phường, xã, khu vực, có quy hoạch xây dựng mới loại hình hạ tầng thương mại nhưng không bố trí được quỹ đất để thực hiện. Một số địa điểm được xác định cụ thể để xây dựng mới loại hình hạ tầng thương mại nhưng khi rà soát thì trùng vị trí với các công trình xây dựng khác hoặc không đảm bảo về khoảng cách theo các quy định chuyên ngành đến các công trình lân cận, dẫn đến việc thực hiện không khả thi. Các quy hoạch xây dựng được phê duyệt chưa chỉ rõ vị trí cụ thể từng loại hình hạ tầng thương mại dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp khi tìm hiểu thông tin và đề xuất thực hiện dự án.

Qua tìm hiểu, hầu hết các quận, huyện, thị xã đều có đề xuất bổ sung, điều chỉnh, đưa ra khỏi danh mục quy hoạch hoặc điều chỉnh, cập nhật vị trí quy hoạch các công trình hạ tầng thương mại. Trong đó có 11 quận, huyện, thị xã đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 46 chợ (chiếm 7,6%); 17 quận, huyện, thị xã đề xuất bổ sung vào quy hoạch 85 chợ (chiếm 14%) và 4 quận, huyện đề xuất điều chỉnh liên quan đến vị trí, quy mô của 5 chợ.

Trên cơ sở tổng hợp kết quả rà soát quy hoạch, Sở Công Thương đã thống nhất với sở, ngành liên quan và có tờ trình thành phố phê duyệt chủ trương, đề cương, dự toán thực hiện điều chỉnh cục bộ Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 7432/QĐ-UBND ngày 25/10/2017 phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hiện, Sở Công Thương đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trong đó có mạng lưới chợ đảm bảo gắn với quy hoạch xây dựng, phù hợp tình hình phát triển các loại hình thương mại văn minh hiện đại.

Chợ đầu mối chưa phát huy hiệu quả

Về phân bố mạng lưới, trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối. Chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) diện tích 30.000m2, hiện có khoảng 1.000 hộ kinh doanh, cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm; trung bình có khoảng 250 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ mỗi ngày. Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) diện tích 23.400m2 với 468 hộ kinh doanh cung cấp các loại nông sản, thực phẩm; có từ 200 đến 400 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ mỗi ngày.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối. Cụ thể, chợ Long Biên có 627 hộ kinh doanh trái cây, nông sản, thực phẩm với lượng hàng hóa luân chuyển từ 150 đến 200 mỗi ngày. Chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) có gần 100 hộ kinh doanh thủy sản, trung bình luân chuyển từ 100 đến 150 tấn cá các loại qua chợ mỗi ngày. Chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín) có khoảng 200 hộ kinh doanh gia cầm, thủy cầm, có khoảng 50 tấn gia cầm, thủy câm luân chuyển qua chợ mỗi ngày. Chợ Nành (huyện Gia Lâm) có 1.133 hộ kinh doanh bán buôn vải, quần áo lớn nhất miền Bắc. Chợ hoa quả Quảng An (quận Tây Hồ) có khoảng 300 hộ kinh doanh hoa, cây cảnh.

Theo Sở Công Thương, hoạt động của 2 chợ đầu mối và 5 chợ có tính chất đầu mối trên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của thành phố, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Các chợ đầu mối này chủ yếu đảm nhiệm việc tập trung mối hàng từ các tỉnh phân phối cho thị trường Hà Nội và thị trường một số tỉnh lân cận, chưa đảm nhiệm chức năng xuất khẩu ra nước ngoài. Do quy mô phân phối còn nhỏ nên các chợ đầu mối này chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường. Phần lớn hàng hóa tại chợ đầu mối chưa thể truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, ngoài duy trì 2 chợ đầu mối hiện đang hoạt động, thành phố quy hoạch xây dựng mới 5 chợ đầu mối tại các xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) 30ha, Thạch Thán (huyện Quốc Oai) 20ha, Thanh Lâm, Kim Hoa (huyện Mê Linh) 30ha, Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên) 30ha, Cam Thượng (huyện Ba Vì) 30ha. Ngoài ra, theo Quy hoạch phát triển thương mại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, trên địa bàn thành phố sẽ xây dựng mới 1 chợ đầu mối tại huyện Đan Phượng nhưng chưa xác định được vị trí, quy mô. Mặc dù hằng năm các chợ đầu mối đều được đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nhưng đáng tiếc, số lượng doanh nghiệp quan tâm, đề xuất thực hiện dự án còn hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu mua bán, sinh hoạt của người dân.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t