Nhiều chuyển biến tích cực trong giải phóng mặt bằng (21:46 19/01/2018)


HNP - Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 15/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo", nhiều cơ chế, chính sách được tháo gỡ kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người dân...

Chuyển biến rõ nét

Bám sát nội dung Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 12/10/2016, trong đó triển khai 6 nhóm nhiệm vụ với 23 nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã để tổ chức thực hiện. Ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc quyết liệt, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, đơn vị. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đã kịp thời, tích cực vào cuộc, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thành viên, hội viên và dư luận của nhân dân, phối hợp với chính quyền các cấp nhằm giải quyết các thắc mắc, kiến nghị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành chung, Chủ tịch UBND thành phố, các Phó Chủ tịch UBND thành phố đã thường xuyên, trực tiếp nghe báo cáo tình hình thực hiện GPMB các dự án trọng điểm để chỉ đạo, đôn đốc tiến độ, kịp thời chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện chủ trì, chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn; chủ động xem xét, quyết định hệ số điều chỉnh K đối với đối với phần diện tích đất tái định cư vượt diện tích đất ở bị thu hồi; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND thành phố...

Được ủy quyền, phân cấp, UBND các quận, huyện, thị xã đã có nhiều nỗ lực, tập trung tích cực trong việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án, nhất là tại các dự án trọng điểm của Chính phủ và thành phố. Nhìn chung, công tác GPMB có đổi mới, chuyển biến tích cực. Hiệu quả của công tác ủy quyền thể hiện rõ rệt, giảm TTHC, giảm lãng phí xã hội, tạo sự chủ động trách nhiệm đến cấp huyện.

Do tính chất phức tạp của công tác GPMB, nhiều trường hợp chưa có trong chính sách khung. Do vậy, trên cơ sở đề nghị của UBND cấp huyện, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố chủ trì cùng các sở, ngành liên quan xem xét, thống nhất, trình UBND thành phố xem xét, quyết định. Tương tự, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tích cực chủ trì trong việc xác định giá đất cụ thể làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ và thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; cân đối, trình UBND thành phố bố trí quỹ đất tái định cư; giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai khi GPMB... Sở Tài chính chủ trì thẩm định giá đất cụ thể làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ và thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; trong việc giải quyết vướng mắc liên quan đến đơn giá cây trồng, vật nuôi là thủy sản; xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại; chi phí hỗ trợ thuê trụ sở, nhà xưởng cho tổ chức; thực hiện nghĩa vụ tài chính của người bị thu hồi đất... Sở Xây dựng chủ trì xác định giá bán nhà tái định cư và giá công trình, vật kiến trúc làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ; cân đối, trình UBND thành phố bố trí quỹ nhà tái định cư phục vụ nhu cầu của các dự án...

Về cơ chế, chính sách chung trong GPMB, thu hồi đất, thành phố cũng ban hành nhiều văn bản mới để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân như: Quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của thành phố về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố; ban hành quy định một số nội dung về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố... Vì vậy, công tác GPMB trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến mạnh, đạt hiệu quả cao.

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ

Theo Ban Chỉ đạo GPMB thành phố, đến hết ngày 31/10/2017, trên địa bàn thành phố đã phê duyệt 23.192 phương án (bằng 120% so với cùng kỳ năm 2016), với số tiền bồi thường, hỗ trợ là 10.519 tỷ đồng (bằng 193% so với cùng kỳ năm 2016), xét tái định cư cho 891 trường hợp (bằng 203% so với cùng kỳ năm 2016). Đồng thời, hỗ trợ bằng tiền để 340 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện tự lo tái định cư (như vậy, tổng số hộ được bố trí tái định cư là 1.231 hộ), đã chi trả 8.702 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ (bằng 219% so với cùng kỳ năm 2016) cho 19.871 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và giao 454 căn hộ, lô đất tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở (tăng 282% so với cùng kỳ năm 2016), đã nhận bàn giao mặt bằng 869ha đất (tăng 151 % so với cùng kỳ năm 2016) tại 244 dự án.

Đối với 52 dự án trọng điểm của thành phố có 39 công trình liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB và thu hồi đất, trong đó: 32 công trình phải hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020; 2 công trình triển khai, hoàn thành sau năm 2020; 5 công trình triển khai sau năm 2020. Nhìn chung tiến độ công tác GPMB một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm so với kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân ở đây do nhiệm vụ GPMB luôn là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp...

Ông Trương Quang Thiều cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được thành phố tiếp tục chỉ đạo: Chủ tịch UBND cấp huyện chủ động, quyết liệt trong công tác GPMB các dự án trên địa bàn; ngoài xây dựng kế hoạch thực hiện theo khối lượng còn phải GPMB và bám sát tiến độ thời gian hoàn thành được thành phố giao. Các sở, ban, ngành thành phố sẽ tích cực phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, GPMB... Nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch và phát huy tính dân chủ trong công tác GPMB; tăng cường tuyên truyền, vận động làm cho người dân hiểu và chấp hành chủ trương thu hồi đất của cấp có thẩm quyền.

 Năm qua, trên địa bàn thành phố có 926 dự án thu hồi đất được HĐND TP thông qua, với diện tích hơn 3.266ha. Ngoài ra, còn các dự án của các bộ, ngành và các dự án chuyển tiếp từ các năm trước chuyển sang tiếp tục triển khai công tác thu hồi đất, GPMB. Như vậy, số liệu thống kê của các quận, huyện, thị xã, toàn thành phố có 1.726 dự án triển khai thu hồi đất, với diện tích đất thu hồi là 7.097ha, liên quan đến 81.014 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức...


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t