Xây dựng phường, xã, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm (09:52 22/01/2018)


HNP - Trong những năm qua, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm đã được cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn Thành phố quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 16 điểm, tụ điểm mại dâm, trong đó, có 6 tụ điểm mại dâm công cộng, 10 tụ điểm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ (KDDV) có điều kiện dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Người bán dâm hoạt động với nhiều phương thức khác nhau. 6.041 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự gồm 2 vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ; 46 cơ sở kinh doanh Bar rượu có nhạc mạnh; 1.389 cơ sở kinh doanh karaoke; 3.434 khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; 1.170 cơ sở masage, tẩm quất, bấm huyệt... Tại 06 điểm, tụ điểm mại dâm công cộng thuộc 05 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai vẫn còn đối tượng nữ nghi hoạt động mại dâm công khai mời chào khách. Theo thống kê của Phòng PC 47 - Công an Thành phố, trên địa bàn Thành phố hiện có 12.904 người nghiện ma túy. Trong đó số có mặt tại cộng đồng là 8.858 người, số vắng mặt là 1.181 người, số đang cai nghiện quản lý sau cai tại các cơ sở cai nghiện ma túy của Thành phố là 1.413 người, số tại các trường trại do ngành công an quản lý là 1.452 người.

Trong năm 2017, ngành LĐTB&XH thành phố đã chủ động tham mưu với UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; đồng thời tổ chức kiện toàn Tổ công tác liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm Thành phố và Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố; tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra và thực hiện văn bản mới trong lĩnh vực hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp; Thành lập Tổ giúp việc và tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tổ công tác liên ngành PCMD Thành phố. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương tích cực tuần tra, kiểm soát không để hoạt động mại dâm tại các địa bàn công cộng, trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Bàn giao Dự án “Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội” cho Viện sức khỏe cộng đồng và ánh sáng Light tiếp tục quản lý; Khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn Thành phố; Phối hợp với cơ quan Công an, quận Hai Bà Trưng triệt xóa 01 tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm tại đường Lê Duẩn.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Tư pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các Cơ sở cai nghiện ma túy, cấp phát 75 cuốn tạp chí tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội cho 30 quận, huyện, thị xã. Hội LHPN thành phố tổ chức 1 buổi tập huấn các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm và hỗ trợ phụ nữ mại dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng cho trên 120 cán bộ chuyên trách và tình nguyện viên cơ sở; 03 buổi tuyên truyền phòng, chống mại dâm tại cơ sở các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên. 10 lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tư vấn điều trị nghiện ma túy cho cán bộ cơ sở.

Về tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, trong năm, các đơn vị đã tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 382/300 người, đạt 127,3% kế hoạch năm. Trong đó, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng 12 người; cai nghiện tự nguyện tại gia đình 264 người; cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng 106 người. Nổi bật trong công tác cai nghiện có quận Long Biên đã tổ chức cai nghiện tại gia đình cộng đồng cho 73/20 người, đạt 365% chỉ tiêu kế hoạch năm, quận Hai Bà Trưng 44/20 người, đạt 220% kế hoạch năm; quận Hoàn Kiếm 79/10 người, đạt 790% kế hoạch năm; quận Ba Đình 23/12 người, đạt 191%, và thị xã Sơn Tây 16/10 người đạt 160% kế hoạch năm. Bên canh đó một số đơn vị như: quận Tây Hồ, huyện Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thạch Thất, Đan Phượng chưa thực hiện cai nghiện tại gia đình cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm vừa qua, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn còn một số tồn tại như: sự vào cuộc của các ban, ngành còn hạn chế, công tác chỉ đạo ở cơ sở chưa sát sao; công tác chỉ đạo, đánh giá, phân loại chuyển hóa địa bàn, xây dựng phường, xã, thị trấn lành mạnh vẫn còn có một số nơi chưa quán triệt và triển khai kịp thời, đồng bộ, chưa nhận thức đó là nhiệm vụ chính trị tại địa phương, phải có sự chỉ đạo, đôn đốc của cấp trên mới thực hiện; các quận, huyện, thị xã chưa chú trọng chỉ đạo tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; số người nghiện ma túy được giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn hạn chế; công tác quản lý về trật tự xã hội ở Thành phố của các cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa quyết liệt, công tác quản lý ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, các loại văn hóa phẩm không được phép lưu hành chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Phát huy những thành tích đã đạt được, trong năm 2018, ngành LĐTB&XH thành phố tiếp tục chú trọng công tác tham mưu cho UBND thành phố về công tác phòng chống ma túy, mại dâm; tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội gắn với xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh. Chú trọng công tác tuyên truyền đến đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng vi phạm tệ nạn ma túy, mại dâm, lao động, tiếp viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Phối hợp chặt chẽ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về ma túy, mại dâm đảm bảo nghiêm minh, không xót, lọt tội phạm. Phối hợp với các ngành nội chính xác định án điểm, đưa ra xét xử lưu động để tuyên truyền, răn đe tội phạm, tạo đà phát động phong trào quần chúng tham gia phòng, chống loại tệ nạn này…


Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t