Ngành y tế Hà Nội: Hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân (09:07 16/02/2018)


HNP - Năm 2017, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song, với những nỗ lực không ngừng của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, ngành y tế Hà Nội tiếp tục vươn lên là điểm sáng về công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân Thủ đô.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội thăm quan Trung tâm TTKTC&TH Hà Nội


Sở Y tế Hà Nội hiện quản lý 41 bệnh viện công lập, khối y tế ngoài công lập có 34 bệnh viện, 2.931 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế với tổng số 13.347 giường bệnh. Năm 2017, cùng với việc chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kỹ thuật mới tại các tuyến điều trị trong ngành, đặc biệt tại các bệnh viện hạng I, ngành Y tế Hà Nội đã tập trung phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với bệnh viện tuyến trung ương và các nước trong khu vực, được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao như chuyên ngành sản phụ khoa, ung bướu, tim mạch, phẫu thuật tạo hình, ngoại khoa, vi phẫu, phẫu thuật nội soi đã được thực hiện thường quy tại các bệnh viện tuyến huyện.
 
Công tác y tế cơ sở được củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, chuyên môn, không để xảy ra tai biến về chuyên môn. Các phòng khám đa khoa khu vực thu hút được nhiều người dân đến khám bệnh và điều trị trung bình từ 80-150 lượt/ngày, nhiều phòng khám có số bệnh nhân 200-250 lượt/ngày.

Đặc biệt, năm 2017, ngành y tế Thủ đô đã triển khai thí điểm khám, lập hồ sơ quản lý sức khoẻ người dân tại 5 quận, huyện (gồm: Long Biên, Gia Lâm, Ba Đình, Sóc Sơn và Nam Từ Liêm) với 10 xã/phường. Kết quả đã khám và lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho 68.129/139.929 người dân (đạt tỷ lệ 48,7%). Hiện tại, đang hoàn thiện phần mềm quản lý sức khoẻ để triển khai cập nhật dữ liệu sức khỏe cho người dân tại 100% xã, phường trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, ngành y tế Thủ đô cũng triển khai sàng lọc ung thư đại trực tràng tại 7 quận, huyện (gồm: Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Long Biên, Thanh Trì và Sóc Sơn). Kết quả, xét nghiệm 115.733 mẫu, trong đó, có 5.882 mẫu dương tính (chiếm 5,1%). Những trường hợp có kết quả dương tính được tư vấn thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu tại Trung tâm kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội.
 
Riêng về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, trong năm 2017, tình hình dịch bệnh trong nước, trên thế giới, các nước trong khu vực diễn biến rất phức tạp, nhất là dịch sốt xuất huyết đến sớm và có những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố, sự tham gia tích cực của hệ thống y tế dự phòng, dịch bệnh sốt xuất huyết đã từng bước được khống chế, số ca mắc mới đã giảm liên tiếp trong những tuần gần đây. Bên cạnh đó, những dịch bệnh lưu hành trong nước như: Tay chân miệng, sởi, viêm não, cúm… cùng những dịch bệnh mới nổi trên thế giới như: Ebola, MERS-CoV, Zika... vẫn được kiểm soát tốt, không có diễn biến bất thường.

Song song với việc ứng dụng và phát triển các kỹ thuật mới trong điều trị, việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, áp dụng các biện pháp cải cách TTHC nhằm giảm phiền hà cho người bệnh cũng được tập trung triển khai. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền: tại các cơ sở y tế hiện nay đều có sơ đồ, biển báo chỉ dẫn đường đến các khoa, phòng trong bệnh viện rõ ràng, dễ hiểu, dễ tìm. Khu chờ của bệnh nhân tại các khoa phòng được trang bị đủ ghế ngồi, nước uống, tivi, tranh ảnh, tờ rơi hướng dẫn phòng bệnh. Các bệnh viện còn bố trí bộ phận đón tiếp, hướng dẫn người bệnh các bước theo quy trình khám bệnh, hướng dẫn hoàn thiện các TTHC. Với những bệnh nhân cao tuổi, nhân viên y tế sẽ đưa bệnh nhân đến tận các phòng khám, khoa xét nghiệm, phòng thăm dò chức năng.

Đáng chú ý, tại kết quả khảo sát sự hài lòng người bệnh mới đây do Sở Y tế tiến hành, có 32,93% người bệnh có đánh giá rất hài lòng; 51,27% đánh giá hài lòng; 13,10% đánh giá bình thường và chỉ có 2,7% không hài lòng. Ngoài ra, qua phỏng vấn trực tiếp, đa số người bệnh và người nhà bệnh nhân đánh giá cao thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế. Thậm chí, họ được nhân viên y tế hướng dẫn làm thủ tục tại bệnh viện nhanh chóng, đơn giản hơn, giảm thời gian chờ đợi. Đối với những trường hợp sử dụng dịch vụ thủ thuật và phẫu thuật, người bệnh và người nhà bệnh nhân được nhân viên y tế giải thích cụ thể, rõ ràng trước khi can thiệp thủ thuật, phẫu thuật và họ đã cảm thấy yên tâm. Hơn nữa, người bệnh nội trú được công khai thuốc và vật tư y tế hằng ngày, nhất là không phải nằm ghép…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong những năm tiếp theo, mục tiêu xuyên suốt toàn ngành là tiếp tục thực hiện thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng TTHC đối với người bệnh, đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phát triển kỹ thuật cao… nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các quy định về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và kiểm soát tình trạng lạm dụng, trục lợi từ khám bảo hiểm y tế. Tập trung thực hiện hiệu quả xã hội hóa, đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh, kiểm soát dịch bệnh...


Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t